Kiên Giang rộn ràng đón lễ hội 'có 1 không 2'ở miền Tây
Nhiều khách thập phương đến với lễ hội ở Kiên Giang đều có chung cảm nhận sự ấm áp, thiêng liêng và tấm lòng hiếu khách của người dân địa phương. 'Đây là lễ hội có 1 không 2 ở ĐBSCL.
Những ngày này, tại 2 thành phố Rạch Giá và Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang rộn ràng trong không khí lễ hội hoành tráng. Đó là lễ hội truyền thống kỷ niệm 156 năm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1968 - 2024) khai mạc tại TP Rạch Giá vào tối 28-9 (nhằm ngày 26-8 Nhâm Thìn).
Đây là lễ hội lớn nhất nhất của tỉnh được diễn ra hàng năm vào các ngày 26, 27 và 28- 8 (âm lịch), nhằm tưởng nhớ đến công lao và sự hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.
Ngay buổi lễ khai mạc, ông Nguyễn Lưu Trung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết lễ hội ngày càng mở rộng quy mô tổ chức ở các hoạt động phần hội, bên cạnh các lễ nghi truyền thống được tổ chức trang nghiêm, thành kính.
Đặc biệt, lễ hội kết nối với nhiều hoạt động có quy mô toàn quốc và khu vực, như: Sân khấu Không gian Đờn ca tài tử Nam bộ; triển lãm mỹ thuật khu vực VIII ĐBSCL; diễn đàn kết nối các sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL…
Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang, năm nay địa phương dự kiến đón hơn 1 triệu lượt khách về chiêm bái, thắp hương tưởng nhớ ông Nguyễn Trung Trực.
Để thể hiện lòng hiếu khách tham gia lễ hội, ban tổ chức tiếp nhận hơn 300 tấn rau củ quả, gạo, thức uống, chỗ ở, nghỉ ngơi miễn phí trên tinh thần thiện nguyện từ người dân và doanh nghiệp, đồng thời, làm nên những mâm cỗ chay đa dạng, đặc sắc để chiêu đãi bà con trong những ngày diễn ra lễ hội.
Đặc biệt, năm nay Nhà Thiếu nhi Kiên Giang bố trí 4 nhà thể thao đa năng, hội trường, các sảnh… để người dân, du khách nghỉ qua đêm, ưu tiên người già, phụ nữ, trẻ em.
Để góp phần tạo không khí vui tươi cho lễ hội, Nhà Thiếu nhi Kiên Giang tổ chức văn nghệ phục vụ người dân, du khách vào tối 28-9; phối hợp Tỉnh đoàn tổ chức liên hoan sân khấu thanh niên với chủ đề "Khí phách anh hùng dân tộc" nhằm ca ngợi Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại sân khấu Nhà Thiếu nhi Kiên Giang.
Cùng thời điểm, tại Phú Quốc, không khí lễ hội cũng không kém phần rộn ràng và trang nghiêm, được diễn ra trong 3 ngày tại xã Cửa Cạn - Khu căn cứ kháng chiến của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực và đình Nguyễn Trung Trực tại xã Gành Dầu.
Nhiều khách thập phương đến với lễ hội Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang đều có chung cảm nhận sự ấm áp, thiêng liêng và tấm lòng hiếu khách của người dân địa phương. "Đây là một lễ hội có 1 không 2 ở ĐBSCL, hàng năm chúng tôi vẫn đến đây là cảm nhận không khí rộn ràng, vui hơn cả ngày Tết"- chị Châu Minh Hạ đến từ TP HCM chia sẻ.