Kiến tạo trải nghiệm '5C' để hút du khách thượng lưu

Việc chinh phục du khách thượng lưu không đơn thuần là cung cấp dịch vụ xa hoa, mà còn phải tạo ra những trải nghiệm mang tính cá nhân hóa, độc quyền và khác biệt. Để làm được điều này, ngành du lịch Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái dịch vụ cao cấp dựa trên mô hình '5C'.

“Mỏ kim cương” lộ thiên chờ khai phá

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong chia sẻ, theo nghiên cứu mới nhất, quy mô thị trường du lịch hạng sang toàn cầu đạt hơn 2.100 tỷ USD vào năm 2023 và dự báo đến năm 2032 sẽ vượt 3.000 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 4% trong giai đoạn 2024 - 2032.

Tại châu Âu - khu vực dẫn đầu về du lịch cao cấp, dù lượng khách thượng lưu chỉ chiếm 2% tổng số khách, nhưng lại đóng góp đến 22% doanh thu. Điều này cho thấy, thay vì chạy theo số lượng, việc tập trung vào phân khúc khách hàng cao cấp có thể mang lại nguồn thu khổng lồ, nếu biết khai thác đúng hướng.

Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh, đây là cơ hội vàng để Việt Nam đẩy mạnh khai thác phân khúc khách hạng sang - một “mỏ kim cương” lộ thiên.

Gần đây, Việt Nam liên tục xuất hiện trên bản đồ du lịch cao cấp khi trở thành điểm đến yêu thích của giới tỷ phú, doanh nhân, chính khách và người nổi tiếng. Nhiều cặp đôi siêu giàu Ấn Độ chọn Việt Nam làm nơi tổ chức đám cưới xa hoa. Việc thu hút những nhân vật tầm cỡ không chỉ mang lại nguồn thu lớn, mà còn góp phần nâng tầm thương hiệu điểm đến của Việt Nam.

“5C” - công thức thu hút du khách thượng lưu

Du khách thượng lưu ngày nay không chỉ tìm kiếm các khu nghỉ dưỡng xa hoa, mà còn mong muốn những trải nghiệm độc quyền, mang đậm dấu ấn cá nhân. Họ sẵn sàng chi trả cao cho những dịch vụ bespoke (thiết kế riêng), đáp ứng sở thích và nhu cầu cá nhân một cách tinh tế.

Một ví dụ tiêu biểu là tour chinh phục hang Sơn Đoòng tại Quảng Bình. Dù có giá khá cao và giới hạn số lượng khách, tour này vẫn luôn trong tình trạng “cháy vé” ngay khi mở bán. Theo ông Nguyễn Châu Á, CEO Oxalis Group (đơn vị độc quyền khai thác Sơn Đoòng), hiện có 45 hang động đã được phát hiện tại Phong Nha - Kẻ Bàng, nhưng con số đó chỉ mới chiếm khoảng 30% tổng số hang có thể tồn tại trong khu vực. Điều này mở ra tiềm năng phát triển nhiều sản phẩm du lịch thám hiểm độc đáo hơn, đưa Quảng Bình trở thành trung tâm du lịch mạo hiểm lớn nhất châu Á.

Mỗi đoàn khám phá Sơn Đoòng gồm 10 khách, nhưng cần đến 30 nhân viên phục vụ, bao gồm chuyên gia hang động, hướng dẫn viên, trợ lý an toàn, kiểm lâm, đầu bếp và người khuân vác. Qua đó tạo nhiều việc làm cho cộng đồng địa phương.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Group, sản phẩm du lịch cao cấp không đơn thuần là phục vụ du khách bằng những tiện nghi xa hoa, mà quan trọng hơn là mang lại cho du khách những cảm xúc và kỷ niệm khó quên. Một minh chứng là việc tổ chức thành công trải nghiệm “lắc thúng” cho đoàn khách 4.500 Ấn Độ tại Hội An.

“Để đảm bảo an toàn và tối ưu trải nghiệm, doanh nghiệp đã thuê 5 thợ lặn kiểm tra kết cấu thúng, thử nghiệm với người có trọng lượng nặng nhất, thậm chí tìm ra người lắc thúng giỏi nhất để mang lại khoảnh khắc phấn khích tột cùng cho du khách. Đây chính là bí quyết tạo nên đẳng cấp khác biệt của du lịch cao cấp”, ông Kỳ chia sẻ.

Các chuyên gia cho rằng, để khai thác hiệu quả phân khúc du khách thượng lưu, ngành du lịch Việt Nam cần tập trung phát triển hệ sinh thái 5C:

Culture (văn hóa đặc sắc) - bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, kết hợp với trải nghiệm hiện đại để tạo ra những chuyến đi giàu bản sắc; cuisine (ẩm thực tinh hoa) - đầu tư vào trải nghiệm ẩm thực cao cấp, từ chuỗi cung ứng nguyên liệu đến dịch vụ nhà hàng chuẩn quốc tế; customization (cá nhân hóa) - thiết kế dịch vụ theo nhu cầu riêng của từng du khách, nâng cao giá trị trải nghiệm; community (gắn kết cộng đồng) - tạo điều kiện để du khách hòa mình vào đời sống địa phương, từ đó tăng tính kết nối, trải nghiệm chân thực và content (trải nghiệm độc đáo) - liên tục sáng tạo các sản phẩm du lịch mới, từ MICE, golf, trực thăng ngắm cảnh, đến du thuyền, chăm sóc sức khỏe… để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Để nâng tầm du lịch cao cấp, cần tập trung phát triển hạ tầng, cải thiện dịch vụ và xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Các sân bay, đường cao tốc, bến du thuyền cần được đầu tư bài bản để đảm bảo kết nối thuận tiện giữa các điểm đến cao cấp. Các khu nghỉ dưỡng sang trọng cần đạt chuẩn quốc tế về thiết kế, tiện ích và dịch vụ. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh sẽ giúp du khách thượng lưu dễ dàng lựa chọn Việt Nam làm điểm đến.

Bên cạnh đó, hợp tác với các blogger du lịch nổi tiếng, tổ chức sự kiện quốc tế và sử dụng kênh truyền thông phù hợp sẽ góp phần quảng bá hiệu quả hình ảnh du lịch Việt Nam trên thị trường cao cấp.

Với sự đầu tư đúng đắn và cách tiếp cận thông minh, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm hẹn lý tưởng của du khách thượng lưu quốc tế, đưa du lịch của đất nước hình chữ S vươn tầm thế giới.

Hồ Hạ

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/kien-tao-trai-nghiem-5c-de-hut-du-khach-thuong-luu-d244872.html
Zalo