Kiến nghị gỡ loạt rào cản pháp lý gây khó cho doanh nghiệp thủy sản
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn số 117/CV-VASEP gửi Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú cùng một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Tư pháp phản ánh loạt vướng mắc pháp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản.
Công văn này phúc đáp văn bản số 3827/BTP-CLK/HPL ngày 30/4/2025 của Bộ Tư pháp, trong đó đề nghị các tổ chức đại diện doanh nghiệp tổng hợp các bất cập, xung đột, khoảng trống pháp luật ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh và đề xuất hướng xử lý.
Nội dung kiến nghị được VASEP chia theo ba nhóm tiêu chí mà Bộ Tư pháp hướng dẫn, trong đó đáng chú ý là hàng loạt quy định pháp luật gây gánh nặng chi phí tuân thủ, hạn chế đổi mới sáng tạo và phát triển động lực tăng trưởng mới.
Nhiều quy định "lệch pha" và khoảng trống pháp lý
Theo Phụ lục II đính kèm công văn, VASEP đã chỉ rõ 6 vướng mắc nổi bật đang gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp và ngư dân, trong đó phần lớn liên quan đến quy định về an toàn thực phẩm (ATTP), kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, thuế và thủ tục hải quan.
Nghị định 37/2024/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 26/2019/NĐ-CP) quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác với một số loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên; cấm trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu trong nước trong cùng một lô hàng xuất khẩu.

VASEP phản ánh nhiều vướng mắc nổi bật đang gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp và ngư dân.
VASEP cho rằng, các quy định này vừa thiếu định nghĩa rõ ràng, vừa chưa phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế. Việc cấm trộn nguyên liệu khiến doanh nghiệp buộc phải chia tách lô hàng, mất cơ hội hợp lý hóa logistics, thậm chí đánh mất khách hàng do bất tiện trong vận chuyển. Đồng thời, quy định về kích thước tối thiểu tạo ra áp lực lớn cho ngư dân khi phải thay đổi ngư cụ, ghi chép nhật ký khai thác và tìm nguyên liệu phù hợp.
Hiệp hội kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 37 trong tháng 7/2025, theo hướng hủy bỏ quy định về kích thước tối thiểu, thay bằng kiểm soát theo hạn ngạch và mùa vụ; bãi bỏ quy định cấm trộn nguyên liệu nhập khẩu và nội địa trong cùng lô hàng xuất khẩu.
VASEP cũng nêu rõ các khoảng trống pháp lý đang gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Điển hình như chưa có quy định về ngưỡng phát hiện tối thiểu của thiết bị xét nghiệm (MRPL) đối với kháng sinh cấm trong thủy sản, khiến sản phẩm đạt chuẩn EU nhưng không vào được hệ thống bán lẻ trong nước. Thiếu hướng dẫn kiểm tra ATTP khi hàng nhập khẩu thay đổi mục đích sử dụng sang tiêu thụ nội địa (và ngược lại);
Ngoài ra, không có quy định pháp lý để cấp Giấy chứng nhận khai thác đơn giản (C/C) cho sản phẩm ruốc biển, dẫn đến không thể xuất khẩu mặt hàng này sang châu Âu dù được EU chấp nhận hình thức chứng nhận đơn giản.
VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường sớm ban hành quy định hướng dẫn cấp Giấy C/C đơn giản, đồng thời tổ chức tập huấn cho địa phương và doanh nghiệp để tránh ách tắc khi thông quan ruốc biển – mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu cao nhưng chủ yếu được khai thác bằng thuyền nhỏ, ngoài hệ thống giám sát VMS.
Cần chính sách thống nhất và đồng bộ
Trong nhóm chính sách tài chính, thuế, VASEP đề xuất đưa nội dung "chế biến thủy sản" vào văn bản quy phạm pháp luật để thống nhất áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trên toàn quốc, thay vì chỉ viện dẫn công văn hướng dẫn.
Một điểm nghẽn khác là việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với rượu và phụ gia chứa cồn dùng để chế biến thực phẩm xuất khẩu. VASEP cho rằng việc buộc doanh nghiệp nộp trước TTĐB rồi mới được hoàn thuế vừa gây áp lực dòng vốn, vừa đi ngược chủ trương khuyến khích xuất khẩu.
Hiệp hội kiến nghị Bộ Tài chính miễn thuế TTĐB đầu vào cho rượu dùng trong chế biến hàng xuất khẩu; hoặc rút ngắn, đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế theo hướng hậu kiểm thay vì tiền kiểm.
VASEP nhấn mạnh, các khó khăn nêu trên không chỉ gây gánh nặng chi phí tuân thủ, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh nhiều nước đang áp dụng chính sách hỗ trợ, linh hoạt hóa chuỗi cung ứng.
Hiệp hội kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý và tham mưu sửa đổi các quy định pháp luật theo hướng rõ ràng, nhất quán và phù hợp thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững và tận dụng hiệu quả các cơ hội hội nhập.