Kiến tạo đô thị bền vững
TP HCM cần tập trung phát triển giao thông công cộng sử dụng năng lượng sạch và xây dựng các khu đô thị xanh
TP HCM, với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về giao thông. Trong khi tiềm năng phát triển hệ thống giao thông công cộng xanh là rất lớn, cần phải tập trung đẩy nhanh thực hiện.
Đòi hỏi cấp thiết
Hiện nay, hệ thống giao thông công cộng của thành phố chủ yếu dựa vào xe buýt chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, góp phần không nhỏ vào tình trạng ô nhiễm không khí. Cùng với đó, sự gia tăng chóng mặt của phương tiện cá nhân đã khiến giao thông trở thành nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống.
Những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc kiểm soát ô nhiễm và phát triển giao thông công cộng đã được thực hiện nhưng hiệu quả chưa như mong đợi.
Nguyên nhân chính nằm ở nhiều yếu tố - từ vấn đề tài chính, quản lý đến thói quen của người dân và hạn chế về hạ tầng. Đặc biệt, người dân vẫn ưu tiên sử dụng xe máy và ô tô cá nhân do tính tiện lợi, trong khi chất lượng dịch vụ giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu; chưa kể các trạm dừng, bến bãi, lối đi bộ chưa được đầu tư đầy đủ và thuận tiện.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ phát triển giao thông công cộng xanh còn nhiều bất cập, chưa tạo được động lực cho các nhà đầu tư. Sự phát triển đô thị tự phát, không có quy hoạch tổng thể đã gây khó khăn cho việc mở rộng mạng lưới giao thông công cộng.
Theo đó, để chuyển đổi hệ thống giao thông theo hướng bền vững, thành phố cần tập trung vào các giải pháp như: Thay thế dần các xe buýt chạy bằng nhiên liệu hóa thạch bằng phương tiện thân thiện với môi trường, giảm đáng kể lượng khí thải. Đẩy nhanh tiến độ các dự án metro hiện tại và mở rộng mạng lưới, đặc biệt tại các khu vực đông dân và trung tâm. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển xe đạp điện, xe máy điện và các phương tiện chia sẻ khác.
Giải pháp thực hiện
Cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước đã thực hiện thành công. Đầu tiên là áp dụng thuế carbon vào các loại nhiên liệu hóa thạch, tạo nguồn thu cho các dự án giao thông xanh kết hợp với việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia những dự án giảm phát thải và thu được lợi nhuận từ tín chỉ carbon.
Kế đến là sử dụng GPS và các công nghệ khác để cung cấp thông tin về lịch trình xe buýt, metro, giúp người dân dễ dàng lên kế hoạch di chuyển; kết nối giao thông công cộng với các dịch vụ chia sẻ xe đạp, xe máy điện để tạo ra một hệ thống giao thông liền mạch; áp dụng các giải pháp công nghệ để quản lý giao thông, nhằm giảm ùn tắc và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Song song đó, kết hợp quy hoạch giao thông với quy hoạch cây xanh, thoát nước để tạo ra một môi trường sống xanh, sạch; trồng thêm cây xanh để giảm hiệu ứng đảo nhiệt và cải thiện chất lượng không khí; xây dựng hệ thống thoát nước bền vững để ngăn chặn ngập lụt và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích như: Khuyến khích doanh nghiệp và cá nhân xây dựng các công trình sử dụng năng lượng tái tạo và vật liệu xanh; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các dự án giao thông xanh; tổ chức các chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của giao thông xanh; học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã thành công trong việc phát triển giao thông công cộng xanh; thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để thực hiện các dự án giao thông xanh.
Đặc biệt là khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư và vận hành các dự án giao thông công cộng.
Việc chuyển đổi hệ thống giao thông công cộng tại TP HCM là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự nỗ lực của cả cộng đồng. Tuy nhiên, với những giải pháp toàn diện và sự quyết tâm của chính quyền, thành phố hoàn toàn có thể xây dựng một hệ thống giao thông hiện đại, bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.