Kiến trúc đối thoại và kết nối
Đời sống xã hội đương đại đang đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có sự kết nối con người với không gian sống. Thách thức cho kiến trúc sư hiện nay là phải bảo đảm sự phù hợp, cân bằng giữa truyền thống và đổi mới.
Kiến trúc được xem là “tấm gương” phản chiếu xã hội. Mỗi công trình mang theo dấu ấn của thời đại, phản ánh giá trị văn hóa, phong cách sống cũng như tâm lý tập thể của con người ở từng thời kỳ.
Ví dụ, những ngôi đền cổ kính không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là biểu tượng của niềm tin, tâm linh và sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người. Trong khi đó, kiến trúc hiện đại với các tòa nhà chọc trời và các khu phức hợp hiện đại lại phản ánh sự tiến bộ về công nghệ và bối cảnh xã hội đương đại.

Công trình Cầu Hôn (Kiss Bridge) do kiến trúc sư Marco Casamonti thiết kế tại Phú Quốc. Ảnh: Kienviet
Theo kiến trúc sư đương đại người Italy Marco Casamonti, tác giả của công trình Kiss Bridge - Cầu Hôn tại Phú Quốc, mỗi công trình không chỉ tạo ra không gian sống, mà còn thiết kế một cuộc đối thoại giữa con người và thiên nhiên, giữa quá khứ và tương lai. Bởi vậy, kiến trúc phải phản ánh tinh thần của địa phương và kết nối con người với không gian xung quanh.
Kiss Bridge có chiều dài 810m, được xây bằng thép với khối lượng thép lên tới 5.000 tấn. Đặc biệt cây cầu không kết nối hai đầu mà tại chính giữa có khoảng hở rộng 50cm. Năm 2024, công trình lọt vào danh sách rút gọn của Giải thưởng (d)arc 2024 - Tôn vinh thiết kế chiếu sáng tốt nhất.
“Đối với tôi, đây không chỉ là một công trình kiến trúc mà là một biểu tượng của sự kết nối, nơi kiến trúc kết nối con người, tạo nên cuộc đối thoại giữa không gian, văn hóa và cảm xúc. Bạn hãy tưởng tượng khi đứng tại hai mũi cầu những nụ hôn biểu tượng cho tình yêu, cái bắt tay thân thiện sẽ trở nên linh thiêng hơn. Cây cầu sẽ là chứng nhân cho tình yêu đôi lứa, tình hữu nghị, hòa bình, sự gắn kết giữa con người với con người”, kiến trúc sư Marco Casamonti chia sẻ trong một cuộc trò chuyện mới đây tại Hà Nội.

Kiến trúc sư Marco Casamonti chia sẻ trong tọa đàm kiến trúc tháng 1.2025 tại Hà Nội. Ảnh: Kienviet
Theo kiến trúc sư Marco Casamonti, xu hướng thiết kế kiến trúc ngày nay luôn chú trọng đến yếu tố con người, từ việc tạo ra các không gian xanh, những góc nhỏ giúp tạo cảm giác ấm cúng và gần gũi. Điều này cũng giống như một thực thể sống, luôn có sự gắn kết phần thể xác và phần tâm hồn. Hình dáng của công trình là những giá trị mà người sử dụng, còn phần ẩn sâu bên trong là sự kết nối, khi người ta cảm thấy ý nghĩa, chạm tới cảm xúc khi tiếp xúc với công trình.
Đối với các quốc gia đang phát triển mạnh mẽ như Việt Nam, việc xây dựng không gian sống của cộng đồng rất quan trọng nhưng đồng thời cũng cần tái thiết thiên nhiên, hoặc tốt hơn là gắn kết yếu tố nhân tạo và tự nhiên với nhau. “Việt Nam là một đất nước đẹp, bờ biển đẹp, biển đẹp, thiên nhiên tươi đẹp, nhưng có rất nhiều điều đang diễn ra, đòi hỏi kết hợp khả năng tạo ra không gian cho cuộc sống con người; đồng thời bảo vệ môi trường, vẻ đẹp của thiên nhiên. Câu hỏi là làm sao chúng ta có thể bảo tồn thiên nhiên nhưng vẫn cho phép phát triển du lịch?
Hướng đi cân bằng này cực kỳ quan trọng đối với tương lai của Việt Nam. Đó cũng là vấn đề đặt ra đối với các nhà kiến thiết ở Việt Nam, vừa bảo tồn lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, vừa chuyển biến bản sắc này theo tầm nhìn mới và đương đại”, kiến trúc sư Marco Casamonti nói.