Cục Thuế công bố 34 cơ quan Thuế cấp tỉnh và 350 cơ quan Thuế cơ sở

Cục Thuế vừa công bố cơ cấu tổ chức mới, gồm 34 cơ quan Thuế cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 350 cơ quan Thuế cơ sở, nhằm đồng bộ với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Sáng 1/7, Cục Thuế tổ chức Hội nghị trực tuyến cơ quan thuế toàn quốc để công bố các quyết định về tổ chức, cán bộ của Cục Thuế (Bộ Tài chính) nhằm triển khai mô hình tổ chức mới của ngành Thuế.

Thực hiện chủ trương về việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan thuế phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 02 cấp theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 2229/QĐ-BTC sửa đổi Quyết định số 381/QĐ-BTC quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục Thuế, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2025. Theo đó, cơ cấu tổ chức mới của cơ quan thuế bao gồm 34 Thuế tỉnh, thành phố; 350 Thuế cơ sở đồng bộ với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Đây là dấu mốc quan trọng của ngành Thuế, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan thuế các cấp, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

 Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành.

Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành.

Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành khẳng định: “Toàn ngành Thuế sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, hiệu quả các nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Tài chính giao; đảm bảo bộ máy mới vận hành thông suốt, ổn định, phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, Tôi xin ghi nhận, đánh giá cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, đồng thuận của cơ quan thuế các cấp và từng cán bộ, công chức, đảng viên trong suốt quá trình triển khai thực hiện”.

Để tổ chức bộ máy mới đồng bộ theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động trơn tru, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả ngay từ ngày 1/7/2025, Cục trưởng Mai Xuân Thành đề nghị các Trưởng Thuế tỉnh, thành phố; các Trưởng Thuế cơ sở và Thủ trưởng các Ban, đơn vị thuộc Cục Thuế khẩn trương bắt tay ngay vào công việc, tiếp cận địa bàn và đặc biêt là triển khai thực hiện công tác tham mưu chính quyền cấp tỉnh, thành phố, công tác phối hợp với chính quyền cơ sở, các sở, ban, ngành trên địa bàn, đảm bảo chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả là tiền đề quan trọng cho việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác quản lý thuế trên địa bàn.

Căn cứ nhiệm vụ, quy mô, số lượng người nộp thuế, địa bàn quản lý; điều kiện về trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị chủ động tổ chức, bố trí, sắp xếp các phòng tham mưu; phòng quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp; phòng kiểm tra phù hợp tại các trụ sở, địa điểm làm việc hiện có trong giai đoạn đầu sắp xếp tổ chức bộ máy theo đúng quy định và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền, bảo đảm công tác quản lý thuế và giải quyết công việc, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp được thông suốt, thuận lợi, không bị gián đoạn trong quá trình chuyển đổi.

Kiện toàn nhân sự, thực hiện phân công, phân nhiệm rõ ràng trong ban lãnh đạo, chỉ đạo các bộ phận chức năng phối hợp nhịp nhàng trong triển khai công việc. Bố trí cán bộ, công chức thường trực 24/07 để kịp thời tiếp nhận, giải đáp, hỗ trợ các khó khăn, vướng mắc, phản ánh, kiến nghị của người nộp thuế trong thời gian chuyển đổi.

Bố trí, sắp xếp cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, nhà, đất đảm bảo đáp ứng yêu cầu công việc. Đồng thời rà soát, xây dựng kế hoạch, đề xuất phương án xử lý đối với tài sản dôi dư, không còn nhu cầu sử dụng, lập hồ sơ, tài liệu để bàn giao theo quy định (hoàn thành trước 1/8/2025), tuyệt đối không để lãng phí, tiêu cực. Ban TVQT theo dõi, đôn đốc việc thực hiện đối với từng đơn vị.

Tập trung phục vụ người dân, doanh nghiệp, chuyển đổi một cách thực chất từ trạng thái quản lý sang phục vụ, hỗ trợ người nộp thuế. Tiếp tục rà soát, đẩy mạnh cải cách TTHC, cắt giảm những thủ tục không cần thiết, đơn giản hóa quy trình, cung cấp TTHC trên môi trường điện tử, hoàn thành mục tiêu 100% TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Đảm bảo hạ tầng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp hoạt động trơn tru, thông suốt.

Triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ chuyên môn và công tác thu ngân sách trên địa bàn. Khẩn trương rà soát, giao nhiệm vụ thu ngân sách tới từng Phòng, từng Thuế cơ sở, từng công chức thuế theo chỉ tiêu được giao. Theo sát tình hình kinh tế trong nước và trên địa bàn để phân tích, dự báo nguồn thu. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo mỗi đồng thuế phải được thu đúng, thu đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước, toàn ngành phấn đấu hoàn thành vượt mức 15% nhiệm vụ thu.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chuyên đề chống thất thu đối với các ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao, đặc biệt trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, thương mại điện tử, giao dịch liên kết, phòng, chống gian lận về hóa đơn và hoàn thuế. Kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, gian lận hoàn thuế nhằm chiếm đoạt tiền ngân sách. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào các nghiệp vụ quản lý thuế để phát hiện, cảnh báo sớm các dấu hiệu gian lận, rủi ro.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi mặt công tác quản lý thuế. Trong mô hình tổ chức mới, địa bàn trải rộng và số đối tượng quản lý rất lớn, hiện đại hóa là yêu cầu cấp bách. Các đơn vị phải chủ động nghiên cứu, không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển và ứng dụng các phần mềm quản lý hiện đại, tận dụng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo AI trong phân tích, quản lý rủi ro, trong quản trị nội bộ, giúp hoạt động chỉ đạo, điều hành công việc được kịp thời, nâng cao năng suất lao động. Làm giàu các Kho cơ sở dữ liệu lớn phục vụ khai thác hiệu quả cho nhu cầu công việc.

Huyền Châu

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/cuc-thue-cong-bo-34-co-quan-thue-cap-tinh-va-350-co-quan-thue-co-so-d59567.html
Zalo