Kiến tạo chính sách thực tế để doanh nghiệp cơ khí bứt tốc
Sự xuất hiện đầu tư của các tập đoàn lớn quốc tế là những cơ hội rất lớn để doanh nghiệp cơ khí tiếp cận với các đối tác nước ngoài. Song cần cơ chế thực tế kiến tạo thúc đẩy năng lực nội tại doanh nghiệp, cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Song hành cơ hội và thách thức
Theo nhận định của các chuyên gia, từ nay đến năm 2030, nhu cầu thị trường cơ khí khoảng 310 tỷ USD, riêng nhu cầu thị trường ôtô là 120 tỷ USD nhưng hiện Việt Nam mới đáp ứng 1/3. Cơ hội để tiếp cận thị trường thế giới cũng rất lớn. Nếu tạo ra giá thành, thị trường ổn định… cơ khí Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh mẽ.
TS. Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho rằng, với việc xây dựng chiến lược, chính sách phát triển của doanh nghiệp gắn với chiến lược, quy hoạch phát triển của các ngành kinh tế, cùng với sự cố gắng của nội tại, các doanh nghiệp cơ khí hiện nay đang đứng trước rất nhiều những cơ hội và thách thức.
Trong lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy, từ trước đến nay, các dây chuyền lắp ráp ô tô, xe máy hầu hết là do các đơn vị nước ngoài đảm nhận, ví dụ những đơn vị như Honda, Toyota, Huyndai,.. nước ngoài đảm nhận. Bắt đầu từ năm 2012, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã cử một đoàn kỹ sư đi học hỏi, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các đơn vị của Nhật, Hàn Quốc và đến thời điểm này đã tự chủ trong việc thiết kế, chế tạo các dây chuyền lắp ráp ô tô. Điển hình vừa rồi cũng đã thành công trong việc ứng dụng dây chuyền để sản xuất, lắp ráp ô tô của Vinfast và các dây chuyền lắp ráp đã đưa vào vận hành góp phần cho ra đời một số dòng xe như VF7, VF8, VF3,...
"Đây là một thành công và thể hiện được rằng người Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được những công việc khó mà từ trước tới nay là đặc quyền của các nhà thầu nước ngoài" - TS. Phan Đăng Phong nói.
Đồng thời cho rằng, trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới, Việt Nam cũng đã thành công trong việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ thực hiện hệ thống phao nổi và neo cho các dự án điện mặt trời.
Dự án đầu tiên ứng dụng là dự án điện mặt trời Đa Mi với công suất là 47,5MW. Đó là dự án đầu tiên mà Việt Nam thực hiện. Sau đó, tiếp tục ứng dụng ở dự án Tầm Bó và Gia Hoét. Hoặc là trong lĩnh vực các nhà máy tự động hóa quá trình sản xuất, vừa rồi, chúng tôi cũng ứng dụng cải tiến và lắp ráp toàn bộ hệ thống tự động hóa bao gồm từ khâu sản xuất đến khâu bốc dỡ, vận chuyển hàng cho Công ty CP Bột giặt Lix thuộc Tập đoàn Hóa chất.
Tuy nhiên, TS. Phan Đăng Phong thẳng thắn, việc đáp ứng thị trường cơ khí trong nước và xuất khẩu vẫn đang còn rất khiêm tốn, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết bị toàn bộ, ví dụ như các nhà máy về nhiệt điện, thủy điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, xi măng hoặc sản xuất nguyên liệu,… mới đáp ứng chưa đến 30% giá trị nhu cầu thiết bị.
Nguyên nhân chưa có đủ, chưa có nhiều doanh nghiệp “sếu đầu đàn” để sở hữu các công nghệ nguồn, đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các dự án trọn gói. Ví dụ như trong lĩnh vực đường sắt đô thị hiện nay, hoặc là trong lĩnh vực các nhà máy điện khí, doanh nghiệp chưa có đủ các năng lực để làm tổng thầu hoặc làm trọn gói.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc phát triển thị trường quốc tế Công ty CP Cơ khí chính xác Smart Việt Nam Cao Văn Hùng thông tin, Việt Nam đã có những chính sách cho các doanh nghiệp, nhưng hiện tại vẫn đang dừng lại ở khâu lý thuyết. Để các doanh nghiệp tiếp cận được các chính sách đang gặp rất nhiều khó khăn, thủ tục khá nhiều khiến cho các doanh nghiệp mong muốn đầu tư ngay, chớp lấy cơ hội ngay lại gặp vấn đề.
Mong cụ thể hóa chính sách
Đồng tình với những quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội Nguyễn Đức Cường cho hay, về tình hình sản xuất trang thiết bị và cơ khí nói chung, đặc biệt là của Hà Nội thì điểm đột phá lớn nhất đó là Quyết định số 496/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP Hà Nội.
Cùng với đó, việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư hoặc thu hút đầu tư từ nước ngoài. Tiếp đến, thành phố đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho 43 cụm công nghiệp với tổng diện tích 753ha - đây là một trong những quỹ đất, hạ tầng rất lớn, chuẩn bị cho việc đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là ngành sản xuất, gia công cơ khí chế tạo.
Ngoài ra, các Hiệp định hợp tác toàn diện với Mỹ, các FTA, EVFTA, CPTPP cũng cần một hoạt động xuyên suốt từ Chính phủ cho đến các đại sứ quán và đặc biệt là các tham tán giữa hai nước, đưa ra những mục tiêu tổ chức các buổi họp mặt giữa hai nước và giữa các doanh nghiệp hai nước để xúc tiến hợp tác cụ thể.
Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đã phát huy vai trò cầu nối triển khai các hoạt động như chia sẻ, đào tạo, xúc tiến thương mại và đầu tư nội khối, tổ chức các triển lãm trong và ngoài nước, kết nối các chính sách, đường lối với cơ quan Nhà nước...
"Tôi cũng mong là các chính sách cho doanh nghiệp hiện nay sẽ được đơn giản hóa, hoặc là mình sẽ có cơ chế nào để giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng hơn" - ông Cao Văn Hùng nói.
Từ thực tế, ông Nguyễn Đức Cường cho hay, Hà Nội cũng đã đặt ra các mục tiêu để phát triển cho ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là ngành công nghiệp hỗ trợ của TP Hà Nội và cũng thông qua dự án xây dựng ngành công nghiệp chủ lực.
Để làm được điều đó, rất cần có sự đồng hành của cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Công Thương, Hiệp hội ngành hàng cũng như các địa phương trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tăng năng lực phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Giải quyết những vướng mắc, TS. Phan Đăng Phong cho hay, cần phải có đánh giá, sơ kết chính sách phát triển cơ khí trong thời gian vừa qua, từ đó có những hiệu chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt có được một số cơ chế, chính sách thực tiễn để phù hợp cho các doanh nghiệp cơ khí có sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hơn.
Các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp ngành cơ khí Việt Nam cần tiếp tục đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng công nghệ trong mỗi sản phẩm; không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), cả nước có khoảng 3.100 doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam. Ngành cơ khí - máy móc và thiết bị trong nước đã từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động.