Kiến nghị Thủ tướng gỡ vướng quy định 'lái xe liên tục'

Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị Thủ tướng và ba bộ điều chỉnh quy định xử phạt lái xe kinh doanh vận tải vi phạm thời gian lái xe liên tục.

Ngày 16-1-2025, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ GTVT, Bộ Công an và Bộ Tư pháp đề nghị tháo gỡ ngay một số vướng mắc cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô, đặc biệt là quy định “thời gian lái xe liên tục”.

Có những trường hợp bắt buộc phải… vi phạm

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định tài xế không được lái xe quá 48 giờ/tuần, không được điều khiển xe quá 10 giờ/ngày và không lái xe liên tục quá 4 giờ.

Theo Nghị định 168/2024, xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nhà chức trách quy định tài xế nếu lái xe vi phạm quá thời gian trên, hoặc không thực hiện đúng quy định về thời gian nghỉ giữa hai lần lái xe liên tục sẽ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng. Hình phạt bổ sung là trừ hai điểm giấy phép lái xe.

Ngoài ra, chủ xe để cho tài xế của mình lái xe ô tô liên tục quá thời gian quy định cũng sẽ bị xử phạt 4-6 triệu đồng (cá nhân) và 8-12 triệu đồng (tổ chức). Trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị trừ điểm giấy phép lái xe hai điểm.

 Nhiều đoạn đường bị kẹt, tài xế phải mất vài tiếng đồng hồ để thoát ra. Ảnh: PHI HÙNG

Nhiều đoạn đường bị kẹt, tài xế phải mất vài tiếng đồng hồ để thoát ra. Ảnh: PHI HÙNG

Với quy định trên, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng hệ thống đường bộ của nước ta chưa đồng bộ, thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Đặc biệt đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, các trục quốc lộ chính có lưu lượng xe cao đi qua đô thị lại càng ùn tắc.

Thêm vào đó, một số tuyến đường bộ cao tốc hiện chưa có trạm dừng nghỉ, đặc biệt là trục cao tốc Bắc - Nam, xe phải chạy liên tục đến khi ra khỏi đường cao tốc mới có thể tìm được điểm dừng nghỉ.

Với những khó khăn mang tính khách quan như vậy, tài xế không hoàn toàn làm chủ được thời gian lái xe trên đường, dẫn đến vi phạm thời gian lái xe theo quy định. “Đây là những hành vi không cố ý, biết trước nhưng không thể tránh, hậu quả là lái xe và cả doanh nghiệp đều bị xử phạt nặng…”- Hiệp hội vận tải ô tô nêu ý kiến.

Một bất cấp nữa là hiện thiết bị giám sát hành trình có chức năng đo lường, xác định thời gian hoạt động và tốc độ của xe chưa được quy định nên không được kiểm định định kỳ. Do đó thời gian hoạt động, tốc độ và quãng đường đi của xe thu được từ thiết bị giám sát hành trình chênh lệch với đồng hồ công-tơ-mét của xe ô tô. Đây cũng là nguyên nhân khách quan dẫn đến vi phạm thời gian lái xe.

Chi phí vận chuyển tăng, doanh nghiệp khó tồn tại

Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, cho biết từ trước tới nay các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô có xe chạy đường dài như tuyến Bắc - Nam, Tây Bắc… đều bố trí tối đa hai tài xế. Tuy nhiên, với quy định nêu trên các doanh nghiệp phải bố trí tới ba người.

Việc bố trí thêm tài xế gặp ba khó khăn, thứ nhất là làm tăng chí phí vận chuyển; thứ hai là rất khó tìm kiếm tài xế, nhất là tài xế lái xe hạng nặng như container; thứ ba là xe đầu kéo hiện thiết kế chỉ có hai ghế và quy định chỉ được hai người ngồi, kể cả xe có thiết kế giường nằm phía sau.

 Nhiều đoạn cao tốc Bắc - Nam chưa có trạm dừng nghỉ nên khó đổi tài dẫn đến tài xế vi phạm thời gian lái xe liên tục. Ảnh: V.LONG

Nhiều đoạn cao tốc Bắc - Nam chưa có trạm dừng nghỉ nên khó đổi tài dẫn đến tài xế vi phạm thời gian lái xe liên tục. Ảnh: V.LONG

“Như vậy việc áp dụng quy định và chế tài xử phạt các hành vi vi phạm nêu trên trong điều kiện hiện nay, đường sá chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông bình thường của phương tiện tham gia giao thông, làm cho người lái xe ô tô rất dễ vi phạm do các nguyên nhân khách quan…”- ông Quyền nói.

Vì vậy, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành liên quan sửa luật theo hướng nâng thời gian lái xe. Cụ thể, thời gian lái xe trong tuần tối đa từ 55 giờ đến 60 giờ, còn thời gian lái xe liên tục và trong ngày cao hơn 10% so với quy định hiện nay.

Cùng quan điểm, lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải phía Bắc, cũng bày tỏ quan điểm chưa đồng tình với quy định này. Ông nêu ví dụ nếu đường thông thoáng tài xế có thể chạy 60-80km/giờ mất khoảng 1,5-2 giờ, nhưng đường tắc chạy 4 tiếng nhiều lúc chỉ được 30km. Theo đó, sẽ có trường hợp lái xe 10 giờ trong một ngày cũng khó có thể hoàn thành một lô hàng chặng đường từ Hà Nội – Quảng Bình.

“Như vậy quy định này làm tăng thêm chi phí cho đơn hàng, mà đối tượng chịu thiệt nhất là người dân, xa hơn là ảnh hưởng đến cả nền kinh tế”- vị lãnh đạo doanh nghiệp này phân tích.

Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM kiến nghị gì?

Về vấn đề này, mới đây ông Bùi Văn Quản chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cũng vừa thay mặt Hiệp hội gửi văn bản đến Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam kiến nghị một số vấn đề. Trong văn bản này có nội dung so sánh với quy định tại Bộ luật Lao động, thời gian làm việc bình thường không quá 48 giờ/tuần nhưng vẫn cho phép làm thêm giờ.

Hơn nữa, xe chở hàng hóa hoàn toàn khác với xe chở khách vì đặc thù chỉ khi có hàng mới phân bổ tài xế vận chuyển, xong 1 chuyến hàng có thể nghỉ chờ đến 1 tuần mới có lần vận chuyển tiếp theo. Do đó, quy định số giờ tối đa lái xe là 48 giờ/tuần trong tình hình thiếu tài xế, cụ thể là khan hiếm tài xế có hạng bằng FC là rất khó áp dụng, gây lãng phí thời gian.

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị nếu cần quy định về làm việc tối đa của tài xế thì nên quy định sang số km tối đa trong ngày sẽ phù hợp hơn. Ví dụ nên lấy bình quân km giữa cao tốc và đường thông thường có thể chạy là 60km/h nhân cho 8 giờ lái sẽ là 480 km/ngày. Như vậy sẽ phù hợp hơn với tình hình giao thông của nước ta hiện nay, thu nhập của tài xế và giá trị kinh tế của ngành vận tải .

Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề xuất bổ sung biên độ vi phạm được cộng thêm 10% sai số, các trường hợp giờ lái 04 giờ 01 phút, 04 giờ 02 phút nếu vẫn bị xử lý vi phạm thì quá nghiêm khắc và mức phạt quá cao. P.DUNG

VIẾT LONG - AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kien-nghi-thu-tuong-go-vuong-quy-dinh-lai-xe-lien-tuc-post830443.html
Zalo