Kiều bào chung sức bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc: Bài 3: Cầu nối hội nhập
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, kiều bào tiếp tục được kỳ vọng là lực lượng góp phần chung tay kiến tạo, kết nối, dẫn dắt, giúp TPHCM phát triển theo hướng hiện đại, nhân văn và hội nhập. Từ mạng lưới doanh nhân Việt toàn cầu, một dòng chảy liên kết kinh tế mới đang hình thành, góp phần tăng nội lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế TPHCM và đất nước.
Tài chính xanh, đầu tư xanh và hội nhập
TPHCM đang đứng trước bước ngoặt chiến lược. Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã được Quốc hội thông qua, trao quyền tự chủ mạnh mẽ hơn về tài chính, đầu tư, nhân sự và chính sách. TPHCM tiếp tục được mở rộng không gian phát triển sau khi sáp nhập thêm các tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Thành phố xác định chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 với 3 đột phá: Phát triển kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo; Xây dựng đô thị thông minh, bền vững và đáng sống; Tăng cường liên kết vùng, hội nhập quốc tế.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Hồng Huệ.
Trong bức tranh đó, kiều bào không chỉ đồng hành mà còn là tác nhân tạo ra đột phá, đặc biệt ở các lĩnh vực TPHCM đang cần như công nghệ cao, y tế hiện đại, giáo dục tiên tiến, tài chính xanh... TPHCM định hướng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á. Để làm được điều đó, thành phố cần nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, cơ chế thử nghiệm chính sách linh hoạt, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. Đây cũng chính là những thế mạnh của kiều bào, đặc biệt là trí thức, doanh nhân Việt Nam ở các trung tâm công nghệ toàn cầu như Silicon Valley, Berlin, Tokyo, Seoul, Singapore... Nhiều mô hình đã thành công bước đầu, như chuyên gia Việt kiều về làm cố vấn cho Sở Khoa học – Công nghệ TPHCM, tham gia giảng dạy tại Đại học Quốc gia TPHCM, hợp tác nghiên cứu với các startup trong lĩnh vực AI, blockchain, nông nghiệp thông minh...
Tương lai không xa, TPHCM có thể thành lập “Hội đồng trí thức kiều bào” cố vấn cho chiến lược phát triển đô thị; tạo cơ chế đặt hàng nghiên cứu từ đội ngũ kiều bào chuyên ngành; Kết nối kiều bào với các quỹ đầu tư, không gian sáng tạo, vườn ươm doanh nghiệp; Thí điểm cơ chế trong các lĩnh vực mà chuyên gia kiều bào có thế mạnh.
TPHCM đang hướng đến xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Thủ Thiêm, nơi cần hội tụ nguồn vốn lớn, nhân lực tinh hoa, công nghệ hiện đại và hệ thống pháp lý tiến bộ. Theo Đề án do UBND TPHCM trình Chính phủ, Trung tâm tài chính quốc tế sẽ hoạt động theo mô hình đặc thù, hướng tới thu hút các định chế tài chính toàn cầu. Đây là lĩnh vực mà kiều bào có thể đóng vai trò “bệ phóng”, nhờ vào các mối quan hệ với thị trường quốc tế, am hiểu luật pháp và tiêu chuẩn quốc tế, cùng kinh nghiệm vận hành các định chế tài chính ở nước ngoài. Kiều bào có thể góp phần thiết kế mô hình Trung tâm tài chính theo chuẩn quốc tế; Đầu tư trực tiếp hoặc thông qua các quỹ tài chính kiều bào; Đào tạo, tư vấn cho đội ngũ nhân lực tài chính trong nước; Đưa các công cụ tài chính xanh, bền vững vào Việt Nam.
Một điển hình tiêu biểu trong kết nối doanh nghiệp và đầu tư từ kiều bào là ông Nguyễn Hồng Huệ – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV). Với hơn 30 năm hoạt động gắn bó, ông Huệ đã xây dựng được một mạng lưới doanh nhân kiều bào trải khắp các châu lục, tích cực thúc đẩy các dự án hợp tác công – tư, hỗ trợ thủ tục hành chính, pháp lý và đầu tư cho các doanh nghiệp Việt kiều tại TPHCM. Giống như một “cầu nối chiến lược”, doanh nhân Việt kiều này đã góp phần đưa nhiều dòng vốn và công nghệ từ ngoài nước về đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế – xã hội TPHCM.

TS Nguyễn Thanh Mỹ - nhà khoa học và doanh nhân người Việt tại Canada.
Một trường hợp khác là TS Nguyễn Thanh Mỹ - nhà khoa học và doanh nhân người Việt tại Canada, sở hữu hơn 500 bằng sáng chế. Sau khi trở về quê hương, ông đã khởi nghiệp tại Trà Vinh với hàng loạt dự án nông nghiệp thông minh, sản phẩm thân thiện môi trường, công nghệ tái chế và giáo dục STEM. Dù hoạt động ở địa phương lân cận, nhưng mô hình và tinh thần đổi mới sáng tạo của ông đang được các startup, chính quyền và doanh nghiệp TPHCM học hỏi và lan tỏa mạnh mẽ, góp phần hình thành hệ sinh thái hiên đại, phát triển mà thành phố đang hướng tới.
Nếu “chất xám không biên giới” là nền tảng nâng cao năng lực cạnh tranh của TPHCM bằng tri thức và công nghệ, thì “sức mạnh mềm” của kiều bào lại là nguồn năng lượng bền vững, lan tỏa trong cộng đồng. Đây là những giá trị không thể đo đếm bằng con số, nhưng có sức nâng đỡ lâu dài cho một đô thị sáng tạo, nhân văn và giàu bản sắc. Vai trò của kiều bào không chỉ là giảng viên, bác sĩ, nghệ sĩ hay nhà truyền thông, mà còn là người truyền cảm hứng, giữ gìn bản sắc, gắn kết cộng đồng và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Thành phố là trung tâm giáo dục lớn với một loạt trường đại học, cao đẳng và hàng chục viện nghiên cứu. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách lớn giữa đào tạo và nhu cầu thực tế. Kiều bào có thể giúp TPHCM rút ngắn khoảng cách này bằng cách giảng dạy, chuyển giao chương trình đào tạo quốc tế; xây dựng chương trình đào tạo kép, liên kết giữa các trường trong nước và trường đại học ở nước ngoài do kiều bào làm cầu nối; tư vấn chiến lược phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; khởi nghiệp cho thanh niên. Một số mô hình hiệu quả đã triển khai như các trường tư thục liên kết với tổ chức giáo dục của kiều bào tại Mỹ, Canada; lớp học STEM cho học sinh vùng khó khăn do kỹ sư Việt kiều hỗ trợ...
Gợi mở từ thực tiễn đô thị “đầu tàu”
Để phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của kiều bào trong tiến trình phát triển, thiết nghĩ, TPHCM - “đầu tàu” kinh tế của cả nước có thể chủ động triển khai một số giải pháp mang tính thực tiễn và khả thi. Trước hết, cần sớm thiết lập cơ chế “một cửa” hỗ trợ doanh nghiệp kiều bào, với đầu mối chuyên trách ở các cấp chính quyền địa phương, nhằm tư vấn và xử lý nhanh các thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai, thuế, pháp lý. Song song đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu số về chuyên gia và doanh nhân người Việt ở nước ngoài là hết sức cần thiết, giúp thành phố có thể kết nối trực tiếp với từng cá nhân phù hợp theo từng dự án, lĩnh vực chuyên môn hoặc nhóm chính sách cụ thể. Bên cạnh đó, TPHCM có thể khuyến khích việc hình thành các không gian làm việc chung (co-working space) dành cho startup kiều bào, đặt tại các trung tâm đổi mới sáng tạo như Khu Công nghệ cao, Khu đô thị sáng tạo phía Đông. Đây sẽ là nơi vừa ươm mầm ý tưởng, vừa tạo kết nối giữa cộng đồng khởi nghiệp trong nước và ngoài nước.
Có thể nói TPHCM là địa phương hội đủ điều kiện thuận lợi để tổ chức định kỳ các hội nghị xúc tiến đầu tư chuyên đề theo ngành, lĩnh vực, mời gọi các doanh nhân kiều bào từ các trung tâm kinh tế lớn như California (Mỹ), Berlin (Đức), Seoul (Hàn Quốc)... về tham dự, kết nối với doanh nghiệp bản địa và đề xuất mô hình hợp tác mới. Cùng với đó là ban hành cơ chế khen thưởng, vinh danh định kỳ các trí thức và doanh nhân kiều bào tiêu biểu, gắn với chiến lược phát huy nguồn lực này một cách bền vững và đồng hành lâu dài cùng sự phát triển của thành phố.
Để tiếp tục phát huy vai trò của kiều bào chung sức xây dựng quê hương trong kỷ nguyên phát triển mới, thiết nghĩ TPHCM cần một chiến lược hành động toàn diện, bao gồm: Thành lập Hội đồng tư vấn phát triển kiều bào tại TPHCM (quy tụ chuyên gia, doanh nhân, trí thức kiều bào); Xây dựng trung tâm thông tin số về kiều bào (nền tảng số hóa danh mục chuyên gia, doanh nhân, tổ chức kiều bào, theo ngành nghề và quốc gia); Thí điểm chính sách thẻ cư trú đặc biệt cho chuyên gia kiều bào đến TPHCM làm việc dài hạn; Tạo cơ chế “đặt hàng” chuyên môn từ cơ quan nhà nước đến kiều bào, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng, công nghệ, luật pháp, y tế...; Tổ chức Diễn đàn Kiều bào toàn cầu tại TPHCM định kỳ 2 năm/lần, có tính kết nối và kiến tạo chính sách thực tiễn.
Sau 50 năm thống nhất đất nước, hành trình tiếp theo của TPHCM cần sự tham gia của toàn xã hội – trong và ngoài nước. Kiều bào, với tình yêu, trí tuệ và trải nghiệm toàn cầu, chính là ngọn gió đổi mới, giúp TPHCM hội nhập sâu hơn, phát triển mạnh mẽ hơn và bền vững hơn. Sự chung tay của kiều bào cũng là sự hợp tác trên nền tảng niềm tin, tôn trọng và khát vọng chung vì một TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng là biểu tượng của một đất nước đổi mới và hội nhập.
(Còn nữa)
TPHCM định hướng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á. Để làm được điều đó, thành phố cần nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, cơ chế thử nghiệm chính sách linh hoạt, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. Đây cũng chính là những thế mạnh của kiều bào, đặc biệt là trí thức, doanh nhân Việt Nam ở các trung tâm công nghệ toàn cầu như Silicon Valley, Berlin, Tokyo, Seoul, Singapore... Nhiều mô hình đã thành công bước đầu, như chuyên gia Việt kiều về làm cố vấn cho Sở Khoa học – Công nghệ TPHCM, tham gia giảng dạy tại Đại học Quốc gia TPHCM, hợp tác nghiên cứu với các startup trong lĩnh vực AI, blockchain, nông nghiệp thông minh...