'Kiên nhẫn' chiến lược đầu tư
Nhà đầu tư nên đặt niềm tin dài hạn vào cổ phiếu của những doanh nghiệp có triển vọng tích cực lâu dài.
Chiến sự Nga-Ukraine có tác động nhưng không đáng kể đến Việt Nam do Việt Nam và 2 quốc gia nói trên không có nhiều hoạt động thương mại hay đầu tư. Do đó, Việt Nam sẽ đối mặt rủi ro chung của cả thế giới là giá hàng hóa tăng cao đẩy lạm phát lên. Tuy nhiên, lạm phát Việt Nam cũng sẽ không vượt mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra trong kịch bản xấu nhất là giá dầu tăng lên 120 USD/thùng.
Về thị trường chứng khoán, sau vài cú bán tháo tuần trước, nhà đầu tư dường như đã bắt đầu không còn bán tháo. Nhiều khuyến nghị cho rằng chiến sự Nga- Ukraine là cơ hội, thay vì tháo chạy. Không những vậy, việc giá nhiều hàng hóa tăng mạnh do chiến sự này đã hút dòng tiền chảy mạnh vào cổ phiểu của những nhóm ngành đó. Trong phiên cuối cùng tháng 2, loạt cổ phiếu ngành than, phân bón, thép và dầu khí như DPM, DCM, NKG, HSG, THT... bứt mạnh.
Thống kê trong 2 tháng vừa qua cho thấy có không ít cổ phiếu tăng tương đối mạnh, như FRT, PET, DPM, DCM.... Đặc biệt, có nhiều mã tăng từ đáy khoảng 30-50%, cá biệt có mã gần 100%. Tuy nhiên, nếu không đủ kiên nhẫn, nhà đầu tư lại lỗ trong kênh tăng giá này. Lý do là bởi trong 2 tháng qua, thị trường liên tục đón nhận những thông tin tiêu cực, tác động đến tâm lý nhà đầu tư.
Ngoài ra, hầu hết các nhịp tăng giá cổ phiếu không duy trì quá lâu, chủ yếu nương theo thông tin. Ví dụ như FRT tăng mạnh nhờ thông tin được phân phối thuốc chữa COVID-19. Hay các cổ phiếu dầu khí, phân bón… tăng do giá các mặt hàng này tăng do chiến sự Nga- Ukraine. Trong tháng 3 sẽ có nhiều doanh nghiệp bắt đầu tổ chức Đại hội cổ đông mang đến nhiều thông tin tích cực hơn cho thị trường. Điều này có thể sẽ tiếp tục giữ cho VN-Index chạy trong biên ngắn tại vùng 1.500 điểm mà khó tạo ra được cú đột phá nào.