Kiên Giang đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Đề án 06

Việc triển khai đề án 'Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030' (Đề án 06) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật từ việc xây dựng hệ thống kết nối dữ liệu, tích hợp các dịch vụ công trực tuyến đến áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý và phục vụ người dân.

Xung quanh vấn đề này, Đại tá Nguyễn Nhật Trường (ảnh) - Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang cho biết: Đề án 06 của Chính phủ có phạm vi và tầm ảnh hưởng rộng lớn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực. Đề án đến nay đã triển khai gần 3 năm. Cùng lực lượng công an cả nước, với vai trò nòng cốt trong việc thực hiện Đề án 06, Công an tỉnh đã nỗ lực triển khai thực hiện và tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 671/QĐ-UBND, ngày 10-3-2022 về việc thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc triển khai Đề án 06, đồng thời ban hành quy chế hoạt động.

Hiện nay, tổ công tác Đề án 06 tại 15/15 cấp huyện, 144/144 cấp xã và 949/949 ấp, khu phố đều hoạt động ổn định. Điểm nổi bật của tỉnh là Phó Chủ tịch UBND tỉnh là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 06, sâu sát chỉ đạo các nhiệm vụ của Đề án 06 kịp thời, hiệu quả và càng ngày có nhiều tiến bộ.

Quá trình chỉ đạo đảm bảo nguyên tắc xuyên suốt 5-4-3-2-1 (5 nhóm “pháp lý - hạ tầng - an ninh an toàn - dữ liệu - nguồn lực”; 4 cấp “Trung ương - tỉnh - huyện - xã”; 3 tiện ích đem lại “văn minh xã hội - phát triển kinh tế - xã hội - phòng, chống tội phạm”; 2 việc “nhận thức đúng - giải pháp, sáng tạo, đột phá phù hợp thực tiễn địa phương”; 1 là trách nhiệm của người đứng đầu) và bám sát 8 nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho địa phương, trong thực hiện có phân công, phân cấp rõ ràng và thời gian, lộ trình hoàn thành cụ thể.

Kiên Giang là 1 trong 7 tỉnh, thành phố trọng điểm được Chính phủ chọn giao ban kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện hàng tháng, các cấp, ngành trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Đề án 06. Các nhiệm vụ trọng tâm của đề án cơ bản đạt được những kết quả tích cực, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Kết quả đến nay đạt được một số kết quả nổi bật sau:

Một, hoàn thành kết nối triển khai 2 dịch vụ công liên thông theo Nghị định 63/2024/NĐ-CP của Chính phủ: “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất” vào tháng 6-2024.

Hai, hoàn thành kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với hệ thống SSO - Bộ Công an, đảm bảo cho công dân sử dụng duy nhất 1 tài khoản VNeID để thực hiện dịch vụ công trực tuyến vào tháng 6-2024. Đến nay, toàn tỉnh đã kích hoạt được 1.089.170 tài khoản định danh điện tử, để dễ dàng thực hiện nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến qua ứng dụng VNeID. Tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 71,47%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 76,1%, xếp hạng 18/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ba, Phú Quốc là địa phương được chọn làm điểm triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, trong đó có nhiệm vụ triển khai thí điểm camera AI giám sát an ninh, trật tự trên địa bàn, qua thời gian chuẩn bị và tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan đã tổ chức lễ bấm nút vận hành vào ngày 8-11-2024.

Bốn, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đẩy nhanh tiến độ cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. Qua thời gian tích cực phối hợp với đơn vị nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, đến nay Kiên Giang kết nối thành công và triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trong tháng 11-2024.

Năm, quyết liệt triển khai nâng tỷ lệ sổ sức khỏe điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại trên ứng dụng VNeID. Đến ngày 18-11, Kiên Giang đã tích hợp 277.091 sổ sức khỏe điện tử, đạt 12,89%; 321.314 bảo hiểm y tế, đạt 14,94%; 12.823 giấy chuyển tuyến; 7.444 giấy hẹn khám lại trên ứng dụng VNeID.

Sáu, xung phong triển khai định danh tàu thuyền là mô hình đầu tiên trong cả nước.

- Phóng viên: Thời gian qua, Chính phủ đang quyết liệt triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp thông qua ứng dụng VNeID, vậy kết quả đạt được đến nay thế nào? Việc này mang lại lợi ích gì cho người dân và xã hội?

- Đại tá Nguyễn Nhật Trường: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, VNPT Kiên Giang tích cực phối phợp với cục nghiệp vụ thuộc Bộ Tư pháp triển khai các phần mềm dùng chung của Bộ Tư pháp thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID.

Qua quá trình kiểm tra thử nghiệm và trải nghiệm, đến ngày 13-11 Kiên Giang chính thức kết nối thành công và thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp thông qua ứng dụng VNeID. Tính đến ngày 18-11, tỉnh đã tiếp nhận 71 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID.

Cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Kiên Giang lấy dấu vân tay để thu nhận hồ sơ cấp căn cước cho công dân.

Cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Kiên Giang lấy dấu vân tay để thu nhận hồ sơ cấp căn cước cho công dân.

Việc người dân đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID mang lại nhiều lợi ích: Thứ nhất, với ứng dụng VNeID, người dân hoàn toàn chủ động trong việc yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, chỉ cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet, mọi thủ tục đều có thể được thực hiện nhanh chóng, tiện lợi, bất kể thời gian và địa điểm.

Thứ hai, khi đã hoàn thành các thủ tục đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp, có thể theo dõi được trạng thái xử lý của hồ sơ và nhận được kết quả giải quyết hồ sơ qua ứng dụng VNeID hoặc email, không phải chờ đợi hoặc đi lại để nhận kết quả.

Thứ ba, với hệ thống bảo mật an toàn và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, giúp thông tin cá nhân của người dân được bảo mật tuyệt đối.

Thứ tư, thanh toán phí trực tuyến mà không cần sử dụng tiền mặt.

Thứ năm, phiếu lý lịch tư pháp được cấp bằng bản điện tử có giá trị pháp lý như bản gốc phiếu lý lịch tư pháp bản giấy. Phiếu lý lịch tư pháp bản điện tử có thể được sử dụng nhiều lần để thực hiện các thủ tục hành chính khác mà không cần phải cung cấp bản giấy. Mục tiêu là doanh nghiệp, cơ quan chấp nhận phiếu lý lịch tư pháp điện tử.

- Phóng viên: Tỉnh có kế hoạch gì để tiếp tục thúc đẩy và hoàn thiện việc triển khai đề án trong giai đoạn tiếp theo?

- Đại tá Nguyễn Nhật Trường: Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06 trên địa bàn tỉnh trong năm 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, Công an tỉnh Kiên Giang tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tập trung triển khai Kế hoạch phối hợp số 400/KHPH-TCTTKĐA-BCĐ ngày 14-11-2024 của Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh và tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ về triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm Đề án 06 trên địa bàn TP. Phú Quốc. Đây là nhiệm vụ hoàn toàn mới, trong đó có phân cấp ủy quyền cho TP. Phú Quốc thực hiện tiếp nhận các thủ tục hành chính do cấp tỉnh thực hiện, do vậy cần có sự hỗ trợ tích cực của các sở, ngành để Phú Quốc hoàn thành nhiệm vụ theo lộ trình của đề án.

Thứ hai, Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những ứng dụng, hiệu quả thiết thực của việc triển khai đề án vào thực tiễn; kịp thời biểu dương, nhân rộng điển hình những tập thể, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện đề án nhằm tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân.

Thứ ba, duy trì họp giao ban định kỳ hàng tháng để kiểm điểm, đánh giá tiến độ kết quả thực hiện nhiệm vụ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các sở, ngành trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.

Thứ tư, nâng tỷ lệ số hóa dữ liệu lịch sử hộ tịch, dữ liệu đất đai nhằm phục vụ cắt giảm các giấy tờ trong giải quyết thủ tục hành chính.

- Phóng viên: Cảm ơn ông!

TÂY HỒ - TÚ QUYÊN thực hiện

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/dan-hoi-chinh-quyen-tra-loi/kien-giang-day-manh-viec-trien-khai-thuc-hien-de-an-06-23290.html
Zalo