Kiến nghị nâng chuẩn thu nhập mua nhà xã hội ở Hà Nội lên 25 triệu/tháng
Quy định thu nhập dưới 15 triệu mới được mua nhà xã hội bị cho là không còn phù hợp, người lao động đề xuất nâng ngưỡng lên 20-25 triệu đồng để phù hợp thực tế đô thị lớn như Hà Nội.
Chiều 28/5, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động Thủ đô năm 2025.
Dự hội nghị có hơn 200 công nhân lao động, đại diện cho hơn 2,7 triệu đoàn viên, công nhân viên chức lao động trên địa bàn Thủ đô.
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, đây dịp để lãnh đạo Thành phố, các Sở, ngành trao đổi, đối thoại và cùng nhau bàn bạc, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đời sống, việc làm của công nhân, lao động, đặc biệt là công nhân, lao động tại các khu công nghệ cao và khu công nghiệp của Thành phố.

Toàn cảnh hội nghị đối thoại.
Thiếu trường công cho con em công nhân lao động
Tại hội nghị nhiều nội dung được nhiều công nhân, người lao động đã được gửi tới Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, một trong số đó được đông đảo người lao động quan tâm là vấn đề nhà ở cho người lao động và trường học cho con em của họ.
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội, thu nhập bình quân của người lao động trong quý I/2025 đạt 7,7 triệu đồng/tháng, tăng 7,35% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức thu nhập này vẫn được đánh giá là thấp, nhất là với công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Hiện Thành phố có 10 khu công nghiệp, khu công nghệ cao đang hoạt động, thu hút hơn 167.000 lao động, phần lớn là người ngoại tỉnh. Trong số này, khoảng 60% công nhân phải thuê trọ trong các khu dân cư, nhiều nơi chật hẹp, thiếu an ninh và vệ sinh, giá thuê cao, chi phí điện nước đắt đỏ. Ngoài ra, tình trạng thiếu trường học công lập cho con em công nhân cũng gây thêm áp lực chi tiêu.

Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động Thành phố Nguyễn Huy Khánh báo cáo tại hội nghị.
Chị Nguyễn Thị Huyền Trang (Công ty TNHH Thời trang Star, KCN Phú Nghĩa) cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc tuyển dụng lao động từ các tỉnh xa vào làm việc tại khu công nghiệp đang gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là về vấn đề chỗ ở. Nhu cầu nhà ở gần khu công nghiệp còn thiếu hụt nghiêm trọng, khiến nhiều lao động tiềm năng không thể chuyển đến làm việc và sinh sống lâu dài.
"Tôi xin đề xuất UBND Thành phố xem xét việc xây dựng các khu nhà trọ giá rẻ và nhà trẻ cho con công nhân lao động. Điều này không chỉ giải quyết vấn đề về nơi ở cho người lao động mà còn đảm bảo sự ổn định gia đình và công việc cho họ. Việc xây dựng nhà gửi trẻ cũng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh, tạo điều kiện để họ tập trung làm việc với năng suất cao", chị Trang nói và cho rằng việc đầu tư như vậy không chỉ giúp giảm gánh nặng cho công nhân mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống và sức hút lao động cho các khu công nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Huyền Trang làm việc tại công ty TNHH Thời trang Star, KCN Phú Nghĩa phát biểu nêu ý kiến.
Trong khi đó, chị Chu Thị Báu (Công ty TNHH Kanepackage) nêu bất cập việc hiện quy định chỉ công nhân có thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng mới đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Theo chị Báu, lương công nhân ở Hà Nội hiện đã cao hơn mức tối thiểu, lại còn có thưởng. Nhưng với chi phí sinh hoạt cao, thu nhập dù trên 15 triệu đồng cũng vẫn rất khó khăn.
Từ đó, chị Báu đề xuất Hà Nội kiến nghị Trung ương điều chỉnh quy định cho phù hợp: "Nên nâng ngưỡng thu nhập được mua nhà xã hội lên 20 hoặc 25 triệu đồng/tháng để sát với thực tế người lao động ở đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM", chị Báu nói.
Tại hội nghị, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Xuân Đỉnh Vi Văn Thắng cũng cho biết, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đang gặp trở ngại do thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, không gian cho học tập kỹ năng và hoạt động trải nghiệm.
"Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giáo dục và sự an toàn của học sinh", anh Thắng nói và đề nghị thành phố có chính sách đầu tư đồng bộ cho các trường học nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và tạo niềm tin cho phụ huynh.
Liệu Hà Nội có thể áp dụng một cơ chế riêng?
Giải đáp các ý kiến của công nhân về vấn đề nhà ở, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương nhấn mạnh đây là những kiến nghị thiết thực và cấp bách.
Trong thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã đặc biệt quan tâm đến chính sách nhà ở cho công nhân. Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2030 của Thành phố đã nêu rõ chủ trương phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn này.
Theo đó, Thành phố đã giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội (nay là Ban Quản lý khu công nghệ cao và khu công nghiệp Hà Nội) phối hợp với Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội nghiên cứu, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động thuê gắn với các thiết chế công đoàn.
"Đề án đầu tư xây dựng nhà ở gắn với thiết chế công đoàn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, đặc biệt là việc xác định cụ thể nhu cầu nhà ở của công nhân hiện nay vẫn chưa có kết quả rõ ràng," ông Phương nêu.
Theo ông Phương, Sở Xây dựng không trực tiếp thực hiện công tác khảo sát nhu cầu, nhưng qua trao đổi với Ban Quản lý khu công nghệ cao và khu công nghiệp Hà Nội cho thấy, việc nắm bắt nhu cầu tại các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, chưa có cơ sở dữ liệu cụ thể.
"Việc phát triển nhà ở xã hội chậm trễ một phần có trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm và cam kết sẽ khắc phục trong thời gian tới. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã trình Quốc hội một số đề xuất tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, thủ tục, giao chủ đầu tư… để thúc đẩy phát triển loại hình nhà ở này," ông Phương nói và đề nghị Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp khảo sát, xác định rõ nhu cầu của công nhân lao động.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương giải đáp những thắc mắc của người dân về vấn đề nhà ở xã hội.
Liên quan đến quy định về điều kiện mức lương khi mua nhà ở xã hội, ông Phương nhấn mạnh đây là các quy định được quy định rõ trong Luật. Trong phạm vi thẩm quyền, Sở Xây dựng ghi nhận ý kiến và sẽ kiến nghị lên cấp có thẩm quyền để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Bổ sung về nội dung này, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, quy định về mức lương tối thiểu để mua nhà ở xã hội hiện đã được nêu rõ trong Luật. Tuy nhiên, ông đặt vấn đề: "Liệu Hà Nội có thể áp dụng một cơ chế riêng không?".
Theo đó, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh đề nghị Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội phối hợp với các cơ quan của Thành phố nghiên cứu, kiến nghị áp dụng cơ chế đặc thù theo Luật Thủ đô, từ đó có thể trình HĐND Thành phố Hà Nội ban hành nghị quyết riêng về nội dung này để hỗ trợ công nhân tiếp cận nhà ở xã hội một cách dễ dàng hơn.
"Thực tế có những doanh nghiệp đang trả lương cao hơn một chút, thậm chí thu nhập của công nhân có thể đạt 20 triệu đồng/tháng. Cần tính toán có hệ số K nào đó để họ vẫn đủ điều kiện mua nhà ở xã hội," ông Thanh nhấn mạnh và cho rằng đây là một kiến nghị rất đáng lưu ý trong bối cảnh đặc thù của Thủ đô.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
Về vấn đề nhà trọ cho công nhân, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, năm nay, Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội vượt chỉ tiêu được Thủ tướng giao. Tuy nhiên, cơ chế vận hành loại hình này hiện vẫn còn nhiều ràng buộc, chủ yếu là hình thức bán, thuê, cho thuê sơ cấp và thứ cấp, chưa linh hoạt.
Do đặc thù hình thành các khu công nghiệp từ trước, nhiều mô hình nhà trọ do người dân cung cấp dịch vụ thuê trọ cho công nhân vẫn tồn tại. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và an ninh trật tự, theo người đứng đầu UBND Thành phố, Nhà nước cần có cái nhìn bài bản hơn trong công tác quản lý và quy hoạch.
"Thành phố sẽ tiếp thu và có giải pháp mở hơn trong quy hoạch, phát triển nhà ở xã hội cũng như nhà ở cho thuê tại các khu công nghiệp, bảo đảm sát thực tiễn và đáp ứng nhu cầu thực tế của người lao động", Chủ tịch Hà Nội khẳng định.