'Kiềng ba chân' trong giáo dục bộ đội

Với nhiệm vụ trọng tâm là huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, Sư đoàn 330, Quân khu 9 luôn xác định công tác quản lý, giáo dục bộ đội có vị trí rất quan trọng, nhằm đảm bảo cho cán bộ, chiến sĩ luôn vững vàng một ý chí, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Vì vậy, thời gian qua, việc phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị, địa phương và gia đình quân nhân được xem như 'kiềng ba chân' để quản lý, giáo dục bộ đội một cách vững chắc và hiệu quả.

Ấm áp tình đồng đội

Được triển khai thực hiện từ năm 2013 đến nay, mô hình Đêm “Nghĩa tình đồng đội” là điển hình tiêu biểu trong Cuộc vận động “Người con hiếu thảo, nghĩa tình đồng đội” tại Sư đoàn. Mô hình được tổ chức định kỳ hàng năm vào dịp kết thúc huấn luyện chiến sĩ mới. Thông qua mô hình, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Sư đoàn đã mở “nhịp cầu nối” lan tỏa tình yêu thương, sự đoàn kết, gắn bó đồng chí, đồng đội và những tấm lòng hảo tâm từ cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm hỗ trợ gia đình chiến sĩ khó khăn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Đêm “Nghĩa tình đồng đội” của Trung đoàn 3

Đêm “Nghĩa tình đồng đội” của Trung đoàn 3

Để mô hình được triển khai chặt chẽ và hiệu quả, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Sư đoàn chỉ đạo cơ quan chính trị làm tham mưu và là cơ quan chủ trì để hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện; tích cực tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về ý nghĩa của mô hình để mỗi quân nhân nhận rõ đây là tình thương, trách nhiệm của mỗi người. Đồng thời, chỉ huy đơn vị gửi thư ngỏ vận động lòng hảo tâm của các cá nhân, tổ chức, chính quyền địa phương trên tinh thần tự nguyện, tương thân tương ái, nhất là địa phương - nơi giao quân huấn luyện chiến sĩ mới.

Thượng tá Nguyễn Minh Châu, Phó chính ủy Sư đoàn chia sẻ: “Với ý nghĩa nhân văn và giá trị động viên tinh thần thiết thực cho gia đình chiến sĩ, những năm qua, mô hình nhận được sự ủng hộ tích cực từ cấp ủy, chính quyền địa phương, thân nhân gia đình và cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Từ năm 2013 đến nay, mô hình đã vận động quyên góp hơn 7 tỷ đồng hỗ trợ 1.075 gia đình chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, góp phần chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống đối với gia đình chiến sĩ. Sự quan tâm của chỉ huy đơn vị, chính quyền địa phương, tình yêu thương của đồng đội và gia đình đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn giúp quân nhân an tâm tư tưởng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đây không chỉ là nâng cao chất lượng công tác chính sách hậu phương Quân đội mà còn phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới”.

Từng tham dự Đêm “Nghĩa tình đồng đội” năm 2024, bà Đoàn Hồng Lĩnh, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị TP Bạc Liêu (Bạc Liêu) cho biết: “Mô hình này thực sự có ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi đã giúp đỡ gia đình chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua mô hình đã giúp phát huy sức mạnh tổng hợp của đơn vị, địa phương và gia đình quân nhân cũng như các nhà hảo tâm trên địa bàn tham gia. Nhờ vậy, thắt chặt thêm mối quan hệ gắn bó giữa đơn vị với địa phương”.

Những “lá thư” nối dài gắn kết

Nếu như mô hình Đêm “Nghĩa tình đồng đội” là nhịp cầu mang địa phương và gia đình quân nhân đến gần hơn với đơn vị, thì mô hình “Thư gửi gia đình quân nhân” lại thực hiện rất tốt vai trò của chiều ngược lại. Hơn 4 năm thực hiện, mô hình đã gửi được hơn 10.000 lá thư đến gia đình của từng quân nhân. Là đơn vị điểm về thực hiện mô hình này trong Sư đoàn, Trung tá Nguyễn Minh Đương, Chính ủy Trung đoàn 20 cho biết: “Đảng ủy, Ban Chỉ huy Trung đoàn chỉ đạo từng chi ủy, chi bộ họp thống nhất đưa kết quả hoàn thành nhiệm vụ của từng quân nhân vào lá thư để thông báo đến gia đình. Đồng thời, đơn vị lồng ghép nội dung thăm hỏi, động viên người thân của quân nhân; thư còn đề nghị gia đình phối hợp chặt chẽ với đơn vị để tuyên truyền, giáo dục con em chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, đơn vị. Mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, không còn trường hợp trễ phép, chấm dứt hiện tượng quân nhân vi phạm kỷ luật, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông và khi trở lại đơn vị, quân nhân phấn khởi, tích cực phấn đấu học tập, rèn luyện”.

 Mô hình “Thư gửi gia đình quân nhân” của Trung đoàn 20.

Mô hình “Thư gửi gia đình quân nhân” của Trung đoàn 20.

Ông Dương Văn Hẹn, ba của Trung sĩ Dương Hồng Tín, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3, Trung đội 4, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 20 chia sẻ: “Qua lá thư, tôi cảm nhận được sự quan tâm, tình cảm, trách nhiệm của đơn vị với gia đình cũng như với con tôi. Nhờ vậy, giúp chúng tôi nắm rõ tình hình thực hiện nhiệm vụ của con mình tại đơn vị và có điều kiện thuận tiện hơn khi gửi gắm với chỉ huy đơn vị về nguyện vọng, mong muốn của gia đình. Tôi thấy được sự gần gũi, gắn bó giữa đơn vị và gia đình trong thời gian con tôi thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Trung đoàn 20”.

Những lá thư đã thể hiện trọn vẹn sự quan tâm của chỉ huy đơn vị đến từng quân nhân; là phương tiện để mỗi gia đình nắm chắc tình hình thực hiện nhiệm vụ của con em mình tại đơn vị. Đây còn là một kênh thông tin rất quan trọng giúp lãnh đạo, chỉ huy nắm được tình hình tư tưởng của quân nhân sau khi trả phép trở về đơn vị, từ đó có biện pháp quản lý, rèn luyện kịp thời, hiệu quả.

Tạo hiệu ứng “mưa dầm thấm lâu”

Đến với Trung đoàn 1, Sư đoàn 330, chúng tôi còn thấy được sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình quân nhân và đơn vị qua hoạt động truyền thanh tại nhà khách quân nhân. Những âm thanh đều, rõ, truyền cảm được phát trên chiếc loa gắn trong khuôn viên nhà khách cùng với hình ảnh những cán bộ đang ân cần hướng dẫn cho từng gia đình lên thăm đơn vị làm cho chúng tôi cứ ngỡ là đang ở chính ngôi nhà thân thuộc của mình.

Trung tá Đặng Văn Đệ, Phó chính ủy Trung đoàn 1 cho biết: “Thực hiện mô hình này, đơn vị tuyên truyền, giáo dục cho quân nhân và gia đình thông qua các “Tổ tuyên truyền” bằng loa truyền thanh kết hợp với cán bộ hướng dẫn trực tiếp. Việc phát loa thường xuyên định kỳ hàng tuần sẽ tạo nên hiệu ứng “mưa dầm thấm lâu” không chỉ cho chiến sĩ mà còn cho cả thân nhân. Các nội dung tuyên truyền chính mà đơn vị lựa chọn như: Truyền thống và nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị; các quy định về sử dụng thiết bị điện tử; một số quy định về kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước như: Nội dung cơ bản của Thông tư 143 của Bộ Quốc phòng; Luật nghĩa vụ Quân sự năm 2015;… Từ kênh tuyên truyền này, giúp gia đình nắm chắc kiến thức về pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, trách nhiệm, nghĩa vụ, chế độ, tiêu chuẩn của quân nhân; đồng thời, củng cố niềm tin của gia đình vào lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, động viên con em mình an tâm tư tưởng, xác định tốt nhiệm vụ được giao”.

Người thân đăng ký thăm chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Trung đoàn 1.

Người thân đăng ký thăm chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Trung đoàn 1.

Mô hình này đã làm chuyển biến rõ nét chất lượng giáo dục, phổ biến pháp luật đối với gia đình quân nhân cũng như việc xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật của quân nhân tại đơn vị; vì vậy, 100% quân nhân luôn xác định rõ nhiệm vụ và chấp hành nghiêm kỷ luật Quân đội, quy định của đơn vị, thiết thực góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Dù hình thức thể hiện khác nhau nhưng cả ba mô hình trên đều tích cực phát huy vai trò của thế “kiềng ba chân” trong công tác giáo dục, quản lý bộ đội tại Sư đoàn 330. Từ các mô hình đã tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng, hành động của quân nhân và gia đình, tạo sự chuyển biến tích cực trong chấp hành các quy định của đơn vị; giúp quân nhân xây dựng động cơ, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, “Mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Bài và ảnh: THÀNH NHÂN - HỮU TÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/kieng-ba-chan-trong-giao-duc-bo-doi-812936
Zalo