Kiên quyết ngăn chặn hành vi trồng cây thuốc phiện

Từ đầu năm đến nay, công an toàn tỉnh phát hiện 4 vụ người dân trồng cây thuốc phiện (cây anh túc) trong ruộng rau và vườn nhà. Mặc dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở song mỗi khi đến dịp đầu năm - thời điểm cây thuốc phiện ra hoa, kết trái, cơ quan chức năng lại phát hiện nhiều trường hợp vi phạm.

Liên tiếp phát hiện vi phạm

Thông qua công tác nắm tình hình, ngày 13/3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh) phối hợp với Công an xã Tân Quang (Lục Ngạn) tiến hành kiểm tra, phát hiện tại vườn của gia đình bà Đàm Thị Th (sinh năm 1968), thôn Trại Cá 1, xã Tân Quang trồng 326 cây thuốc phiện. Xung quanh diện tích trồng loại cây này được gia đình bà Th che chắn cẩn thận bằng ni lông màu đen. Hiện cơ quan chức năng đã thu giữ toàn bộ số cây trên, niêm phong gửi phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh giám định để có hình thức xử lý cụ thể.

 Bà Đàm Thị Th, thôn Trại Cá 1, xã Tân Quang (Lục Ngạn) kể lại việc trồng cây thuốc phiện trong vườn nhà.

Bà Đàm Thị Th, thôn Trại Cá 1, xã Tân Quang (Lục Ngạn) kể lại việc trồng cây thuốc phiện trong vườn nhà.

Bà Th cho biết, tháng 7/2024, bà ra chợ Kép, phường Hồng Giang (thị xã Chũ) mua hạt rau cải cúc về trồng. Khi cải cúc lên tốt, bà thấy có lẫn cây lạ, thân và lá phủ phấn trắng, hoa màu tím. Trong một lần đi xe bus xuống thành phố Bắc Giang, bà Th kể với mấy người ngồi gần thì được biết đó là cây thuốc phiện. “Mọi người bảo cây này phơi khô rồi sao lấy nước uống có thể chữa được nhiều bệnh nên tôi để làm giống”, bà Th chia sẻ. Theo đó, tháng 12/2024, bà Th mang hạt giống cây thuốc phiện ra gieo ở luống rau trong vườn nhà, mục đích là để làm thuốc chữa bệnh như nhiều người mách bảo.

Trước đó, vào hồi 14 giờ ngày 4/2, nhận được tin báo của người dân, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy (khi đó thuộc Công an huyện Lục Ngạn) phối hợp với Công an xã Đồng Cốc (Lục Ngạn) tiến hành xác minh tại vườn cây ăn quả của gia đình ông Mai Văn Q (sinh năm 1970), trú tại thôn Đồng Phong, xã Đồng Cốc có trồng cây thuốc phiện. Tại đây, lực lượng công an thu giữ 50 cây thuốc phiện đang thời kỳ ra hoa, kết quả. Theo thông tin từ Công an xã Đồng Cốc, khi phát hiện vụ việc, ông Q giải thích là trồng cây thuốc phiện để làm rau ăn.

Tương tự, ngày 17/3, Công an xã Nghĩa Phương (Lục Nam) kiểm tra phát hiện tại ruộng rau của gia đình bà Phạm Thị B (sinh năm 1963), trú tại thôn Dùm, xã Nghĩa Phương trồng 166 cây thuốc phiện đang ra hoa, kết quả. Ông Phùng Kế Lợi, Trưởng thôn Dùm cho biết: “Trước đó, khi phát hiện bà B trồng cây này, có người cùng thôn đã khuyên bà nhổ bỏ. Tuy nhiên, bà B không nghe theo mà còn dùng bạt ni lông che lại”.

Hành vi bị nghiêm cấm

Theo thông tin từ Công an tỉnh, từ đầu năm 2025 đến nay, lực lượng công an đã phát hiện 4 vụ người dân trồng cây thuốc phiện trong ruộng rau và vườn nhà, thu giữ 819 cây thuốc phiện tại địa bàn các xã: Đồng Cốc, Tân Hoa, Tân Quang (Lục Ngạn) và xã Nghĩa Phương (Lục Nam). Các cây thuốc phiện đều đã ra hoa, kết trái, cao từ 25 cm đến khoảng 1m.

 Cây thuốc phiện được phát hiện trong ruộng rau của gia đình bà Phạm Thị B, thôn Dùm, xã Nghĩa Phương (Lục Nam).

Cây thuốc phiện được phát hiện trong ruộng rau của gia đình bà Phạm Thị B, thôn Dùm, xã Nghĩa Phương (Lục Nam).

Hiện cơ quan công an đã tịch thu toàn bộ số cây trên, niêm phong gửi đơn vị liên quan giám định để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. Hầu hết các hộ dân này lén lút trồng cây thuốc phiện ở những chỗ khuất, ít người qua lại và được che chắn cẩn thận nhằm không để ai phát hiện. Trung úy Bùi Công Kiên, cán bộ Công an xã Nghĩa Phương cho biết: “Người dân còn cố tình trồng xen cây thuốc phiện vào những cây rau màu khác như hành, tỏi nên càng khó phát hiện”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trước hết là do nhận thức của một số người dân, nhất là những hộ dân ở vùng sâu, xa còn hạn chế, suy nghĩ đơn giản chỉ trồng một số cây để làm thuốc chữa bệnh cho người và gia súc, gia cầm hoặc ngâm rượu, làm rau ăn nên không sợ vi phạm pháp luật. Cũng có trường hợp cho rằng, nếu không may lực lượng công an phát hiện thì đổ lỗi do “thiếu hiểu biết” nên vô tình trồng. Bên cạnh đó, nhiều người còn đồn thổi cây thuốc phiện có tác dụng chữa “bách bệnh” cho người và vật nuôi, khiến cho nhiều người tìm cách trồng loại cây này.

Cây thuốc phiện là loại cây bị Nhà nước cấm trồng từ lâu vì có chứa chất ma túy, có tác hại đến sức khỏe con người. Cây thuốc phiện còn được biết đến với cái tên khác như: Phù dung, á phiện, anh túc xác... Đây là loài cây thân thảo, có chiều cao từ 0,7 – 1,6 m với tuổi thọ kéo dài khoảng 2 năm.

Khi sử dụng cây thuốc phiện hoặc chất chiết xuất từ cây thuốc phiện có thể gặp phải những tác dụng không mong muốn như: Đau dạ dày; buồn nôn và nôn mửa; khô miệng; ảo giác; ngứa; co đồng tử; táo bón. Nếu dùng quá liều sẽ gây nghiện, thậm chí là ngộ độc, đe dọa đến tính mạng của người sử dụng. Theo quy định, tất cả các hành vi trồng và sử dụng cây thuốc phiện với bất kỳ mục đích gì đều là vi phạm pháp luật. Tùy từng mức độ vi phạm, người trồng và sử dụng sẽ bị xử phạt hành chính đến 10 triệu đồng, thậm chí bị xử lý hình sự đến 7 năm tù.

Nhằm ngăn chặn việc người dân cố tình trồng và sử dụng cây thuốc phiện, chính quyền, cơ quan chức năng, đoàn thể ở địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về tác hại của việc trồng và sử dụng cây thuốc phiện. Mặt khác, phát động phong trào toàn dân tham gia tố giác người trồng cây thuốc phiện để kịp thời triệt xóa khi mới manh nha hình thành. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần tiến hành điều tra, xác minh nguồn cung cấp giống cây thuốc phiện; xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng sự “thiếu hiểu biết” để cố tình vi phạm, bảo đảm tính răn đe trong xã hội.

Bài, ảnh: Đỗ Thành Nam

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/kien-quyet-ngan-chan-hanh-vi-trong-cay-thuoc-phien-postid414948.bbg
Zalo