Kiến nghị lập đề án thu hút vốn làm cao tốc, đường sắt tốc độ cao

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị cần có một đề án cụ thể về thu hút nguồn vốn trong nhân dân để phục vụ giai đoạn 2 dự án đường bộ cao tốc và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Các dự án cao tốc làm thay đổi vị thế của địa phương

Sáng 4/10, 200 doanh nhân tiêu biểu đại diện cho các thành phần, lĩnh vực của nền kinh tế, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp tham dự cuộc gặp mặt các đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.

Tại buổi gặp mặt, nhiều doanh nhân đã chia sẻ về hiệu quả và tính đúng đắn của chính sách đột phá hạ tầng giao thông vận tải trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Ảnh: VGP).

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Ảnh: VGP).

Góp ý với các chính sách của Chính phủ, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV Việt Nam) nhận định, việc đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công của Nhà nước, đặc biệt là hai siêu dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là hết sức cấp thiết để tạo nền tảng bứt phá cho các vùng, địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2026 và những năm tới.

Theo ông Thân, hiệu quả của các dự án đầu tư công được khẳng định rất rõ. Chẳng hạn như việc hoàn thành giai đoạn 1 dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã thực sự thay đổi căn bản vị thế của các địa phương, đem lại cơ hội thu hút đầu tư và việc làm cho doanh nghiệp, người lao động.

Còn bà Nguyễn Thị Phương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp WinCommerce - thành viên Tập đoàn Masan đánh giá cao sự chỉ đạo kịp thời, hỗ trợ nguồn lực của Chính phủ, đặc biệt là người đứng đầu Chính phủ nhằm tập trung đầu tư cao cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược trên khắp đất nước.

Đáng chú ý là việc hoàn thiện hạ tầng giao thông với hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.

Bà Nguyễn Thị Phương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp WinCommerce (Ảnh: VGP).

Bà Nguyễn Thị Phương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp WinCommerce (Ảnh: VGP).

"Với sự hỗ trợ từ hạ tầng giao thông hiện đại, đặc biệt là mạng lưới đường cao tốc sớm hoàn thiện và đi vào hoạt động, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa quy trình vận chuyển, giảm chi phí logistics và nâng cao tính cạnh tranh.

Chuỗi cung ứng hiệu quả này không chỉ bảo đảm nguồn cung thực phẩm ổn định mà còn giúp giảm bớt gánh nặng chi phí vận chuyển lên hàng hóa", bà Phương nói.

Trong phần kiến nghị với Chính phủ, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết chiến lược xây dựng hạ tầng du lịch, giao thông vận tải là yếu tố rất quan trọng với ngành du lịch.

Việc kết nối các điểm du lịch với nhau giữa các địa phương của Việt Nam và của Việt Nam với thế giới luôn rất quan trọng.

Bên cạnh đó, trong vận tải, ông cho rằng cũng nên tăng cường vận chuyển đường sông và đường biển để phục vụ phát triển du lịch.

Thu hút nguồn vốn để làm siêu dự án giao thông

Nhìn nhận sự quan trọng của hạ tầng giao thông vận tải, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết, nguồn vốn để thực hiện giai đoạn 2 của dự án đường bộ cao tốc và nghiên cứu triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, làm sao để các dự án đúng tiến độ, hiệu quả và đặc biệt là tiết kiệm chi phí hợp lý là một thách thức.

Toàn cảnh buổi gặp mặt (Ảnh: VGP).

Toàn cảnh buổi gặp mặt (Ảnh: VGP).

Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng xem xét, cần có một đề án cụ thể về thu hút nguồn vốn trong nhân dân để phục vụ hai dự án nêu trên, có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người dân tham gia.

"Đặc thù của doanh nghiệp và người dân Việt Nam là khi Tổ quốc, đất nước cần thì sẵn sàng ủng hộ hết mình", ông Thân khẳng định.

Tổng mức đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến khoảng hơn 67 tỷ USD.

Tổng mức đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến khoảng hơn 67 tỷ USD.

Bên cạnh đó, ông Thân cho rằng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn. Chính phủ có thể "đặt đề bài" cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài (để mua công nghệ, thuê chuyên gia...).

Một mặt sẽ tiết giảm chi phí rất lớn từ việc tham gia của cơ quan nhà nước trong tất cả các khâu, mặt khác sẽ gia tăng hiệu quả và tránh được rủi ro cho các nhà thầu.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/kien-nghi-thu-hut-nguon-von-trong-nhan-dan-de-lam-duong-sat-duong-cao-toc-bac-nam-192241004134906385.htm
Zalo