Kiến trúc kết nối con người và thiên nhiên

Để chữa lành Trái đất, trước tiên phải chữa lành tâm hồn. Kiến trúc xanh và bền vững chính là chìa khóa - trở thành điểm kết nối giữa con người với môi trường sống, đồng thời là trách nhiệm của các kiến trúc sư trong quá trình tạo dựng không gian sống phù hợp, cân bằng.

Phá vỡ quan niệm truyền thống

Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, sự thay đổi trong đời sống đặt ra những thách thức mới về kiến trúc nhà ở. Nhà không chỉ là nơi che mưa chắn nắng, mà còn trở thành biểu tượng cá nhân từng gia chủ, nơi gắn kết, mang lại sự ấm cúng cho mỗi thành viên trong gia đình. Định nghĩa về nghề kiến trúc sư không còn bó hẹp trong quan niệm truyền thống mà ngày càng mở rộng cùng với xu hướng kiến trúc đương đại.

Kiến trúc phải hướng tới sự bền vững, thân thiện với xã hội, cải thiện môi trường sống. Nguồn: TNLG

Kiến trúc phải hướng tới sự bền vững, thân thiện với xã hội, cải thiện môi trường sống. Nguồn: TNLG

“Kiến trúc sư là một nghề đòi hỏi có sức khỏe tâm lý rất tốt”. Nhấn mạnh như vậy, KTS. Võ Trọng Nghĩa lý giải, nghề kiến trúc sư giờ đây không đơn giản là thiết kế các công trình, tòa nhà an toàn, tiện nghi mà còn tạo không gian an trú, cải thiện sức khỏe và tinh thần con người. Là một trong những người tiên phong xây dựng kiến trúc xanh ở Việt Nam, KTS. Võ Trọng Nghĩa cho rằng, đứng trước dịch bệnh, thiên tai và sự phát triển vũ bão của khoa học - công nghệ, con người càng đối diện với nhiều căng thẳng, áp lực, lo âu và ức chế cảm xúc... Ngược lại, sự mất cân bằng tâm - sinh lý cũng kéo theo những hệ lụy liên quan đến môi trường sống. Để giải quyết các vấn đề này, trước hết, cần bắt đầu từ cái tâm bình yên. Thiền là giải pháp trị liệu mà ông ứng dụng khi thực hành kiến trúc để nâng cao hiệu quả làm việc, lan tỏa giá trị tinh thần trong mỗi thiết kế.

Nhiều ý kiến nhận định, nghề kiến trúc sư đang gián tiếp “làm hỏng Trái đất”, vì bất cứ công trình nào được xây dựng cũng tác động ít nhiều đến môi trường. Vậy nhiệm vụ của kiến trúc sư là làm sao để giảm thiểu những tác động này. Kiến trúc chữa lành, kiến trúc xanh và bền vững chính là chìa khóa, trở thành điểm kết nối giữa con người với môi trường, đồng thời là trách nhiệm của kiến trúc sư trong quá trình tạo dựng không gian sống phù hợp, cân bằng.

Kiến trúc xanh, kiến trúc chữa lành chú trọng đến sự thư thái và cảm xúc của cư dân, tập trung tích hợp thiên nhiên vào không gian sống, tạo ra mối tương tác gần gũi với thiên nhiên, khuyến khích sự tương tác và hòa mình vào môi trường xanh. Những điều này không chỉ giúp kích thích quá trình phục hồi và bảo vệ sức khỏe mà còn giảm bớt ảnh hưởng của các yếu tố tiêu cực từ môi trường như tiếng ồn và chất lượng không khí kém.

Hướng tới bền vững

Xu hướng kiến trúc xanh, kiến trúc chữa lành đang ngày càng phổ biến tại các khu đô thị, thành phố lớn trên thế giới và bắt đầu nhen nhóm, phát triển ở Việt Nam vài năm trở lại đây. Dự án Thành phố Cà phê của Tập đoàn Trung Nguyên Legend là một trong những ví dụ đáng chú ý về kiến trúc chữa lành tại Việt Nam. Điểm độc đáo của dự án là mật độ xây dựng rất thấp, chỉ 10 - 25% tại mỗi khu tiện ích. Các khu tiện ích được thiết kế như công viên sinh thái riêng biệt. Hay khu đô thị Ecopark phía Đông Hà Nội là biểu tượng của dự án “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”. Eco Central Park - dự án đô thị xanh rộng gần 200ha tại Thành phố Vinh (Nghệ An) cũng nổi bật với thiết kế mang phong cách sống xanh. Dự án Vinhomes Grand Park tích hợp không gian xanh không chỉ giới hạn ở việc trồng cây trong khu cảnh quan mà còn trên mái nhà, ban công, không gian lưu thông xen kẽ giữa các tầng…

Theo các chuyên gia, mô hình kiến trúc xanh, kiến trúc chữa lành tại Việt Nam thực ra vẫn chưa phát triển đầy đủ. Nhiều ngôi nhà được đầu tư thiết kế với nội thất sang trọng, không gian cây xanh và ánh sáng đầy đủ, nhưng vẫn thiếu sự thoải mái thực sự cho cư dân. Điều này thường xuất phát từ sự thiếu giao tiếp hiệu quả giữa gia chủ và kiến trúc sư, cũng như sự thiếu hòa nhập “điểm chạm cảm xúc” trong việc hiểu đúng nhu cầu và lối sống, không thấu hiểu văn hóa địa phương.

Xu hướng thiết kế kiến trúc chữa lành tại Việt Nam cần tôn trọng văn hóa và giá trị kiến trúc bản địa. Kiến trúc sư tận dụng vật liệu địa phương để xây dựng không gian sống thân thiện với môi trường, có lợi cho sức khỏe con người và linh hoạt thích ứng với sự biến đổi của tự nhiên như nhiệt độ, ánh sáng, khí hậu, thổ nhưỡng... KTS. Võ Trọng Nghĩa cho biết, để đáp ứng một không gian đa dạng văn hóa, yếu tố tiên quyết khi xây dựng công trình là sự phù hợp, thích ứng với từng vùng đất. Chẳng hạn, nhiều công trình ở miền Bắc nước ta có thể tận dụng nguyên liệu tre, thay vì xử lý bằng hóa chất, nên ngâm tre dưới ao, hồ từ 6 tháng trở lên, khi đó lượng đường của cây tre đã mất hết, tránh được mối, mọt. Cây xanh bao phủ mặt tiền tòa nhà cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, ví dụ vùng gần biển thì trồng cây phong ba - loài cây có khả năng chống chọi với gió bão…

“Quá trình xây dựng đang phát triển rất mạnh, những khối bê tông sắt thép mọc lên ngày càng nhiều đe dọa tàn phá môi trường. Trách nhiệm giờ đây của những người làm kiến trúc là phải trả lại màu xanh cho Trái đất này… Làm kiến trúc phải hướng tới sự bền vững, thiết kế thân thiện với xã hội, cải thiện môi trường sống, mang đến giá trị cho con người”, KTS. Võ Trọng Nghĩa nói.

Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/kien-truc-ket-noi-con-nguoi-va-thien-nhien-i378542/
Zalo