Kiên quyết không để tội phạm truy nã ở ngoài vòng pháp luật

Với phương châm kiên quyết không để đối tượng truy nã ở ngoài vòng pháp luật, lực lượng công an trong tỉnh đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm, chủ động rà soát, nắm tình hình, điều tra xác minh quy luật lẩn trốn của từng loại đối tượng; củng cố tài liệu phục vụ công tác truy bắt.

Cựu Chủ tịch Hội Nông dân huyện Triệu Sơn Hoàng Văn Bốn bị bắt sau gần 6 năm trốn truy nã.

Cựu Chủ tịch Hội Nông dân huyện Triệu Sơn Hoàng Văn Bốn bị bắt sau gần 6 năm trốn truy nã.

Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn 134 đối tượng truy nã, trong đó có 86 đối tượng truy nã đang lẩn trốn trong nước (gồm 39 đối tượng truy nã nguy hiểm và truy nã thường, 47 đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm). Tội danh của các đối tượng bị truy nã rất đa dạng như cố ý gây thương tích, lừa đảo, trộm cắp, cướp giật, đánh bạc... Sau khi gây án, đối tượng truy nã thường nhanh chóng tìm cách bỏ trốn đến vùng sâu, vùng xa, đồng thời sử dụng nhiều thủ đoạn để lẩn trốn, che giấu tung tích, nhằm đối phó với sự phát hiện của cơ quan chức năng và quần chúng Nhân dân. Điển hình là thay tên đổi họ, nơi ở, cách thức liên lạc với người thân, đồng bọn, nhằm đánh lạc hướng xác minh, truy bắt của lực lượng chức năng. Từ đó, việc phát hiện, truy tìm, vận động ra đầu thú, bắt giữ gặp nhiều khó khăn, vất vả.

Nhưng với phương châm hành động “không để tội phạm truy nã ở ngoài vòng pháp luật”, lực lượng công an Thanh Hóa đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai có hiệu quả nhiều biện pháp truy bắt. Đồng thời chủ động phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương khác và thậm chí là lực lượng chức năng nước ngoài nắm chắc tình hình, điều tra xác minh quy luật lẩn trốn của từng loại đối tượng, củng cố tài liệu phục vụ công tác truy bắt. Ngoài ra, lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở còn chú trọng phát huy hiệu quả công tác dân vận, thường xuyên phối hợp các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn lẩn trốn, đặc điểm nhận dạng của tội phạm truy nã để Nhân dân tham gia đấu tranh, tố giác; vận động các đối tượng ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật...

Nhờ triển khai tốt các biện pháp trên nên trong những năm gần đây Công an Thanh Hóa đã vận động, truy bắt được nhiều đối tượng truy nã. Đặc biệt, trong hơn 2 tháng ra quân mới đây thực hiện kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh về tổng truy bắt, vận động, thanh loại đối tượng truy nã, lực lượng công an tỉnh đã bắt giữ gần 10 đối tượng truy nã, trong đó có nhiều đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm đã lẩn trốn sau nhiều năm gây án. Điển hình, ngày 13/8/2024, tại TP Cần Thơ, tổ công tác của Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ đối tượng Đỗ Hiền Lương, sinh năm 1958, quê xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh truy nã về tội “Giết người" từ tháng 7/1989. Sau gần 35 năm lẩn trốn và đã thay hình đổi dạng nhưng Đỗ Hiền Lương vẫn bị tổ công tác của Công an tỉnh phát hiện, bắt giữ.

Trước đó, ngày 14/7/2024 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã di lý đối tượng Hoàng Văn Bốn, sinh năm 1970, nguyên là Chủ tịch Hội Nông dân huyện Triệu Sơn từ TP Hồ Chí Minh về Thanh Hóa để phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm. Được biết, Hoàng Văn Bốn là đối tượng truy nã đặc biệt về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tháng 10/2018, sau khi phạm tội, Bốn đã bỏ trốn khỏi địa phương. Với tinh thần kiên quyết tấn công, trấn áp tội phạm, lực lượng truy nã tội phạm Cơ quan Cảnh sát điều tra đã huy động lực lượng, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm đối tượng. Sau hơn 1 tháng tập trung điều tra, xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã phát hiện và bắt giữ Hoàng Văn Bốn khi đối tượng này đang lẩn trốn tại TP Hồ Chí Minh.

Để nâng cao hiệu quả công tác truy nã tội phạm trong tình hình mới, lực lượng công an trong tỉnh tiếp tục trinh sát nắm tình hình, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm, truy bắt đối tượng truy nã. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, gia đình, cơ quan, nơi cư trú của đối tượng để giám sát, quản lý bị can tại ngoại, tạm hoãn thi hành án, hạn chế số đối tượng bỏ trốn phải ra quyết định truy nã. Đồng thời, không ngừng đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông để đăng tải thông tin các đối tượng truy nã, kết hợp với khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong phát hiện, tố giác, truy bắt đối tượng truy nã.

Bài và ảnh: Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kien-quyet-khong-de-toi-pham-truy-na-o-ngoai-vong-phap-luat-225038.htm
Zalo