Kiến nghị rút ngắn thời gian xin phép tổ chức hội nghị quốc tế xuống 5-10 ngày
Cơ sở giáo dục đại học kiến nghị rút ngắn thời gian xin phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế.
Cơ hội tốt để tiếp cận giáo sư/học giả đầu ngành, tìm ý tưởng nghiên cứu
Tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế là một trong những “chìa khóa” giúp các trường đại học mở ra cánh cửa giao lưu, trao đổi học thuật, góp phần định hình và giới thiệu, quảng bá thương hiệu trong đào tạo và nghiên cứu khoa học trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, hoạt động này vẫn đang gặp phải một số vướng mắc khi thực hiện theo quy định hiện hành, nhất là về thời gian xin phép tổ chức.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế nhìn nhận: “Với xu thế toàn cầu hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, ngoài việc triển khai các chương trình liên kết đào tạo, hợp tác nghiên cứu, trao đổi cán bộ, giảng viên và sinh viên giữa các cơ sở giáo dục trong nước và trên thế giới; việc đăng cai hoặc phối hợp đăng cai tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế là giải pháp hữu hiệu và cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, thúc đẩy mở ngành liên kết đào tạo, giao lưu và trao đổi học thuật, định hình và quảng bá thương hiệu về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Đại học Huế nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung trên trường quốc tế. Như tỷ phú người Mỹ Warren Buffett (sinh năm 1930), từng nói: “muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Niêm - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên cho biết: “Hội nhập là xu thế tất yếu của Việt Nam và cũng là xu thế của các trường đại học. Các nhà khoa học sẽ rất cởi mở khi họ cùng thảo luận về chuyên môn, về hướng nghiên cứu, về kết quả nghiên cứu. Chính vì vậy, hội thảo quốc tế là cầu nối trao đổi học thuật của các nhà khoa học, các giảng viên trong và ngoài nước từ đó có những hợp tác về khoa học và đào tạo trong tương lai. Hội nhập là 1 trong 3 giá trị cốt lõi Trường Đại học Tây Nguyên vì vậy hội thảo quốc tế đặc biệt quan trọng đối với nhà trường trong nghiên cứu khoa học và cả trong đào tạo.
Về hoạt động tại nhà trường, mặc dù không có nhiều hội thảo lớn (từ năm 2021 đến nay tổ chức 3 hội thảo quốc tế), đồng thời, nhà trường đồng tổ chức các hội thảo quốc tế khác, song không ở Tây Nguyên (1 hội thảo ở Huế và 01 hội thảo ở Cần Thơ); tuy nhiên, các seminar nhỏ thì được tổ chức thường xuyên hơn.
Tây Nguyên là vùng đất rất đặc biệt với rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu kể cả khoa học tự nhiên, ứng dụng và khoa học xã hội, nhân văn. Hội thảo là cơ hội tốt để các nhà khoa học, giảng viên, học viên cao học và sinh viên tiếp cận các giáo sư/học giả đầu ngành tìm kiếm ý tưởng nghiên cứu. Thông qua hợp tác nghiên cứu, năng lực nghiên cứu của giảng viên tăng lên, từ đó hợp tác quốc tế và hợp tác đào tạo giữa Trường Đại học Tây Nguyên với các trường trên thế giới phát triển. Tôi cho rằng, hoạt động này tác động tích cực đến hai mặt lớn của nhà trường là nghiên cứu khoa học và đào tạo”.
Đối với Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU), việc tổ chức và tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế không chỉ là một phần cốt yếu trong chiến lược phát triển, mà còn là cơ hội để nâng cao vị thế quốc tế của trường.
“Các sự kiện này không chỉ mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, mà còn là dịp để giảng viên và sinh viên học hỏi từ các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực liên quan. Đặc biệt, việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tạo cơ hội cho giảng viên và nhà khoa học trao đổi kinh nghiệm, phát triển ý tưởng nghiên cứu mới và xây dựng mạng lưới hợp tác nghiên cứu quốc tế.
Ví dụ qua hội thảo quốc tế ‘Thách thức và cơ hội trong việc thu dọn mỏ ngoài khơi Đông Nam Á và trên thế giới’, chúng tôi không chỉ mở rộng quan hệ hợp tác và kết nối quốc tế mà còn nâng cao chất lượng nghiên cứu tại PVU, qua đó khẳng định sự cam kết của chúng tôi đối với sự phát triển giáo dục và nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế” - Tiến sĩ Phan Minh Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Đại học Dầu khí Việt Nam bày tỏ.
Theo đó, mỗi năm, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam thường có kế hoạch tổ chức ít nhất hai hội nghị, hội thảo quốc tế lớn, cùng nhiều hội thảo quy mô nhỏ hơn, thường dựa trên các kết quả nghiên cứu từ các đề tài cấp nhà nước, tập đoàn, cơ sở và các dự án quốc tế.
Những sự kiện này được đánh giá, không chỉ mở rộng ảnh hưởng quốc tế của trường, mà còn mang lại cơ hội cho giảng viên và sinh viên tham gia vào các dự án nghiên cứu có ý nghĩa, phát triển và chia sẻ các ý tưởng nghiên cứu mới.
“Đặc biệt, chúng còn là cơ hội để thiết lập các nhóm nghiên cứu quốc tế, củng cố quan hệ hợp tác với các đối tác. Một ví dụ điển hình là sự hợp tác của chúng tôi với Đại học Montpellier và Công ty eV-Technologies trong hội thảo ‘Cảm biến từ, kiểm tra không phá hủy và internet vạn vật’, qua đó, PVU không chỉ mở rộng mạng lưới hợp tác mà còn thúc đẩy trao đổi tri thức và kỹ năng cho cả giảng viên và sinh viên. Chúng tôi cam kết tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác với các tổ chức mới, nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện và mang lại lợi ích thực tế cho cộng đồng học thuật của nhà trường” - vị Hiệu trưởng dẫn chứng.
Thời gian quá dài là trở ngại lớn, ban tổ chức có thể rơi vào thế bị động
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương cũng chia sẻ thêm về thực tiễn hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế của Đại học Huế: “Sau thời gian bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, hoạt động hợp tác quốc tế đã được khôi phục và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trong năm 2023, Đại học Huế đã phối hợp với các tổ chức giáo dục, khoa học, các trường đại học, viện nghiên cứu uy tín trên thế giới tổ chức thành công gần 20 hội nghị, hội thảo quốc trong các lĩnh vực y - dược, chăm sóc sức khỏe, ngôn ngữ, kinh tế, luật, du lịch, văn hóa, giáo dục tế, nông - lâm - ngư… với sự tham gia của 2.198 đại biểu, trong đó có gần 500 đại biểu là các nhà khoa học và chuyên gia quốc tế.
Hội thảo, hội nghị quốc tế không chỉ là dịp để các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong các lĩnh vực gặp gỡ, trao đổi ý tưởng, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật các kết quả, phương pháp nghiên cứu mới mà còn là cơ hội để các nhà khoa học giao lưu, kết nối và xây dựng các mạng lưới, các mối quan hệ hợp tác sâu rộng.
Việc chủ trì và phối hợp tổ chức thành công các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Đại học Huế đã góp phần quảng bá hình ảnh của Đại học Huế, của thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên - Huế đến bạn bè quốc tế, đồng thời góp phần đáng kể trong việc nâng cao vị thế quốc tế của Đại học Huế và của giáo dục Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới.
Thúc đẩy công tác hợp tác quốc tế, trong đó có công tác tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế góp phần vào thành công của việc thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW; Nghị quyết 26-NQ/TW và Quyết định 1745/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 về Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 về việc Phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia”.
Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 4 Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam nêu: ‘Đơn vị tổ chức gửi đầy đủ hồ sơ xin phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế cho cơ quan của người có thẩm quyền ít nhất 40 ngày đối với hội nghị, hội thảo quốc tế thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ và ít nhất 30 ngày đối với hội nghị, hội thảo quốc tế thuộc thẩm quyền quyết định của người có thẩm quyền’.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương, thời gian nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để được cấp phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế theo quy định là ít nhất là 30 đến 40 ngày trước khi diễn ra hội nghị, hội thảo quốc tế là quá dài và là một trở ngại lớn đối với việc liên hệ với các giáo sư, chuyên gia ở nước ngoài đặc biệt là trong việc mời viết bài, xác nhận báo cáo của diễn giả để chuyển ngữ và nộp vào hồ sơ xin cấp phép.
Thực tế cho thấy, thường đến cận ngày diễn ra hội nghị, hội thảo, các diễn giả (trong đó, có cả diễn giả quốc tế) mới hoàn chỉnh bài báo cáo và gửi cho đơn vị tổ chức, thành phần tham dự cũng có sự thay đổi và điều chỉnh cho đến cận ngày tổ chức hội nghị, hội thảo chính thức. Do đó, sẽ có sự khác biệt so với đề án xin phép tổ chức, nếu phải gửi hồ sơ xin phép trước từ 30-40 ngày.
Giám đốc Đại học Huế cũng chia sẻ thêm về quy trình thực hiện thủ tục này tại đơn vị: Căn cứ Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg ngày 21/02/2020 về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và Công văn số 825/BNG-CNV ngày 10/3/2020 về việc đính chính Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg, Đại học Huế đã cụ thể hóa quy trình tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Đại học Huế tại Quy định số 2134/QĐ-ĐHH ngày 31/12/2020 của Giám đốc Đại học Huế.
Theo đó, các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc Đại học Huế gửi đầy đủ hồ sơ xin phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế theo quy định về Đại học Huế (qua Ban Khoa học công nghệ và Quan hệ quốc tế) trước ít nhất 50 ngày đối với hội nghị, hội thảo quốc tế thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trước ít nhất 40 ngày đối với hội nghị, hội thảo quốc tế thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giám đốc Đại học Huế xem xét phê duyệt tờ trình xin cấp phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế của đơn vị. Hồ sơ sau đó sẽ được gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo để lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sau khi có đầy đủ hồ sơ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp quyết định cho phép hoặc trình Chính phủ quyết định cấp phép theo thẩm quyền.
Thông thường, thời gian tính từ lúc Đại học Huế nộp hồ sơ cho đến lúc nhận được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền (Bộ Giáo dục và Đào tạo) mất từ 01 đến 02 tháng tùy tính chất của từng hội nghị, hội thảo quốc tế.
“Rõ ràng, thủ tục xin cấp phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế mất quá nhiều thời gian đã gây ra nhiều trở ngại đối với công tác tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế không chỉ đối với Đại học Huế mà đối với nhiều trường đại học trên toàn quốc” - thầy Phương đánh giá.
Tương tự, Hiệu trưởng Trường Đại học Dầu khí Việt Nam cũng chia sẻ về quy trình xin phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại trường: “Đối với các sự kiện mang tính quy mô như các hội nghị, hội thảo quốc tế, nhà trường luôn chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan lên kế hoạch từ khá sớm, hơn khoảng 1 năm trước đó.
Tuy nhiên, đối với thủ tục xin phép tổ chức tại các cơ quan có thẩm quyền trong khoảng thời gian trước 30-40 ngày theo quy định hiện hành cũng không tránh khỏi một số khó khăn nhất định liên quan đến việc điều chỉnh thông tin đội ngũ giáo sư, phó giáo sư đầu ngành ở nước ngoài trong thời điểm cận ngày diễn ra sự kiện, điều này cũng làm cho ban tổ chức rơi vào thế bị động vì danh sách đã được phê duyệt nên không thể linh động điều chỉnh, thay thế”.
Rút ngắn thời gian và xem xét tách riêng báo cáo của diễn giả/báo cáo viên
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế, Giám đốc Đại học Huế có một số kiến nghị: “Một là, rút ngắn thời gian nộp hồ sơ xin cấp phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế theo khoản 2 Điều 3 của QĐ 06/2020/QĐ-TTg xuống từ 7-10 ngày trước khi tổ chức hội thảo.
Hai là, phân quyền cho Giám đốc Đại học Huế được cấp phép tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế không thuộc phạm vi điều chỉnh của Mục 1, Điều 3 của Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg”.
Hiệu trưởng Trường Đại học Dầu khí Việt Nam cũng bày tỏ: “Tôi mong rằng, thời gian xin phép tổ chức tại các cơ quan có thẩm quyền có thể rút ngắn lại cho phù hợp, hoặc có thể xem xét tách nội dung diễn giả/báo cáo viên thành một báo cáo riêng và có thể được trình phê duyệt trước ngày diễn ra sự kiện là 5-7 ngày.
Ngoài ra, đối với công tác trình xin phê duyệt, trước khi trình lấy ý kiến địa phương tại địa bàn tổ chức, thì cần phải trình đến cơ quan quản lý/cấp phép cấp trên, theo tôi, quy trình này nên được rút ngắn để tạo điều kiện thuận lợi cho khâu tổ chức, thay vì thế, ban tổ chức có thể trình trực tiếp đến địa phương để quản lý các sự kiện mang tính quốc tế trên địa bàn tỉnh. Ban tổ chức sẽ chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả thực hiện đến cơ quan quản lý cấp trên theo hình thức báo cáo tổng kết năm (hoặc báo cáo kết quả chi tiết nếu có yêu cầu).”.
Cần có quy định khác cho hội thảo quốc tế trực tuyến
Đối với Trường Đại học Tây Nguyên, Phó Hiệu trưởng Lê Đức Niêm lại cho rằng: “Thời gian xin phép Bộ chủ quản ít nhất 30 ngày cũng không phải quá dài. Tuy nhiên, nếu được, quy định từ 15-20 ngày sẽ tạo điều kiện hơn cho nhà trường trong việc chủ động mời các giáo sư, chuyên gia nước ngoài tham dự.
Đối với nhà trường, hội thảo lớn thường gặp ít vấn đề hơn, song các seminar nhỏ thì khá khó đối với nhà trường. Các giáo sư thường phải tranh thủ thời gian để tham dự. Ví dụ, một giáo sư nhân chuyến công tác nào đó tại Tây Nguyên, sẽ ghé Trường Đại học Tây Nguyên để trao đổi về vấn đề gì đó với các giảng viên. Chúng ta nên đơn giản hóa thủ tục xin phép các cuộc seminar như vậy.
Đặc biệt, khi công nghệ 4.0 phát triển, hội thảo quốc tế trực tuyến thường ít tốn kém và hiệu quả. Chúng ta cần có quy định khác cho các hội thảo trực tuyến để tiện lợi hơn đối với nhà trường”.