Kiến nghị các địa phương tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù sau sáp nhập

Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép các địa phương sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp sáng 19-5. Ảnh: Quochoi.vn

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp sáng 19-5. Ảnh: Quochoi.vn

Bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025 là 4.327,121 tỷ đồng

Sáng 19-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình về việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, tổng nhu cầu bổ sung dự án ngân sách nhà nước chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025 cho các cơ quan với số vốn là 4.327,121 tỷ đồng. Trên cơ sở các nội dung đã báo cáo, Chính phủ trình Quốc hội xem xét phê duyệt bổ sung dự toán ngân sách nhà nước chi thường xuyên (nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài) năm 2025 cho các cơ quan với số vốn là 4.327,121 tỷ đồng.

Trình bày Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, đa số ý kiến Ủy ban nhận thấy, qua Tờ trình của Chính phủ, việc bổ sung dự toán có nguyên nhân do phát sinh các dự án viện trợ mới sau thời điểm tổng hợp trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định tại thời điểm xây dựng dự toán năm 2025.

Căn cứ vào nhu cầu thực tế phát sinh, để bảo đảm hiệu quả, tiến độ triển khai dự án, Ủy ban nhất trí với phương án bổ sung dự toán cho các bộ, ngành, địa phương như đề xuất của Chính phủ.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp sáng 19-5. Ảnh: quochoi.vn

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp sáng 19-5. Ảnh: quochoi.vn

Trên cơ sở các ý kiến nêu trên, Ủy ban Kinh tế và Tài chính thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài là 4.327,121 tỷ đồng và bổ sung tương ứng dự toán chi thường xuyên năm 2025 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại là 4.327,121 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương như đề xuất.

Chính phủ chỉ đạo rà soát, chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, về nội dung đề xuất, bảo đảm sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

10 địa phương áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù

Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình. Ảnh: quochoi.vn

Tính đến nay, cả nước có 10 địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk (liên quan đến thành phố Buôn Ma Thuột), thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ đang được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù theo các luật, nghị quyết riêng của Quốc hội.

Thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TƯ, sẽ có 6/10 địa phương nêu trên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bao gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk (liên quan đến thành phố Buôn Ma Thuột), thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện dẫn đến thay đổi về ranh giới địa lý, phạm vi quản lý, địa vị pháp lý, quy mô dân số, tình hình phát triển kinh tế - xã hội... của các địa phương.

Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có quy định chuyển tiếp về việc tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù đang được thực hiện tại các địa phương thuộc diện sắp xếp nhằm đảm bảo tính liên tục, ổn định của quy định pháp luật, trong quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương này.

Từ phân tích trên, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép các địa phương sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh (gồm Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ) được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã cho phép thực hiện tương ứng tại các địa phương trước khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Đồng thời, cho phép các xã, phường mới tương ứng tại địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Đắk Lắk sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã cho phép thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: quochoi.vn

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra nội dung này. Trong đó, Ủy ban nhận thấy, trên thực tế, việc cho phép chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù tại các địa phương sau khi sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ đơn thuần là việc mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù tại một số địa phương, mà theo đó sẽ có liên quan đến nhiều mặt về kinh tế, ngân sách. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo chú trọng việc đánh giá tác động của chính sách bảo đảm giữ vững nguyên tắc cân đối thu chi theo đúng Luật Ngân sách nhà nước.

Đối với các thành phố áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù sáp nhập vào các tỉnh, cần xác định lại tỷ lệ điều tiết để hạch toán, phân chia ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, có ý kiến đề nghị đổi tên nội dung của Nghị quyết thành “... việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính tại một số địa phương theo chủ trương của Đảng, Nhà nước".

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/kien-nghi-cac-dia-phuong-tiep-tuc-thuc-hien-co-che-chinh-sach-dac-thu-sau-sap-nhap-702733.html
Zalo