Kiến nghị đưa nạn nhân của nô lệ tình dục vào mua bán người

Đại biểu kiến nghị, đối với các hành vi như sử dụng nạn nhân để làm thí nghiệm; nô lệ tình dục, hiến tạng, buộc phải đi ăn xin… cần được bổ sung vào khái niệm mua bán người.

Sáng 24/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Nhiều đại biểu cho rằng, cần bổ sung khái niệm mua, bán người để đảm bảo bao quát hơn.

Kiến nghị bổ sung hàng loạt hành vi vào mua bán người

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Lý Tiết Hạnh(đoàn Bình Định) cho hay, tình trạng mua bán người diễn ra với những hoạt động rất phức tạp, phạm vi rộng; không chỉ liên quan đến pháp luật Việt Nam mà còn liên quan đến các Cam kết, Công ước quốc tế. Qua nghiên cứu khái niệm mua bán người và có tham khảo các Nghị định thư về về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đại biểu cho rằng Nghị định thư đã liệt kê rất đầy đủ các hành vi, thủ đoạn, mua, bán người. Trong khi đó, dự thảo Luật mới chỉ liệt kê một số thủ đoạn phổ biến.

 Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định).

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định).

Đại biểu kiến nghị, đối với các hành vi đã rõ như: sử dụng nạn nhân để làm thí nghiệm; nô lệ tình dục, hiến tạng, hành vi bắt cóc, cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc gây mê; đầu độc nạn nhân, buộc nạn nhân phải đi ăn xin… cần được bổ sung vào khái niệm mua bán người để được đảm bảo bao quát hơn.

"Trong thực tế có rất nhiều hành vi biến tướng, núp bóng dưới nhiều hình thức, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi. Do đó, cần nhận diện để làm rõ các yếu tố phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ đầu sẽ hiệu quả hơn", đại biểu nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, trong từng điều, khoản luật cụ thể cần chú ý các quy định pháp luật nhằm làm rõ nội hàm về phòng ngừa, ngăn chặn; đồng thời rà soát các quy định pháp luật liên quan để sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật cho chặt chẽ và đồng bộ. Trong đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu cần có các quy định nhằm hạn chế thấp nhất việc lợi dụng, núp bóng những việc nhân văn, tốt đẹp nhưng thực chất đằng sau lại là thực hiện các hành vi mua, bán người.

Cấp thiết bổ sung hành vi mua bán thai nhi

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đồng tình với ý kiến của một số đại biểu Quốc hội và nhấn mạnh tính cấp thiết về việc xem xét bổ sung quy định liên quan đến hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ trong dự thảo luật.

 Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh).

Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh).

Đại biểu cho biết, theo các công ước quốc tế về quyền trẻ em, trẻ em bao gồm cả thai nhi cần được bảo vệ ngay từ khi còn trong bụng mẹ; việc mua bán thai nhi có thể xem là một hình thức vi phạm nghiêm trọng quyền con người và quyền trẻ em. Điều này đòi hỏi các quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam phải có những quy định pháp lý cụ thể để bảo vệ thai nhi khỏi các hành vi mua bán.

Việc tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình. Thai nhi mặc dù chưa sinh ra nhưng cần được bảo vệ như một con người với đầy đủ các quyền cơ bản.

"Việc mua bán thai nhi không chỉ là vi phạm quyền của thai nhi, mà còn là sự xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá con người", đại biểu nêu ý kiến.

Theo đại biểu, việc bổ sung hành vi này vào tội mua bán người sẽ thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của thai nhi, phù hợp với các giá trị đạo đức và nhân văn. Việc không có quy định rõ ràng sẽ tạo kẽ hở cho các thành viên mua bán thai nhi diễn ra, gây ra những hậu quả tiêu cực cho xã hội và cộng đồng. Việc bổ sung quy định này sẽ giúp ngăn ngừa, ngăn chặn từ xa các hành vi vô đạo đức và bảo vệ sự an toàn cho thai nhi và bà mẹ mang thai.

Đại biểu lo ngại hành vi mua bán thai nhi có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, vì vậy, việc bỏ sung quy định này giúp các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý để xử lý các vụ việc có liên quan… Mặc dù bổ sung quy định này là cần thiết, nhưng cũng cần chú ý đến những khó khăn khi thực thi, việc điều tra, thu thập chứng cứ và xác định hành vi phạm tội có thể gặp nhiều thách thức.

Do đó, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý, bảo đảm quy định rõ ràng, cụ thể và có tính khả thi cao. Đồng thời, tăng cường đào tạo, trang bị cho các cơ quan chức năng để thực thi luật hiệu quả và nghiêm minh.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định về việc mua bán thai nhi trong bụng mẹ vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng chống mua bán người. Điều này sẽ giúp luật bao quát và phản ánh đúng thực tế hơn; đồng thời tăng cường khả năng bảo vệ thai nhi và bà mẹ mang thai.

Cùng với đó, bổ sung điều khoản riêng biệt về mua bán thai nhi bao gồm các quy định cụ thể về hành vi mua bán thai nhi, các hình thức xử phạt và biện pháp bảo vệ. Điều này sẽ giúp các cơ quan chức năng dễ dàng áp dụng và thực thi luật; bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi vi phạm này.

Ngoài ra, cũng cần bổ sung nội dung về biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về quyền của thai nhi và bà mẹ mang thai; nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc mua bán thai nhi, giúp giảm thiểu các hành vi vi phạm và tạo một môi trường xã hội lành mạnh, bảo vệ tốt hơn cho thai nhi và bà mẹ mang thai.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/kien-nghi-dua-nan-nhan-cua-no-le-tinh-duc-vao-mua-ban-nguoi-2004287.html
Zalo