Kiên Giang: Sở Du lịch phát huy tốt vai trò Cụm trưởng Liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng
Năm 2024 đánh dấu một năm thành công của ngành Du lịch tỉnh Kiên Giang trong vai trò Cụm trưởng Liên kết hợp tác phát triển du lịch Cụm phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong năm 2024, Cụm phía Tây ĐBSCL đã đón hơn 35,8 triệu lượt du khách, tăng 10,5% so với cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế đạt 1,4 triệu lượt, tăng 50,9%. Tổng doanh thu du lịch đạt trên 51 nghìn tỷ đồng, tăng 40,1%.
Sự tăng trưởng ấn tượng này không chỉ là kết quả từ nỗ lực của tổng thể ngành Du lịch mà còn khẳng định vai trò điều phối hiệu quả của Sở Du lịch Kiên Giang trong việc kết nối các tỉnh, thành trong khu vực.
Theo đồng chí Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương, vì vậy việc liên kết, hợp tác giữa các địa phương đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng góp phần tái cấu trúc và đưa du lịch tổng thể quay trở lại đà phát triển.
Hoạt động liên kết diễn ra trên nhiều mặt trận, từ quản lý Nhà nước, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch thông qua facebook, zalo, email, gặp gỡ trực tiếp tại các sự kiện, hội nghị, hội thảo du lịch đến xúc tiến, quảng bá du lịch. Các hoạt động như: Thẩm định, công nhận khu, điểm du lịch; xếp hạng cơ sở lưu trú; kiểm tra cơ sở vật chất, dịch vụ và quản lý lữ hành, hướng dẫn viên du lịch được thực hiện thường xuyên, đảm bảo tính đồng bộ cao.
Công tác xây dựng sản phẩm du lịch cũng là điểm nhấn quan trọng. Thông qua các hội chợ, sự kiện, các tỉnh, thành đã tích cực giới thiệu sản phẩm đặc trưng, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, xây dựng các tour, tuyến liên kết du lịch rất hiệu quả. Việc bình chọn điểm đến hấp dẫn do TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đồng tổ chức đã thu hút sự tham gia của 52 điểm đến từ 7 tỉnh trong Cụm phía Tây. Kết quả, 23 điểm đến lọt top 50 của toàn khu vực, trong đó, Cần Thơ 8 điểm, An Giang 3 điểm, Bạc Liêu 4 điểm, Kiên Giang 5 điểm, Cà Mau 1 điểm, Sóc trăng 2 điểm.
Các tỉnh, thành cũng đã phối hợp đồng tổ chức gian hàng chung tại các sự kiện lớn như: VITM Hà Nội, ITE HCMC, Lễ hội Hoa Ban Điện Biên, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ… Qua đó, hình ảnh du lịch ĐBSCL đã được quảng bá rộng khắp, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Các địa phương đã cùng nhau tham gia gian hàng chung để xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch, cũng như cùng nhau tham gia các sự kiện văn hóa, du lịch ở các địa phương khác...
Đồng chí Lê Trung Hồ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, chia sẻ: Cụm hợp tác phát triển du lịch phía Tây ĐBSCL được hình thành từ 4 tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm khu vực ĐBSCL từ năm 2009, khi đó có 4 địa phương là An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Cần Thơ, đến nay đã có 7 tỉnh, thành phố cùng tham gia.
Đây là những địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế phát triển du lịch với đồng bằng, sông rạch, đồi, núi, biển, đảo và hệ sinh thái rừng rất đa dạng. Những năm qua lĩnh vực du lịch đã được các địa phương quan tâm khai thác, nhiều khu, điểm du lịch được tổ chức quy hoạch, nhiều dự án du lịch được đầu tư mới đã góp phần tích cực vào sự phát triển du lịch chung của vùng cũng như cả nước.
Đồng chí Lê Trung Hồ, nhận định, việc thực hiện tốt chương trình liên kết hợp tác du lịch sẽ góp phần phát triển du lịch ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung từng bước phục hồi và phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương trong thời gian tới. Đây cũng là mục tiêu mà Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và các địa phương đang hướng tới và đã được Chính phủ chỉ đạo tại Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới...