Kiên cố hóa công trình thủy lợi phục vụ sản xuất

Trên địa bàn huyện Phú Lương hiện có 173 công trình thủy lợi, trong đó tỉnh quản lý 28 công trình, huyện quản lý 145 công trình. Để đáp ứng nhu cầu nước tưới cho trên 3.200ha lúa, 1.350ha rau màu và hơn 4.100ha chè, địa phương đã huy động các nguồn lực đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp nhiều công trình thủy lợi.

Hồ Ao Vả (thuộc xóm Kẻm, xã Yên Đổ) vừa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa với tổng kinh phí trên 900 triệu đồng.

Hồ Ao Vả (thuộc xóm Kẻm, xã Yên Đổ) vừa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa với tổng kinh phí trên 900 triệu đồng.

Trong hai năm 2020-2024, huyện Phú Lương đã đầu tư kiên cố hóa được trên 30km kênh mương nội đồng; xây mới, sửa chữa, nâng cấp 32 công trình thủy lợi, với tổng nguồn vốn đầu tư trên 103 tỷ đồng.

Điển hình là các công trình: Sửa chữa đập dâng xóm Kim Lan, xã Yên Lạc; sửa chữa hồ Ao Cả, xã Yên Lạc; kiên cố hóa tuyến kênh xóm Đồng Nghè 1, xã Động Đạt, tuyến kênh trạm bơm Bến Móc, xã Cổ Lũng, tuyến kênh xóm Na Mọn, xã Phủ Lý…

Hồ Ao Vả và Ao Mon, xã Yên Đổ, là 2 trong số các công trình thủy lợi lớn trên địa bàn huyện Phú Lương. Cả 2 hồ đều được xây dựng từ trước năm 1980 nên gần đây thân đập đã bị rò rỉ, không đảm bảo tích trữ nước trong mùa mưa và nước tưới trong mùa khô để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trước thực trạng trên, năm 2024, UBND huyện Phú Lương đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đầu tư trên 1,7 tỷ đồng để xây kè đập, đường vận hành, mương dẫn nước tại 2 hồ này.

Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Đổ, cho biết: Được các cấp, ngành chức năng của tỉnh và UBND huyện quan tâm, năm 2024, xã Yên Đổ được đầu tư nâng cấp, sửa chữa hồ Ao Vả và Ao Mon, từ đó đáp ứng nhu cầu nước tưới cho gần 40ha lúa và hoa màu, chủ yếu ở xóm Kẻm, xóm Khe Nác và một số xóm lân cận.

Ngoài 2 công trình trên, từ năm 2020 đến nay, địa phương cũng được đầu tư xây dựng hồ Ao Giàng (xóm Gốc Vải), hồ Khe Ngang (xóm Thanh Đồng) và gần 2.000m kênh mương nội đồng, với tổng mức đầu tư trên 3,5 tỷ đồng. Các công trình phục vụ nước tưới cho 433ha đất sản xuất nông nghiệp ở 15 xóm trong xã.

Còn tại xã Động Đạt, hiện nay, UBND huyện Phú Lương đang giao UBND xã trực tiếp quản lý, khai thác 10 công trình thủy lợi và gần 50km kênh mương, chủ động nước tưới cho 1.033ha đất nông nghiệp (đạt tỷ lệ 92%). Các công trình thủy lợi đảm bảo điều kiện khai thác và vận hành, được sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên.

Tuyến mương thuộc xóm Đồng Nghè 1 (xã Động Đạt, Phú Lương) vừa được đầu tư xây mới với kinh phí 800 triệu đồng.

Tuyến mương thuộc xóm Đồng Nghè 1 (xã Động Đạt, Phú Lương) vừa được đầu tư xây mới với kinh phí 800 triệu đồng.

Ông Đoàn Xuân Đăng, Bí thư Chi bộ xóm Đồng Nghè 1, xã Động Đạt, thông tin: Hiện nay, tỷ lệ mương bằng đất của xóm vẫn chiếm đến 50%. Qua kiến nghị của cử tri, xóm Đồng Nghè 1 được Nhà nước quan tâm, bố trí kinh phí 800 triệu đồng để xây dựng tuyến mương dẫn nước dài 250m, chiều rộng 1m, sâu 1,2m. Qua đó đảm bảo nước tưới cho 10ha lúa và cây màu trên địa bàn xóm. Chúng tôi mong Nhà nước tiếp tục quan tâm, cứng hóa những đoạn mương đất bị sạt lở, góp phần tiết kiệm nguồn nước tưới, giúp bà con chủ động sản xuất trong từng mùa vụ.

Các công trình thủy lợi được đưa vào khai thác, sử dụng đã giúp bà con nông dân tăng hệ số sử dụng đất. Ngoài cấy 2 vụ lúa, người dân còn thâm canh tăng vụ với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như hoa, rau màu…

Đặc biệt, nhờ chủ động được nguồn nước tưới, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất lúa tập trung ở các xã: Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành…

Cũng nhờ có các công trình thủy lợi được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, một số vùng chè nổi tiếng của huyện như Phú Đô, Vô Tranh, Tức Tranh… bà con đã không còn phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên, tập trung sản xuất chè vụ đông, nâng số lứa thu hoạch từ 6 lên 8 lứa/năm. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt của huyện năm 2024 đạt 122 triệu đồng/ha (tăng 5,3 triệu đồng/ha so với năm 2023).

Mặc dù nhiều công trình thủy lợi đã được đầu tư, nâng cấp, tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, trên địa bàn huyện Phú Lương vẫn còn một số công trình xuống cấp do được đầu tư đã lâu, trong khi kinh phí duy tu, sửa chữa còn hạn hẹp, nên chưa đảm bảo cung cấp nước tưới cho một phần diện tích đất nông nghiệp.

Ông Nhâm Văn Núi, Phó Chủ tịch UBND xã Động Đạt, cho hay: UBND xã đã đề xuất cấp trên rà soát, bố trí kinh phí cho địa phương để nâng cấp, sửa chữa, làm mới những công trình xuống cấp nhằm đáp ứng nhu cầu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương: Thời gian tới, Phòng tiếp tục rà soát, tham mưu với UBND huyện đầu tư nâng cấp, xây dựng các công trình thủy lợi bị xuống cấp như hồ Ao Bún (xã Yên Đổ), hồ Thẩm Ném (xã Yên Trạch)… cùng với đó là kiên cố hóa một số tuyến mương trên địa bàn, đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho các cánh đồng, từ đó nâng cao sản lượng trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Đồng thời phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong quản lý, sử dụng các công trình thủy lợi sao cho các công trình phát huy tối đa công năng, giá trị sử dụng.

Vi Vân

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202501/kien-co-hoa-cong-trinh-thuy-loi-phuc-vu-san-xuat-3e32aec/
Zalo