Kiên quyết xử lý đối tượng cố tình vi phạm pháp luật thuế trên sàn thương mại điện tử

Quản lý thuế trên các sàn thương mại điện tử vốn là vấn đề nóng trong thời gian gần đây.

Thương mại điện tử. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN

Thương mại điện tử. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN

Do đó, ngành thuế đã tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý những đối tượng cố tình vi phạm pháp luật thuế, từ đó tạo môi trường minh bạch, bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế.

Theo quy định hiện hành, hộ, cá nhân kinh doanh thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm tự kê khai, tự nộp thuế, tự chịu trách nhiệm.

Cơ quan thuế quản lý thuế đối với các hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn thông qua cơ chế yêu cầu sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin và thu thập thông tin từ bên thứ 3 để rà soát cùng với các thông tin quản lý hiện có của cơ quan thuế để đưa vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp thực tế, điều chỉnh doanh thu hoặc xử lý truy thu.

Thời gian qua, nhiều trường hợp là cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử đã tự giác đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế.

Là doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng điện tử tại thành phố Lào Cai, trước làn sóng kinh doanh thương mại điện tử không ngừng nở rộ, Siêu thị điện máy Cao Trúc cũng tìm hiểu và đưa các mặt hàng lên trang website của chính mình để bán online và liên kết với các sàn thương mại điện tử nổi tiếng khác.

Ông Cao Thành Đạt, Quản lý Siêu thị điện máy Cao Trúc cho biết: Dưới sự tư vấn và hỗ trợ của cơ quan thuế, trang web bán hàng của doanh nghiệp đã được kết nối hóa đơn điện tử với phần mềm quản lý bán hàng thông minh hiện đại nên mọi thông tin về đầu vào, đầu ra của hàng hóa cũng như doanh số bán hàng đều được thống kê đầy đủ chính xác.

“Trên cơ sở đó doanh nghiệp đã thực hiện kê khai và đóng thuế đầy đủ cho ngân sách nhà nước”, ông Cao Thành Đạt nói.

Tuy nhiên, cơ quan thuế cho biết: Thông tin các sàn thương mại điện tử cung cấp còn chưa đầy đủ, chưa sát với thực tế phát sinh, nên việc định danh, quản lý doanh thu, số lượng nhà bán hàng trên sàn còn khó khăn và gặp nhiều vướng mắc.

Một số nhà cung cấp nước ngoài cho rằng có "cơ sở thường trú" thông qua việc thành lập các văn phòng đại diện tại Việt Nam. Điều này dẫn đến việc nhà cung cấp nước ngoài không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế qua Cổng thông tin điện tử, mà thay vào đó, thực hiện qua cơ chế khai thay, nộp thay thuế của các tổ chức trong nước.

Những giao dịch này chủ yếu là các giao dịch B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp), trong khi giao dịch B2C (doanh nghiệp với cá nhân) lại chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ.

Theo chuyên gia kinh tế PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, việc thu thuế từ Google, Amazon… là một bước tiến của cơ quan thuế Việt Nam. Doanh thu của các doanh này ở Việt Nam rất lớn, nhưng số thuế nộp ngân sách nhà nước chưa tương xứng.

Thống kê từ Tổng cục Thuế, đến nay đã có 115 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký và thực hiện nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử, với tổng số thuế nộp vào ngân sách nhà nước đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng.

Cổng thông tin điện tử đi vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà cung cấp nước ngoài chủ động thực hiện quyền đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp, qua đó tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả kinh doanh trong thời đại kinh tế số.

Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông phản ánh mạnh mẽ về sự cạnh tranh không lành mạnh của sàn thương mại điện tử Temu tại thị trường Việt Nam khi hoạt động chưa được cấp phép, bán hàng rầm rộ và cạnh tranh không công bằng với doanh nghiệp nội địa.

Bộ Công Thương cho biết: Không chỉ Temu mà các các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Shein, 1688… đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng vẫn chưa tiến hành đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương.

Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cho biết, theo quy định, tất cả những sàn thương mại điện tử nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký hoạt động và được cấp phép bởi Bộ Công Thương.

Nếu họ chưa được cấp phép hoạt động nhưng đã phát sinh doanh thu của hoạt động kinh doanh thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế: kê khai và nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Theo đó, người nộp thuế bao gồm cả tổ chức, cá nhân, hộ cá nhân kinh doanh có trách nhiệm tự khai, tự tính, tự nộp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu kê khai nộp thuế.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, đã có yêu cầu và Temu đã đăng ký thuế. Theo đó, Temu cũng sẽ phải nộp thuế theo quy định như các đơn vị kinh doanh, nhà cung cấp nước ngoài khác như facebook, google... khi họ được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

Thời gian tới, Tổng cục thuế sẽ tiếp tu phối hợp với các sàn trong nước, các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài tuyên truyền về nghĩa vụ thuế của các tổ chức, các nhân kinh doanh trên các nền tảng.

Cùng với đó, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế ở mức 4.0 để đảm bảo người nộp thuế có thể thực hiện đăng ký, khai và nộp thuế, cung cấp thông tin hoàn toàn theo hình thức điện tử.

Tổng cục Thuế cũng sẽ đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho các cá nhân, hộ kinh doanh phát sinh hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có thể thực hiện các nghĩa vụ thuế một cách thuận tiện.

Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kien-quyet-xu-ly-doi-tuong-co-tinh-vi-pham-phap-luat-thue-tren-san-thuong-mai-dien-tu/351928.html
Zalo