Kiên trì xây dựng văn hóa bài trừ ma túy trong toàn xã hội
Sáng 17-4, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt Kết luận số 132-KL/TW, ngày 18-3-2025 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW, ngày 16-8-2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Đồng chí Trần Cẩm Tú - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và chỉ đạo hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Kiên Giang có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Tiến Hải; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Phong; Đại tá Nguyễn Văn Hận - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Phong (đứng) phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, đại biểu các điểm cầu được nghe báo cáo nhanh kết quả sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Tính đến tháng 6-2024, toàn quốc có 220.904 người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy, chiếm 0,22% dân số cả nước. Tình hình sử dụng trái phép ma túy; ma túy “núp bóng”, tẩm ướp, pha trộn vào thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử và tệ nạn ma túy liên quan đến thanh, thiếu niên tiếp tục gia tăng.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu nghe quán triệt các nội dung cốt lõi, trọng tâm của Kết luận số 132-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Đại diện các bộ, ngành, địa phương phát biểu tham luận, phân tích, làm rõ, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Báo cáo tham luận tại hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Phong cho biết từ năm 2019 đến nay, tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh phát hiện 1.403 vụ, nhiều hơn 589 vụ so với 5 năm liền kề; số người nghiện ma túy hiện có hồ sơ quản lý là 3.749 người, giảm 1.484 người so với trước khi có Chỉ thị số 36-CT/TW. Đáng chú ý người nghiện ma túy đang có xu hướng trẻ hóa, loại ma túy phổ biến là ma túy tổng hợp chiếm 99%.
Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống ma túy của tỉnh Kiên Giang phát huy hiệu quả mô hình “Giúp đỡ người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng”, “Câu lạc bộ phòng, chống ma túy”, “Vận động, giáo dục học sinh nói không với ma túy”....

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Kiên Giang.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Cẩm Tú - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao những kết quả sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự, phục vụ có hiệu quả công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đề nghị tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và vai trò nòng cốt của các lực lượng chuyên trách, sự tham gia tích cực của nhân dân trong phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể các cấp phải xác định phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục, lâu dài và đòi hỏi chúng ta phải kiên trì, bền bỉ, quyết liệt và quyết tâm cao nhất.

Đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Kiên Giang.
“Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để thực hiện phương châm ngăn cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy; trong đó, tập trung các giải pháp giảm cầu hiệu quả, lấy phòng ngừa là chính, lấy địa bàn cơ sở khu dân cư làm trọng tâm để triển khai tổ chức thực hiện”, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú chỉ đạo.
Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân về tình hình ma túy tại cơ quan, đơn vị, địa phương, lĩnh vực, địa bàn được giao phụ trách, quản lý. Cùng đó, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, đoàn viên, nhân dân nhận thức rõ tác hại, nguy cơ của ma túy đối với giống nòi, sức khỏe, nguồn lực của xã hội. Xây dựng mỗi gia đình là một “pháo đài” phòng, chống ma túy, kiên trì xây dựng văn hóa bài trừ ma túy trong toàn xã hội.
Thường trực Ban Bí thư đề nghị kết hợp triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn phát sinh người sử dụng ma túy và người nghiện ma túy mới. Tổ chức tổng rà soát người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, có biện pháp quản lý chặt chẽ để không vi phạm pháp luật, không để xảy ra các vụ trọng án.
Bên cạnh đó, tiến hành tổng rà soát các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy để đấu tranh triệt xóa, vô hiệu hóa; thực hiện hiệu quả công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, có giải pháp không để tái phức tạp.