Kiệt tác chỉ kể về một ngày của tầng lớp quý tộc London
'Bà Dalloway' kể về một ngày duy nhất của tháng Sáu, từ góc nhìn của nhiều nhân vật. Ngay từ khi xuất hiện, tác phẩm đã được đánh giá là kiệt tác và luôn nằm trong danh sách những cuốn sách hay nhất mọi thời đại.
Hàng trăm năm sau, khi đọc lại Bà Dalloway, kỳ lạ là người ta vẫn có thể tìm thấy “nhựa sống đang tuôn tràn trong từng chiếc lá dệt nên tác phẩm ấy”. Cuốn tiểu thuyết đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá và được dịch ra hơn 50 ngôn ngữ trên thế giới, được chuyển thể thành phim năm 1997.
Bà Dalloway, xuất bản năm 1925, là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Virginia Woolf. Riêng cái tên Virginia Woolf đã đủ làm nên một truyền kỳ. Ngay từ năm 1928, tác giả được đánh giá là “nhà văn quan trọng nhất của thế kỷ 20” đã quả quyết rằng một phụ nữ phải có tiền và một căn phòng riêng, nếu muốn viết văn. Cho đến nay, quan điểm này chưa hề lỗi thời.
Được đánh giá cao bởi phong cách viết độc đáo, dòng chảy ý thức mượt mà và khả năng khai thác nội tâm nhân vật sâu sắc, Bà Dalloway xoay quanh một ngày tưởng chừng không thể bình thường hơn trong cuộc sống của Clarissa Dalloway, một quý bà trung niên năm mươi hai tuổi, thuộc tầng lớp thượng lưu London, có tiền, có danh tiếng, có địa vị, cuộc sống xa hoa đầy đủ cùng với những bữa tiệc, các mối quan hệ xã giao…
Một số người nói rằng không có gì xảy ra trong tiểu thuyết của Woolf - tuy nhiên với riêng Bà Dalloway, dường như mọi thứ đều xảy ra: tình yêu, cuộc sống, cái chết, ý thức và cả những khủng hoảng hiện sinh.
Điểm nổi bật của Bà Dalloway chính là việc sử dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật dòng chảy ý thức. Thay vì tuân theo cấu trúc tự sự truyền thống, Woolf dẫn dắt người đọc vào những suy nghĩ, cảm xúc và ký ức liên tục thay đổi của Clarissa. Nhờ vậy, độc giả có cơ hội tiếp cận thế giới nội tâm phức tạp của nhân vật, đồng thời hiểu rõ hơn về những trăn trở, u hoài và những mâu thuẫn bên trong tâm hồn một “người giàu cũng khóc”.
Bà Dalloway được đánh giá là tác phẩm quan trọng trong lịch sử văn học hiện đại, góp phần định hình nên nền văn học thế kỷ 20.
Tác phẩm đã tạo nên những ảnh hưởng to lớn đến các nhà văn sau này, đặc biệt là trong việc sử dụng kỹ thuật dòng chảy ý thức. Đây được cho là kỹ thuật độc đáo cho phép tác giả miêu tả những suy nghĩ, cảm xúc và ký ức của nhân vật một cách liên tục, không theo trình tự thời gian tuyến tính. Nhờ vậy, độc giả có thể tiếp cận thế giới nội tâm phức tạp của nhân vật một cách chân thực và sống động hơn.
Ở Việt Nam, năm 2016 bản dịch Bà Dalloway do Nguyễn Thành Nhân chuyển ngữ đã được Nhà xuất bản Tổng hợp Hồ Chí Minh giới thiệu đến độc giả. Đến năm 2022, một phiên bản Dalloway khác của dịch giả Trần Nguyên (Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam) một lần nữa khuấy động cộng đồng đọc. Nói thế để thấy rằng, những di sản của Virginia Woolf cho đến nay vẫn chưa từng ngưng tạo ra những giá trị bền vững theo thời gian.
Bà Dalloway đương nhiên không chỉ đơn thuần là câu chuyện về một ngày trong đời của một phụ nữ, mà còn là một cuộc chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống, cái chết và ý nghĩa hiện hữu. Clarissa, đứng trước ngưỡng cửa tuổi già, không khỏi bồi hồi nhìn lại cuộc đời mình, những lựa chọn đã qua và những gì bà mong muốn cho tương lai. Bà trăn trở về ý nghĩa của cuộc sống, về sự ngắn ngủi và mong manh của kiếp người, về cái chết không thể tránh khỏi và khao khát tìm kiếm một sự kết nối đích thực với những người xung quanh.
Woolf sử dụng ngôn ngữ một cách tinh tế và đầy sáng tạo, với những hình ảnh ẩn dụ, phép so sánh và những chi tiết miêu tả sinh động. Tác giả đã khéo léo đan xen các lớp thời gian, lồng ghép quá khứ, hiện tại và tương lai vào dòng chảy ý thức của nhân vật, tạo nên một bức tranh toàn cảnh về cuộc đời Clarissa. Nhờ vậy, Bà Dalloway không chỉ mang đến cho người đọc những suy tư sâu sắc mà còn đánh thức các giác quan và khơi gợi trí tưởng tượng của họ.
Nên nhớ rằng, thời điểm tác phẩm ra đời, năm 1925, lối viết này đã được đánh giá là một sự cách tân và khai phóng chưa từng có. Ở một chiều khác, Bà Dalloway không chỉ là cuộc khám phá tuyệt vời về bản chất con người, tình yêu, cuộc sống và cái chết mà còn là cuốn sách khiêu khích và có tư duy tiến bộ khi nhìn nhận và khai thác cuộc sống của những người phụ nữ bình thường theo cách chưa từng thực sự được thực hiện trong văn học trước đây - nơi phụ nữ hiếm khi chiếm vị trí trung tâm và nếu có, họ thường được nhìn nhận từ lăng kính của những khuôn mẫu gia trưởng, của các giá trị nam giới và quan điểm của đàn ông.
Cây viết người Mỹ Jenny Offil cho rằng Bà Dalloway là “một cuốn sách kỳ lạ đến không tưởng và sâu rộng đến phi thường. Những gì bạn đọc ở phần tóm tắt sẽ không thể chuẩn bị bạn cho tầng tầng lớp lớp những ẩn ý thâm sâu mà cuốn sách này chứa đựng”.
Còn tiểu thuyết gia Michael Cunningham gọi nó là “một trong những tác phẩm mang tính cách mạng và cảm động nhất của thế kỷ 20”. Ở đây cần phải nói thêm rằng, Bà Dalloway chính là nguồn cảm hứng để Michael Cunningham viết tiểu thuyết Thời khắc (The Hours).
Thời khắc ra đời 1998, nổi tiếng bởi vượt ra khỏi những quy chuẩn tiểu thuyết thông thường. Nội dung cuốn sách chỉ nhắm vào một thời khắc gắn chặt với ba nhân vật cùng có kết nối đậm sâu với cuốn sách mang tên Bà Dalloway. Đó là nữ nhà văn Virginia Woolf mắc chứng trầm cảm nặng nề sống ở ngoại ô London năm 1923 ngày ngày ám ảnh về đứa con tinh thần của mình, tiểu thuyết Bà Dalloway. Đó là Laura Brown, một độc giả say mê Bà Dalloway, đến mức nảy sinh những ý định muốn trải nghiệm đời sống như nhân vật cuốn sách và đó là Clarissa Vaughan, làm trong ngành xuất bản, từng được người bạn trai Richard đặt cho biệt danh "bà Dalloway".
Thời khắc sau đó từng đoạt giải văn chương Pulitzer, được đạo diễn Stephen Daldry chuyển thể thành công sang siêu phẩm điện ảnh cùng tên, bộ phim này ngay sau đó cũng đã đoạt giải Quả cầu vàng.
Hạnh Đỗ/Tiền Phong