Kiến thức pháp luật về quảng cáo của nhiều nghệ sĩ, KOL rất yếu

'Trong quá trình làm việc với một số nghệ sĩ, KOL chúng tôi thấy kiến thức pháp luật về quảng cáo của họ rất yếu. Nhiều người nhận hợp đồng một cách vô tội vạ, dễ dẫn đến việc vi phạm pháp luật. Điều này đang gióng nên hồi chuông cảnh tỉnh'.

Ông Lê Quang Tự Do – Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đã chia sẻ như vậy tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức, chiều 21/4.

Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do trả lời báo chí. Ảnh: Trần Huấn

Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do trả lời báo chí. Ảnh: Trần Huấn

Ông Lê Quang Tự Do cũng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng ban hành. Tuy nhiên, vì quy tắc là không bắt buộc và không kèm theo chế tài nên hiệu quả răn đe rất thấp.

Vì vậy Bộ Thông tin Truyền thông đã thể chế một số nội dung trong bộ quy tắc ứng xử thành một số quy định trong nghị định 147 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất thể chế hóa một số số nội dung vào Dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội ban hành vào tháng 5 tới” – ông Tự Do cho biết.

Trước một số ý kiến cho rằng, không đủ sức răn đe tại sao vẫn cần một bộ quy tắc ứng xử? Ông Lê Quang Tự Do chia sẻ, vì chúng ta cần có quy định cứng là các quy định pháp luật và các quy định mềm là các quy tắc ứng xử. Dùng quy tắc ứng xử để tạo ra môi trường văn hóa; để khán giả có thể họ bày tỏ chính kiến của mình đối với các nghệ sĩ vi phạm.

Cuối năm 2024, Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy chế hạn chế sự xuất hiện hình ảnh người nổi tiếng vi phạm quy tắc ứng xử trên báo chí, trên sân khấu biểu diễn, trên không gian mạng (mà nhiều người vẫn gọi là phong sát). Tuy nhiên, đến nay chưa có trường hợp nào bị áp dụng theo quy chế này.

Ông Lê Quang Tự Do cho biết, dự kiến trong tương lai gần sẽ làm thí điểm, làm mẫu một vài trường hợp và rất có thể là những nghệ sĩ liên quan quảng cáo sai sự thật.

Về câu hỏi tại sao nghệ sĩ cứ làm sai rồi lên mạng xin lỗi là xong?, ông Tự Do cho rằng, lời xin lỗi của nghệ sĩ hay bất cứ người nào làm sai là rất cần thiết, nhưng xin lỗi suông là không được, mà phải khắc phục lỗi mà mình gây ra.

“Thứ nhất là tự nguyện, tự giác khắc phục. Thứ hai là phải thực hiện việc xử lý theo quy định của pháp luật đối với sai phạm” – ông Lê Quang Tự Do nói đồng thời cho biết thêm nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật, quảng cáo sai sự thật thì cũng phải chịu xử phạt theo quy định của pháp luật như mọi công dân khác. Hiện không có quy định xử phạt riêng cho nghệ sĩ vi phạm.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho rằng, việc quảng cáo quá công dụng, gây nhầm lẫn chất lượng sản phẩm của một số nghệ sĩ, người nổi tiếng thời gian qua khá phổ biến.

Để tránh những sự việc như này tái diễn, bà Huyền cho rằng, những nghệ sĩ, người nổi tiếng khi nhận hợp đồng quảng cáo đều phải kiểm tra kỹ giấy phép có liên quan, phải kiểm tra nội dung họ muốn mình quảng cáo và kịch bản quảng cáo có vượt ra ngoài công dụng, tính năng cũng như thành phần sản phẩm đó không.

Việt Hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/kien-thuc-phap-luat-ve-quang-cao-cua-nhieu-nghe-si-kol-rat-yeu-10304184.html
Zalo