Kiên định với mục tiêu bền vững là lời giải với thách thức khi tiến hành chuyển đổi xanh

Ngày 12/11, Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo 'Tiên phong Chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn'. Trong phiên thảo luận Dẫn đầu xu thế, các doanh nghiệp tiên phong tại nhiều lĩnh vực đã chia sẻ về hành trình tiên phong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số tại doanh nghiệp.

Bà Lê Thị Hồng Na, Giám đốc Chiến lược về Phát triển Bền vững, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang cho biết, ngay từ những ngày đầu hình thành, Công ty đã định hình là thương hiệu bất động sản xanh chuẩn mực quốc tế, dẫn đầu tại Việt Nam đến năm 2035 và hiện vẫn đang theo lộ trình này.

“Là doanh nghiệp phát triển bất động sản nên các sản phẩm của chúng tôi dù ở loại hình nào, công trình đơn lẻ, sản phẩm thấp tầng hay khu đô thị, đều theo tiêu chuẩn công trình xanh trong và ngoài nước. Trong giai đoạn đầu, chúng tôi gặp nhiều khó khăn về nhân sự, không chỉ là nhân sự nội bộ mà còn là các đối tác, bạn đồng hành để tạo ra các công trình xanh và nhiều khó khăn về kỹ thuật, thị trường, công nghệ, tài chính, chính sách…”, bà Lê Thị Hồng Na chia sẻ.

Bà Lê Thị Hồng Na, Giám đốc Chiến lược về Phát triển Bền vững, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang phát biểu tại Hội thảo

Bà Lê Thị Hồng Na, Giám đốc Chiến lược về Phát triển Bền vững, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang phát biểu tại Hội thảo

Thách thức là hiện hữu, mọi doanh nghiệp đều phải đối diện, nhưng theo bà Na, một trong những giải pháp của doanh nghiệp chính là kiên định với mục tiêu phát triển bền vững.

“Phúc Khang có được một số thuận lợi nhất định, đó là ngay từ những ngày đầu tiên đã theo đuổi phát triển bền vững, xây dựng các công trình xanh nên dễ tiếp cận với các tổ chức tài chính, nguồn tín dụng xanh. Chúng tôi mong muốn không chỉ mang tới những sản phẩm hiện hữu là công trình xanh mà còn lan tỏa lối sống xanh, xây dựng cộng đồng xanh và vẫn kiên định với mục tiêu này trong 15 năm qua”, bà Na cho biết thêm.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Quản trị chiến lược Nguồn nhân lực, Truyền thông Đối ngoại và Phát triển bền vững, AEON Việt Nam chia sẻ, đặc điểm của ngành bán lẻ với nguồn nhân lực đông đảo và đa dạng về chuyên môn đặt ra nhiều thách thức trong triển khai các hoạt động phát triển bền vững.

“Xây dựng nguồn nhân lực là một phần không thể thiếu trong chiến lược bền vững về con người, giúp doanh nghiệp hoạch định và hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững. Nguồn nhân lực chính là tài sản giá trị giúp doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn liên quan đến phát triển bền vững, đồng thời góp phần gia tăng vị thế cạnh tranh của AEON trên thị trường bán lẻ Việt Nam”, bà Huệ cho biết.

Việc đặt nguồn nhân lực ở vai trò gắn kết giá trị và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho AEON Việt Nam. Sự hài hòa giữa mục tiêu cá nhân và văn hóa doanh nghiệp là yếu tố giúp mỗi nhân viên AEON cảm thấy muốn gắn kết và cống hiến nhiều hơn cho Công ty, từ đó nâng cao hiệu suất lao động, đảm bảo quá trình vận hành ổn định của doanh nghiệp.

Nguồn nhân lực bền vững còn kích thích khả năng sáng tạo các giải pháp mới, thúc đẩy sự đổi mới trong quy trình và sản phẩm, cho phép AEON nhanh chóng thích nghi trước những thay đổi về nhu cầu khách hàng và sự chuyển dịch của môi trường kinh doanh. Những lợi thế này giúp AEON Việt Nam đạt mục tiêu mở thêm 3 trung tâm mua sắm mới trong năm 2024.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Quản trị chiến lược Nguồn nhân lực, Truyền thông Đối ngoại và Phát triển bền vững, AEON Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Quản trị chiến lược Nguồn nhân lực, Truyền thông Đối ngoại và Phát triển bền vững, AEON Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Bà Huệ cho biết, bền vững về con người là một trong 3 trụ cột chính trong chiến lược phát triển bền vững của AEON Việt Nam, bên cạnh 2 trụ cột khác là bền vững về môi trường và bền vững về xã hội. Việc kiên định với chiến lược phát triển bền vững là điểm tựa cho sự tăng trưởng trong tương lai và cũng giúp doanh nghiệp vượt qua những thời điểm khó khăn, ví dụ giai đoạn đại dịch.

Đại dịch Covid là một bước ngoặt lớn, vừa là áp lực vừa là động lực cho các nhà bán lẻ. AEON cũng tận dụng được những cơ hội mới để mang lại lợi ích cho khách hàng khi khách hàng có thêm trải nghiệm mới với những nền tảng khác bên cạnh việc đến các trung tâm mua sắm.

"Một điểm mà AEON đang phát triển để gia tăng sự cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử đó là cung cấp và vận chuyển mặt hàng tươi sống đảm bảo chất lượng, đồng thời tích hợp hệ thống để khách hàng có thể tận dụng những điểm tích lũy tại AEON trong toàn bộ hệ sinh thái và đối tác của AEON. Chúng tôi coi đây là một thách thức để có thể biến thành cơ hội, giúp AEON đi nhanh hơn trong thời gian tới.

Ngoài ra, giữa áp lực cạnh tranh giảm phí logistics, AEON cũng đã có chiến lược giảm phí logistics bằng việc phát triển các sản phẩm riêng của AEON như sản phẩm nông sản kết hợp với các nhà sản xuất địa phương, vừa sử dụng cho siêu thị trong nước và có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Đây cũng là một cách để phát triển logistics xanh, nằm trong kế hoạch 5 năm tới của AEON tại Việt Nam”, bà Huệ chia sẻ.

Lam Phong

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/kien-dinh-voi-muc-tieu-ben-vung-la-loi-giai-voi-thach-thuc-khi-tien-hanh-chuyen-doi-xanh-post357896.html
Zalo