Kiệt sức vì cái mác 'học sinh năng khiếu'
Với nhiều người, 'có năng khiếu' là một đặc ân, nhưng với những đứa trẻ có năng khiếu, đó có thể là một lời nguyền gây kiệt sức.
"Đứa trẻ có năng khiếu" là một nhân vật điển hình, dễ dàng phát hiện trong đám đông. Bởi vì những bà mẹ trung niên sẽ không ngừng khoe về đứa con có năng khiếu của mình trong những buổi họp mặt gia đình, hoặc các em sẽ được đưa ra làm hình mẫu "con nhà người ta" trong truyền thuyết.
Nur Hidaya (sống ở Singapore) đã từng là một đứa trẻ như vậy. Đối với nhiều người, cái mác năng khiếu có thể là một may mắn, nhưng với Hidaya, đó lại là một "lời nguyền" gây ám ảnh.
Thế nào là có năng khiếu?
Ở Singapore, đứa trẻ có năng khiếu được định nghĩa là những đứa trẻ có thể học kiến thức nâng cao, học toán, đọc, khoa học nhanh hơn bạn bè cùng trang lứa.
Những đứa trẻ này cũng được chọn lọc thông qua Chương trình Giáo dục Năng khiếu (GEP) khi lên lớp 3. Khi đạt đủ điều kiện, các em sẽ được nhận vào một số trường dạy chương trình dành cho học sinh năng khiếu như Anglo-Chinese, Raffles Girls’ Primary và Rosyth School.
Học sinh bình thường đã có áp lực phải thật xuất sắc, nhưng những đứa trẻ năng khiếu còn gặp áp lực lớn hơn rất nhiều vì các em được kỳ vọng sẽ vượt trội bạn bè về mặt trí tuệ. Một lần thi trượt hoặc điểm thấp cũng có thể khiến những đứa trẻ này và gia đình cảm thấy xấu hổ.
Bản thân Hidaya cũng là đứa trẻ có năng khiếu "trong truyền thuyết". Cô biết đọc từ mẫu giáo và đọc nhanh hơn các bạn, thậm chí được nhận học bổng đầu tiên ở bậc học này. Họ hàng, phụ huynh của bạn cùng lớp luôn lấy Hidaya làm chuẩn mực và muốn con mình noi gương.
"Khi 3 tuổi, một họ hàng hoảng hốt khi thấy tôi mới đọc sách. Con gái ông ấy bằng tuổi tôi nên ông thường so sánh con với tôi. Nhưng phụ huynh lại không biết rằng chính sự so sánh đó làm nảy sinh sự đố kỵ mà chúng ta đều biết và khó chịu", Hidaya nói với TheSmartLocal.
Giống như hầu hết học sinh có năng khiếu khác, Hidaya đã vượt qua bậc tiểu học mà không cần học thêm. Nhưng cũng chính tại đây, khi được phát hiện có khả năng thuyết trình, cô được mẹ đẩy đi tham gia các cuộc thi kể chuyện và tranh luận ở trường.
Mọi thứ đều ổn cho đến khi Hidaya lên lớp 9 - thời điểm những đứa trẻ có năng khiếu bắt đầu kiệt sức. Cô phải trải qua việc chọn tổ hợp môn gồm Toán, Hóa học và Vật lý vì nghĩ rằng bản thân nên học các môn STEM nâng cao. Nhưng cuối cùng, Hidaya đã sai.
Đó là lần đầu tiên cô gái phải vật lộn với việc học và phải nhồi nhét quá nhiều kiến thức trước kỳ thi. Hidaya đã từng đặt mục tiêu vào một ngôi trường được cho là "mọi đứa trẻ thông minh đều học ở đó". Nhưng vì điểm số ở cấp 3 ngày càng giảm, mục tiêu vào trường đại học trọng điểm ngày càng xa vời với nữ sinh.
Áp lực, khủng hoảng
Vốn là đứa trẻ được gắn mác có năng khiếu, nhưng rồi mọi thành công không còn dễ dàng với Hidaya. Cô bắt đầu hoảng sợ và nghi ngờ trí tuệ của mình.
"Những kỳ vọng mà người khác - người ghen tị và những giáo viên tìm thấy tiềm năng của tôi - đặt ra cũng đè năng lên tôi. Việc không thể đáp ứng những kỳ vọng đó khiến tôi suy sụp", nữ sinh kể lại.
Áp lực khi khiến người khác thất vọng, Hidaya cũng áp lực vì tự ghét chính mình. Cô tự đặt ra mục tiêu cho bản thân rồi cuối cùng không đạt được kỳ vọng.
Hiện, dù đã tốt nghiệp đại học, nỗi ám ảnh về việc phải trở nên hoàn hảo trong mắt mọi người vẫn thường trực bên trong Hidaya. Một lần, khi tình cờ xem được một video về việc những đứa trẻ có năng khiếu trải qua cuộc sống khó khăn hơn, cô nhận ra năng khiếu cũng là một lời nguyền, dù được xã hội trọng dụng và tung hô.
Vào khoảng năm 2023, thuật ngữ “gifted kid burnout” (tạm dịch: Đứa trẻ năng khiếu bị kiệt sức) cũng được lan truyền trên mạng xã hội ở Singapore. Thuật ngữ này dùng để chỉ những đứa trẻ đầy triển vọng nhưng dần sụp đổ và trở thành những người lớn vô vọng.
Vì thông minh được gắn mác với việc sẽ dễ dàng thành công, những đứa trẻ có năng khiếu theo đó dễ dàng nghi ngờ chính mình nếu thành công không đến. Lúc đó, Hidaya cảm thấy nhẹ nhõm, cô nhận ra rằng bản thân không mất đi năng khiếu mà chỉ đơn giản là bị kiệt sức.
"Nếu con bạn được xác định là có năng khiếu, bạn đừng gắn kết việc học với các giá trị cá nhân của chúng. Thay vào đó, bạn hãy xác định những gì chúng thấy có ý nghĩa - có thể là bất cứ điều gì, từ việc giúp đỡ bệnh nhân ung thư đến sở thích liên quan âm nhạc. Điều này khuyến khích động lực lâu dài và mang lại cho trẻ sự hài lòng", Hidaya chia sẻ lời khuyên.