Kiến tạo Lào Cai mới: Tư duy mới, không gian mới, động lực mới
Trần Huy Tuấn
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai
Trên bản đồ đất nước hình chữ S, nơi ngọn nguồn sông Hồng đổ về xuôi, đã chứng kiến bước chuyển mang tính lịch sử: Từ ngày 1/7/2025, tỉnh Lào Cai được thành lập trên cơ sở hợp nhất toàn bộ địa giới hành chính hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Với tổng diện tích tự nhiên 13.256,92 km², dân số 1.778.785 người, gồm 99 đơn vị hành chính cấp xã, Lào Cai hôm nay trở thành đơn vị hành chính có quy mô lớn hơn, với địa hình đa dạng, bao gồm đầy đủ đặc trưng của vùng cao, vùng thấp, đô thị, nông thôn và nhiều tiểu vùng phát triển có lợi thế riêng biệt.
Việc hợp nhất không chỉ đơn thuần là sắp xếp lại địa giới hành chính, mà là bước chuyển quan trọng trong tư duy phát triển. Đây là tiền đề để kết nối đồng bộ không gian phát triển, xây dựng hạ tầng hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng, cơ cấu lại các ngành kinh tế, phân bổ nguồn lực hợp lý và kiến tạo hệ thống quản trị phát triển hiệu quả. Quan trọng hơn, đây còn là thời cơ quý báu để tỉnh Lào Cai tái định hình tư duy phát triển, xây dựng tầm nhìn chiến lược mang tính dài hạn, bền vững và phù hợp với yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai.
Trên nền tảng đó, mục tiêu chiến lược được xác lập là xây dựng Lào Cai trở thành vùng kinh tế động lực nơi biên giới, có cấu trúc đa trung tâm, phát triển đồng bộ, gắn kết chặt chẽ giữa các ngành nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và logistics, từ đó hình thành các chuỗi giá trị liên vùng và xuyên biên giới. Với tầm nhìn xa hơn, Lào Cai sẽ là trung tâm kết nối quốc tế hiện đại, có năng lực cạnh tranh cao, đóng vai trò cửa ngõ quan trọng của Việt Nam trong giao thương và hợp tác với các tỉnh Tây Nam Trung Quốc và khu vực ASEAN.
Để cụ thể hóa, tỉnh đã định hình lại không gian phát triển kinh tế - xã hội với tư duy chiến lược rõ ràng và đồng bộ theo hướng: Một trục động lực, hai cực phát triển, ba vùng kinh tế, bốn trụ cột phát triển - một cấu trúc liên hoàn, hỗ trợ nhau tạo nên sức mạnh tổng thể.

Trục dọc sông Hồng sẽ là hành lang kinh tế trung tâm, nơi hội tụ của các đô thị lớn, khu công nghiệp, trung tâm logistics và dịch vụ vận tải đa phương thức, đóng vai trò kết nối trực tiếp với hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Hai cực phát triển được xác định với vai trò là động lực lan tỏa tăng trưởng theo chiều dọc Bắc - Nam. Trong đó, cực Bắc (gắn với cửa khẩu quốc tế Lào Cai, vùng động lực Kim Thành - Bát Xát - Sa Pa) và cực Nam (liên kết trục Yên Bái - Văn Yên - Yên Bình) sẽ giữ vai trò thúc đẩy kết nối hiệu quả vùng biên giới với vùng trung du nội địa.

Trên không gian ấy, ba vùng kinh tế được tổ chức phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế và văn hóa đặc thù. Vùng trung tâm sẽ phát triển mạnh đô thị, công nghiệp, dịch vụ và logistics. Vùng phía Đông khai thác lợi thế về công nghiệp khai khoáng, năng lượng tái tạo, chế biến sâu và nông nghiệp bền vững. Vùng phía Tây phát huy các giá trị du lịch sinh thái, bản sắc văn hóa địa phương và nông nghiệp hữu cơ.

Để phát triển nhanh và bền vững, bốn trụ cột phát triển được tập trung đầu tư đồng bộ. Đó là công nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường; nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị; du lịch xanh, thông minh, bản sắc; và kinh tế cửa khẩu, thương mại xuyên biên giới, những lĩnh vực tạo động lực tăng trưởng mới cho toàn tỉnh.

Tỉnh Lào Cai cũng xác định ba đột phá chiến lược để tháo gỡ các điểm nghẽn, đồng thời tạo ra các lực đẩy phát triển mới. Trước hết là đột phá về thể chế, đổi mới mô hình phát triển và thúc đẩy chuyển đổi số. Tỉnh sẽ hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách mang tính đột phá, có trọng tâm, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để huy động tối đa các nguồn lực. Đồng thời, kiên trì đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế biên mậu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cơ chế giám sát chặt chẽ và đánh giá hiệu quả thực chất kết quả thực thi. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển kinh tế tư nhân cũng sẽ được chú trọng triển khai đồng bộ. Cùng với đó, thúc đẩy toàn diện khoa học - công nghệ và chuyển đổi số sẽ là chìa khóa để nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đột phá thứ hai là về phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Trong đó, tỉnh tập trung xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực mũi nhọn như logistics, công nghiệp chế biến, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và chuyển đổi số. Chủ động thu hút, trọng dụng nhân tài; đồng thời đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ lãnh đạo có bản lĩnh, năng lực và tư duy đổi mới, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Đột phá thứ ba được xác định là phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với tổ chức lại không gian phát triển chiến lược. Tỉnh sẽ ưu tiên huy động và bố trí nguồn lực đầu tư cho hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, trong đó hạ tầng giao thông được xem là đòn bẩy quan trọng nhằm thúc đẩy liên kết vùng và khai mở động lực tăng trưởng mới. Các tuyến kết nối trọng yếu theo trục sông Hồng, đường cao tốc, đường sắt và cảng hàng không Sa Pa sẽ được đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện. Song song với đó, tỉnh cũng tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng các khu công nghiệp, hạ tầng kinh tế cửa khẩu, đô thị thông minh, hạ tầng số và hệ thống hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn vùng.

Để các định hướng chiến lược không chỉ dừng lại ở tầm nhìn, mà thực sự đi vào cuộc sống, đòi hỏi phải có cơ chế tổ chức thực hiện bài bản, đồng bộ và hiệu quả. Trọng tâm trước hết là kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực điều hành và quản trị của chính quyền các cấp. Bộ máy hành chính sau hợp nhất cần được sắp xếp theo hướng tinh gọn, rõ chức năng, phân cấp hợp lý, bảo đảm hiệu lực và hiệu quả trong quản lý. Cùng với đó, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực toàn diện, nhất là tư duy chiến lược, năng lực điều hành phát triển vùng và phối hợp hiệu quả liên ngành, liên địa phương trong bối cảnh mới.

Tiếp đó là việc rà soát, tích hợp và điều chỉnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch đô thị, sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch tỉnh mới, tạo tính liên kết vùng và đồng bộ về không gian phát triển. Trên cơ sở đó, xác lập các vùng ưu tiên và hành lang kinh tế trọng điểm nhằm thu hút, huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư.
Tỉnh cũng sẽ xây dựng chương trình hành động cụ thể hóa các mục tiêu chiến lược, xác định danh mục các chương trình, dự án trọng điểm theo từng lĩnh vực, từng trụ cột và từng tiểu vùng phát triển. Việc phân kỳ đầu tư, xác định rõ chủ thể thực hiện, mốc thời gian hoàn thành và cơ chế theo dõi, giám sát sẽ được quy định chặt chẽ ngay từ đầu.
Cùng với đó, tỉnh sẽ chủ động huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các nguồn xã hội hóa trong Nhân dân, doanh nghiệp và kiều bào. Trên cơ sở đó, nguồn lực sẽ được tập trung đầu tư cho các lĩnh vực có tính chất nền tảng và sức lan tỏa cao như: hạ tầng kinh tế - xã hội chiến lược, hệ thống khu - cụm công nghiệp, trung tâm logistics, các vùng du lịch trọng điểm và chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách ưu đãi, môi trường đầu tư minh bạch, ổn định và cạnh tranh, nhằm nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn, tạo động lực cho phát triển bền vững trong dài hạn.

Tỉnh sẽ triển khai đồng bộ chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến toàn trình, số hóa dữ liệu dùng chung. Chuyển đổi số trong các ngành trụ cột như du lịch, nông nghiệp, công nghiệp, logistics sẽ được tăng tốc; đồng thời nâng cao năng lực quản trị số và hình thành văn hóa số trong cán bộ, công chức và toàn xã hội.
Cần chủ động tuyên truyền, truyền thông đồng bộ và thuyết phục, nhằm lan tỏa tinh thần đổi mới, nâng cao nhận thức và tạo sự thống nhất trong hành động. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng sự đồng thuận xã hội, thúc đẩy tinh thần trách nhiệm, ý chí nỗ lực và khát vọng cống hiến trong toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh, bền vững và toàn diện của tỉnh trong giai đoạn mới.

Trên chặng đường phát triển phía trước, tỉnh Lào Cai sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức - từ việc tổ chức lại bộ máy hành chính, hoạch định chiến lược đầu tư dài hạn, đến việc xây dựng cơ chế quản lý và phân bổ nguồn lực hiệu quả. Với truyền thống đoàn kết, ý chí vươn lên và tinh thần đổi mới mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực từ Trung ương, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng: Lào Cai sẽ vững bước trên hành trình mới, sớm hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, từng bước khẳng định vai trò là trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.