'Kiến trúc sư' của những mô hình vì dân

Cảm hóa, hỗ trợ các đối tượng lầm lỡ hòa nhập cộng đồng, xây dựng những mô hình giữ bình yên cho thôn, làng; giúp đỡ cựu chiến binh (CCB), nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững... Không có việc khó gì làm chùn bước CCB Chu Xuân Toàn, Chủ tịch Hội CCB huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai).

Bao dung với người lầm lỡ

“Mọi người đừng đến nữa, đừng nói gì nữa, cuộc sống của tôi coi như chấm hết rồi. Ai lại tin, lại quý mến một kẻ từng đi theo Fulro và từng phải ngồi tù như tôi chứ”. CCB Chu Xuân Toàn nhớ lại những lời nói cay nghiệt, bất cần của Siu Cheng (ở làng Quái, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) khi ông và các CCB đến nhà gặp gỡ, động viên để bắt đầu câu chuyện với chúng tôi. Câu chuyện giáo dục, cảm hóa các đối tượng Fulro, “Tin lành Đề ga”, giữ bình yên thôn, làng và hỗ trợ người dân thoát nghèo đầy khó khăn, gian nan nhưng thấm đẫm tình người, những phẩm chất cao đẹp của CCB Chu Xuân Toàn.

“Cháu vẫn không thể hình dung nổi, chú và các CCB, lực lượng chức năng của huyện Chư Pưh đã làm gì để giúp ông Siu Cheng không chỉ vượt qua mặc cảm tội lỗi, hòa nhập cộng đồng mà còn được dân làng tín nhiệm bầu làm Trưởng ban công tác mặt trận của làng Quái”, tôi hỏi CCB Chu Xuân Toàn.

Câu hỏi của tôi đã chạm vào điều gì đó khiến ông Toàn đưa ánh mắt nhìn xa xăm, suy tư một lúc rồi nói: “Những năm trước đây, tình hình an ninh chính trị, an ninh nông thôn trên địa bàn huyện Chư Pưh khá phức tạp. Các đối tượng Fulro, “Tin lành Đề ga” móc nối, dụ dỗ, kích động nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước. Với tinh thần của một đảng viên có gần 44 năm tuổi Đảng, một người lính được tôi luyện trong Quân đội, tôi không thể làm ngơ, không cho phép các thế lực thù địch lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số đồng bào để chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đấu tranh kiên quyết với các thế lực thù địch nhưng khi đồng bào đã lầm lỡ, đã phải trả giá thì mình lại bao dung và dẫn dắt họ đi trên con đường sáng, trường hợp Siu Cheng là một ví dụ”.

 CCB Chu Xuân Toàn (thứ hai, từ trái sang) nhận cờ của Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng Hội CCB huyện Chư Pưh.

CCB Chu Xuân Toàn (thứ hai, từ trái sang) nhận cờ của Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng Hội CCB huyện Chư Pưh.

Ông Toàn kể, năm 2003, vì nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, ông Siu Cheng đã tin theo các đối tượng Fulro có nhiều hoạt động trái pháp luật, rồi vượt biên sang Campuchia và bị kết án 7 tháng tù giam. Khi mãn hạn tù trở về, Siu Cheng gặp rất nhiều khó khăn trong hòa nhập cộng đồng. Ông luôn cảm thấy xấu hổ, mặc cảm và chán chường, không ra khỏi nhà, cũng không muốn gặp ai. Nắm bắt được thông tin, ông Toàn và các CCB từng bước đến nhà gặp gỡ, phân tích cho Siu Cheng hiểu rõ hành vi sai trái của mình trước đây, sự khoan hồng của pháp luật, tình làng nghĩa xóm và anh em họ hàng. Để Siu Cheng tin, cảm mến và quyết tâm làm lại cuộc đời, CCB Chu Xuân Toàn thuyết phục, giúp đỡ bằng tình cảm của một người anh trong gia đình, từ hướng dẫn, tổ chức lại cuộc sống, động viên tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động của làng, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình. CCB Chu Xuân Toàn còn sáng tạo, triển khai mô hình “8+1” (8 hội viên CCB giúp đỡ 1 đối tượng lầm lỡ phấn đấu tiến bộ, ổn định cuộc sống) để phát huy vai trò gương mẫu của CCB giúp Siu Cheng và các đối tượng khác.

Mô hình “8+1” được CCB Chu Xuân Toàn triển khai ở các cấp hội CCB huyện Chư Pưh từ năm 2015 đến nay và đã thức tỉnh, cảm hóa được 92 đối tượng lầm lỡ hoàn lương, tiến bộ, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Tuyên truyền, vận động hơn 70 hộ dân với 355 nhân khẩu ở làng Chư Bố 2 (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) từ bỏ “Tin lành Đề ga” chuyển sang sinh hoạt Tin lành Việt Nam; giúp 3 làng: Tai Pêr (xã Ia Hla), Plei Lao (thị trấn Nhơn Hòa), huyện Chư Pưh và Chư Bố 2 từ làng trọng điểm về an ninh chính trị thành làng văn hóa.

 CCB Chu Xuân Toàn (thứ sáu, từ phải sang) nhận bằng khen của UBND tỉnh Gia Lai.

CCB Chu Xuân Toàn (thứ sáu, từ phải sang) nhận bằng khen của UBND tỉnh Gia Lai.

Gặp CCB Chu Xuân Toàn và chúng tôi, ông Siu Lê, ở làng Quái xúc động nói: “Mình từng nghe lời kẻ xấu, làm nhiều việc sai trái, phải bỏ trốn vào rừng sinh sống, chịu bao khổ cực. Nhờ có sự khoan hồng của pháp luật Việt Nam, có ông Toàn, các CCB và chính quyền các cấp động viên, hỗ trợ mà mình được trở về sống trong tình yêu thương của dân làng, phát triển kinh tế ngày một ổn định, khấm khá. Nhắc lại quá khứ đáng xấu hổ trước đây để bà con tránh xa những luận điệu lừa phỉnh, dụ dỗ của bọn Fulro, tránh mang ảo tưởng về cuộc sống sung sướng nơi “miền đất hứa” nào đó, chăm chỉ làm ăn, xây đắp tình làng, nghĩa xóm".

Hạnh phúc của nhân dân là phần thưởng cao quý nhất

Không chỉ có mô hình “8+1” mà trên cương vị Chủ tịch Hội CCB huyện Chư Pưh gần 16 năm qua, CCB Chu Xuân Toàn được ví như “kiến trúc sư” của những mô hình vì dân, có sức lan tỏa sâu rộng, được cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp hội CCB và nhân dân đánh giá cao. Ông Toàn cho biết, năm 2019, trước tình trạng một số đối tượng trộm cắp lộng hành, lấy cắp thành quả lao động “một nắng hai sương” của người dân và các vụ việc gây mất an ninh trật tự, ông đã xây dựng thí điểm mô hình “Ánh sáng và tiếng kẻng an ninh” tại làng Tao Klăh, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh. Để triển khai mô hình, ông Toàn đã chỉ đạo Hội CCB huyện Chư Pưh và Chi hội CCB làng Tao Klăh tuyên truyền, vận động người dân lắp điện chiếu sáng trước nhà và lắp 3 chiếc kẻng trong khu dân cư để báo động khi có tình huống. Hằng ngày, hội viên CCB phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát địa bàn, kịp thời nhắc nhở các hộ dân nâng cao tinh thần cảnh giác, phát hiện, xử lý kịp thời những vụ việc.

“Năm 2020, mô hình này được nâng cấp thành mô hình “Ánh sáng, camera và tiếng kẻng an ninh”. Hội CCB đã chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng Công an nhân rộng mô hình tại 57 thôn, làng/74 thôn, làng trong toàn huyện Chư Pưh. Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và người dân lắp đặt hơn 460 camera và 3.800 bóng điện chiếu sáng với tổng kinh phí gần 3,6 tỷ đồng. Từ đó đến nay, lực lượng chức năng đã trích xuất camera phát hiện, xử lý hơn 100 vụ trộm cắp. Ở những nơi có hệ thống camera, tình trạng thanh niên điều khiển phương tiện tham gia giao thông lạng lách, đánh võng, nẹt pô giảm đáng kể”, ông Toàn chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Châu, ở thôn Hòa Lộc, xã Ia Phang phấn khởi nói với mọi người: Mô hình “Ánh sáng, camera và tiếng kẻng an ninh” hay và thiết thực lắm. Hiệu quả rõ rệt từ giữ vững an ninh trật tự, bình yên cho thôn, làng đến tình đoàn kết trong nhân dân, phát huy truyền thống, sức mạnh ngay từ thôn, làng. Đặc biệt, ông Toàn và các CCB rất tích cực, đến từng nhà dân vận động, thuyết phục. Thời gian đầu, có những gia đình chưa hiểu, chưa tham gia mô hình, các CCB kiên trì giải thích, dần dần tạo sự đồng thuận cao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Gia Lai đánh giá cao những mô hình, việc làm vì cộng đồng, vì nhân dân của CCB Chu Xuân Toàn. Theo ông Hùng, ngoài hai mô hình “8+1”, “Ánh sáng, camera và tiếng kẻng an ninh”, CCB Chu Xuân Toàn còn sáng tạo, triển khai sâu rộng các mô hình: “10+1” (10 cán bộ, hội viên CCB giúp đỡ 1 hội viên vươn lên thoát nghèo); “5 không” (không theo Fulro, không nghe lời kẻ xấu, không tham gia gây rối biểu tình bạo loạn, không tiếp tế cho địch, không vượt biên); “4 không” (không vi phạm pháp luật, không gây tai nạn giao thông đường bộ, không nghiện ma túy, không mại dâm)... Những mô hình trên đều để lại dấu ấn rất đậm nét, góp phần to lớn vào phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn huyện Chư Pưh.

Ông Toàn nhiều lần vinh dự được báo cáo điển hình, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng các mô hình tại Đại hội thi đua yêu nước “CCB gương mẫu” ở các cấp; được Trung ương Hội CCB Việt Nam, Bộ Công an và cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương tặng gần 100 danh hiệu thi đua, bằng khen, giấy khen. Trong đó, 14 năm liên tục (2011-2024) được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; danh hiệu Chiến sĩ thi đua tỉnh Gia Lai năm 2022; được bình chọn, tôn vinh “Gương sáng pháp luật” năm 2021 và nhiều bằng khen về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhưng có lẽ với phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ, phần thưởng lớn nhất đối với CCB Chu Xuân Toàn là các mô hình do ông làm “kiến trúc sư” được huyện Chư Pưh và tỉnh Gia Lai ra quyết định công nhận; được Trung ương Hội CCB Việt Nam và các bộ, ngành chỉ đạo nghiên cứu, nhân rộng, góp phần giữ bình yên cho hàng nghìn thôn, làng và hạnh phúc cho nhân dân.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/kien-truc-su-cua-nhung-mo-hinh-vi-dan-811110
Zalo