Kiến trúc khoái sinh: Một xu hướng kiến trúc xanh
Kiến trúc xanh (Green Architecture) được định nghĩa là các hoạt động thiết kế công trình theo cách bảo vệ môi trường tự nhiên (từ điển Cambridge), hoặc ít gây hại đến tự nhiên (GS-TS Nirmal Kishnani).
Trước đây một thời gian dài, cũng có sự nhập nhằng, chưa rõ ràng giữa kiến trúc xanh và kiến trúc có trồng cây xanh trên lớp cấu trúc vỏ bao che công trình. Các quan điểm phản đối loại hình kiến trúc có trồng cây xanh trên cấu trúc vỏ bao che cho rằng cách thiết kế như vậy sẽ gia tăng độ ẩm thấp, thu hút muỗi, và là một hình thức “rửa xanh” (greenwash) kiến trúc chứ không phải là kiến trúc xanh.

Cách nay khoảng bốn năm, vào năm 2020, hàng loạt báo chí, kênh truyền thông đưa tin về trường hợp một dự án chung cư “xanh” ở Thành Đô mang tên Qiyi City Forest Garden bị bỏ hoang do muỗi và côn trùng đến từ việc trồng quá nhiều cây xanh để đua theo thông điệp của một “khu rừng thẳng đứng” và coi đây là một điển hình tiêu biểu trong sự lệch lạc của kiến trúc có trồng cây xanh.
Từ những ví dụ tệ tương tự như chung cư kể trên, cộng với tinh thần hiện đại cổ súy cho sự tinh khiết, thuần túy của ý niệm trong kiến trúc, kiến trúc xanh lại chuyển sang trạng thái thẳng thắn gạt bỏ loại hình kiến trúc có sự gắn kết với cây xanh ra khỏi danh mục của mình.
Tuy nhiên, thực tế thì từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây, từ xứ nóng đến xứ lạnh, từ nơi khô hanh đến nơi nóng ẩm, hiện ngày càng có nhiều công trình ở khắp nơi trên thế giới có giải pháp kiến trúc tích hợp trồng cây xanh, có được sự ủng hộ của công chúng và giới chuyên môn, đã tồn tại ổn định nhiều năm.
Vậy thì xu thế này phản ánh điều gì? Liệu kiến trúc tích hợp trồng cây xanh có nên được coi là một kiểu “kiến trúc xanh” theo nghĩa trực quan lẫn chiều sâu của một hệ thống triết lý, giải pháp kiến trúc?

Xu hướng kiến trúc khoái sinh hiện diện trong các công trình thu hút cộng đồng và đạt được các giải thưởng chuyên môn. Ảnh: BP
Nếu xem kiến trúc xanh là giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm bớt tác hại của việc lấy bớt tài nguyên từ trái đất, làm giảm phát thải thêm carbon, làm thời tiết, khí hậu dễ chịu hơn thì rõ ràng trồng thêm cây xanh lên công trình là một trong những xu hướng kiến trúc xanh. Vấn đề là giải pháp đưa cây xanh tích hợp vào không gian của kiến trúc như thế nào cho đúng đắn và phù hợp.
Nếu xem kiến trúc xanh là tốt hơn cho sức khỏe của con người thì rõ ràng sự gần gũi với thiên nhiên, kiến trúc có cây xanh là giải pháp đem lại sự cân bằng về thể chất, cũng như đặc biệt về tinh thần cho sinh vật người đang phải sống và làm việc trên các tòa nhà cao tầng xa mặt đất.
Xét một cách trực quan, tự nhiên thì tâm lý gần gũi với thiên nhiên, với cây xanh là một biểu hiện mang tính quy luật tất yếu, hay mạnh mẽ hơn là mang tính bản năng.
Văn hóa người Việt Nam, đặc biệt trong ngày đầu xuân mới, luôn mong muốn mang về nhà mình một mảnh nhỏ của thiên nhiên như cành đào, cây mai, chậu quất, chậu cúc,... Người Việt Nam luôn có tâm hồn yêu thiên nhiên, muốn gần gũi với cây cối - dù trong bối cảnh cuộc sống thành thị hay nông thôn, không gian ở của người Việt luôn có sự hiện diện của những cây cảnh bonsai, cây rau, quả trên ban công, trên sân thượng hay một chậu cây nhỏ trong văn phòng làm việc,…
Những biểu hiện văn hóa ấy, được các nhà nghiên cứu đương đại gọi là “khoái sinh” (biophilia).
Thuật ngữ “khoái sinh” (biophilia), do nhà tâm lý học Erich Fromm đề xướng và được nhà sinh vật học Edward O. Wilson phổ biến vào những năm 1980, được định nghĩa là “sự thôi thúc kết nối với các dạng sống khác”. Có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, thuật ngữ này được dịch theo nghĩa đen là “tình yêu sự sống” hay “tình yêu thiên nhiên”.

Liệu kiến trúc tích hợp trồng cây xanh có nên được coi là một kiểu “kiến trúc xanh"? Ảnh: Archdaily
Trong bối cảnh của lĩnh vực kiến trúc, khái niệm “biophilia” đề cập đến kiến trúc và quy hoạch đô thị kết hợp với những giá trị của thiên nhiên để nâng cao và cải thiện sức khỏe. Mặc dù khái niệm này đã tồn tại trong một thời gian dài, nhưng mức độ phổ biến của nó đã tăng lên trong những năm gần đây, đặc biệt là kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 và sự chú trọng ngày càng tăng vào sức khỏe tâm thần và công thái học tại nơi làm việc.
Xuất phát từ thuật ngữ mang tính tâm lý sinh thái như “biophilia”, kiến trúc khoái sinh (biophilic architecture) ra đời như là một hệ thống triết lý thiết kế tìm cách tạo ra các tòa nhà và không gian kết nối con người với thiên nhiên. Nó kết hợp các yếu tố tự nhiên, vật liệu và ánh sáng để nâng cao sức khỏe và năng suất của người cư ngụ trong kiến trúc và hướng đến tính bền vững của môi trường.
Thiết kế khoái sinh (biophilic design) dựa trên niềm tin rằng con người có mối liên hệ bẩm sinh với thiên nhiên và bằng cách đưa các yếu tố của thế giới tự nhiên vào môi trường xây dựng, chúng ta có thể cải thiện sức khỏe, hạnh phúc và chất lượng cuộc sống nói chung.
Từ nền tảng lý thuyết về sinh học, loài người chúng ta đã tiến hóa trong hơn 99% lịch sử của mình để thích nghi với thế giới tự nhiên chứ không phải với các cấu trúc vật chất do con người tạo ra hoặc nhân tạo. Chúng ta đã được mã hóa sinh học để gắn kết với các đặc điểm và quy trình tự nhiên. Vì thế, nhu cầu gần gũi với giới tự nhiên, với các loài sinh vật, thực sự vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần, thể lực và hạnh phúc của con người. Do đó, mục tiêu cơ bản của kiến trúc khoái sinh là tạo ra môi trường sống tốt cho con người như các sinh vật sinh sống trong các công trình, cảnh quan và cộng đồng.

Kiến trúc khoái sinh đã và đang là một xu hướng có sự hiện diện khá nổi bật và thu hút sự ủng hộ của công chúng cũng như những kiến trúc sư tài danh đương đại. Ảnh: Qingyan Zhu/Archdaily
Trong khi đó, môi trường sống ngày nay của loài người phần lớn là môi trường xây dựng khi mà hơn 50% dân số thế giới ở trong các đô thị, nơi chúng ta dành 90% thời gian của mình để đắm trong đó. Từ tình trạng bản chất, và nghịch lý thừa xám thiếu xanh, tiếp cận thiết kế kiến trúc khoái sinh tìm cách thỏa mãn nhu cầu bẩm sinh của chúng ta là gắn kết với thiên nhiên trong các tòa nhà và thành phố hiện đại. Tất cả điều đó giúp chữa lành cho con người và đưa con người trở về đúng với bản chất là một sinh vật, mà sinh vật thì cần hệ sinh thái, cần thiên nhiên.
Thiên nhiên với con người là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi trong tiếp cận thiết kế khoái sinh. Kiến trúc khoái sinh mang lại lợi ích cho nhân viên khi họ làm việc vui vẻ hơn, năng suất hơn; lợi ích cho người mua nhà khi họ có không gian để nghỉ ngơi sau giờ làm; lợi ích cho chủ đầu tư, cho phát triển kinh tế, phát triển ngành du lịch,... và rộng hơn là có lợi cho toàn bộ hệ sinh thái, cả xã hội loài người lẫn thế giới tự nhiên. Nói một cách đơn giản, thiết kế khoái sinh tập trung vào những khía cạnh của thế giới tự nhiên đã góp phần vào sức khỏe và năng suất của con người trong cuộc đấu tranh lâu đời để trở nên khỏe mạnh và sinh tồn bền vững.
Cũng chính từ khía cạnh mang tính tất yếu bản năng ấy mà một giải pháp kiến trúc khoái sinh dễ tìm được sự đồng cảm của mọi người và gia tăng sức thu hút với đại đa số công chúng. Từ đó, kiến trúc khoái sinh đã và đang là một xu hướng có sự hiện diện khá nổi bật và thu hút sự ủng hộ của công chúng cũng như những kiến trúc sư tài danh đương đại.
Để phân biệt giữa kiến trúc khoái sinh và một số biểu hiện hình thức của kiến trúc trồng cây xanh “không đúng”, chúng ta phải khẳng định quan điểm cốt lõi rằng bất kỳ sự xuất hiện nào của cây xanh hay rộng hơn là thiên nhiên trong cấu trúc và môi trường xây dựng đều không thể được gọi là “biophilic design” nếu nó không đảm bảo và thúc đẩy sự khỏe mạnh, khả năng sinh tồn bền vững của con người chúng ta trong tổng thể hệ thống sinh thái chung của địa điểm.

Văn hóa người Việt Nam, đặc biệt trong ngày đầu xuân mới, luôn mong muốn mang về nhà mình một mảnh nhỏ của thiên nhiên như cành đào, cây mai, chậu quất, chậu cúc... Ảnh: Internet
Từ những công trình theo xu thế kiến trúc khoái sinh cũng như từ hệ thống lý luận trong các tác phẩm như Handbook of Biophilic City Planning & Design và Biophilic Cities: Integrating Nature into Urban Design and Planning, chúng ta có thể đúc kết một số đặc điểm mang tính nguyên tắc của thiết kế kiến trúc khoái sinh như sau:
1. Thiên nhiên trong không gian kiến trúc: Nghĩa là tích hợp các yếu tố tự nhiên vào môi trường xây dựng, chẳng hạn như cây cối, yếu tố nước và vật liệu tự nhiên như gỗ và đá.
2. Hình dạng và hình thức tự nhiên: Sử dụng các hình dạng và hình thức tự nhiên, hợp quy luật tự nhiên trong thiết kế, chẳng hạn như đường cong, vòm và hình dạng fractal.
3. Hoa văn và cấu trúc tự nhiên: Sử dụng các hoa văn và cấu trúc tự nhiên, phỏng sinh trong thiết kế, chẳng hạn như vân gỗ, kết cấu đá và hoa văn lá,…
4. Ánh sáng và bóng tối: Giải pháp sử dụng ánh sáng và bóng tối tự nhiên để tạo cảm giác chiều sâu không gian và cảm thụ thời gian của con người.
5. Màu sắc, chất liệu: Sử dụng các màu sắc, chất cảm có trong tự nhiên, chẳng hạn như màu xanh lá cây, xanh lam và tông màu đất, để tạo ra một môi trường yên tĩnh và nhẹ nhàng.
6. Tầm nhìn và sự bảo vệ: Việc chú trọng tạo dựng tầm nhìn về thiên nhiên kết hợp với tạo dựng cảm giác được bảo vệ an toàn cho con người bên trong kiến trúc (prospect-refugee).
7. Kết nối với thiên nhiên: Nguyên tắc này bao gồm việc tạo ra mối liên hệ với thiên nhiên thông qua việc sử dụng các vật liệu, kết cấu và yếu tố gợi lên cảm giác về thế giới tự nhiên.
Một bản thiết kế khoái sinh về bản chất không chỉ là đưa cây xanh vào không gian mà còn là tái hiện cảm giác thiên nhiên ngay trong ngôi nhà, kết nối không chỉ về thị giác mà còn là xúc giác, thính giác, vị giác và khứu giác về môi trường tự nhiên.
Nói tóm lại, kiến trúc khoái sinh, khi tiếp cận ở đúng nguyên tắc xuất phát điểm nền tảng của nó, thực sự là một loại hình kiến trúc xanh. Vì khi đó, kiến trúc được hình thành không những ít gây tổn hại đến tự nhiên như định nghĩa kiến trúc xanh, mà còn là sự làm bạn với thiên nhiên.

Một cành đào, một cây mai, một chậu quất hay thú chơi cây cảnh bonsai, trồng cây rau quả trên sân thượng,… đều là những biểu hiện của tâm lý “khoái sinh” của người Việt. Trong ảnh: Nghệ nhân Hoàng Thanh Tùng (phố Nhà Chung, phường Tiền An, thành phố Bắc Ninh) chăm sóc cây cảnh. Ảnh: Báo Bắc Ninh
Xin được mượn một câu của Oliver Heath trong bài phỏng vấn về Biophilic Design với kênh truyền thông kiến trúc thiết kế Dezeen: Khi ta kết nối lại được với thiên nhiên, chúng ta sẽ ngưng làm tổn hại đến thiên nhiên. Và bổ sung thêm một câu rằng: khi ta yêu thiên nhiên (khoái sinh) thì thiên nhiên sẽ an lành và chúng ta sẽ hạnh phúc.
TS-KTS Vũ Việt Anh, Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM
_______________
Tài liệu tham khảo:
1. Beatley, Timothy; Wilson, Edward Osborne (2011). Biophilic Cities: Integrating Nature into Urban Design and Planning. Island Press
2. Beatley, Timothy (2016). Handbook of Biophilic City Planning & Design. Island Press
3. Biophilic Design là gì?, https://kienviet.net/2021/11/14/biophilic-design-la-gi
4. https://metropolismag.com/viewpoints/what-is-and-is-not-biophilic-design
5. https://www.render4tomorrow.com/what-is-biophilic-architecture
6. https://www.ucem.ac.uk/whats-happening/articles/biophilia-examples-built-environment/
7. Wilson, Edward O.; Wilson, Edward O. (1984). Biophilia. MA: Harvard University Press