Kiểm tra hiện trường đảm bảo ATGT đường sắt Bắc - Nam qua huyện Phú Lộc
Sáng 2/10, Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết vừa có văn bản báo cáo UBND tỉnh việc kiểm tra hiện trường công tác đảm bảo ATGT đường sắt qua huyện Phú Lộc.
Trước đó, Thường trực Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế cùng Sở GTVT, Phòng tham mưu Công an tỉnh, Phòng Quản lý an toàn đường sắt II - Cục Đường sắt Việt Nam, Phòng CSGT Công an tỉnh, Ban ATGT huyện Phú Lộc và các đơn vị ngành đường sắt đóng trên địa bàn đã tiến hành kiểm tra hiện trường về công tác bảo đảm ATGT tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn huyện Phú Lộc trước mùa mưa bão năm 2024.
Tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có chiều dài hơn 111km, đặc biệt là khu gian Thừa Lưu - Lăng Cô thuộc huyện Phú Lộc là khu vực có địa hình đồi núi, bình diện đường sắt có nhiều đường cong bán kính nhỏ, trái chiều liên tiếp nhau; tại ga Lăng Cô có các bộ ghi cũ, tang ghi lớn, chiều dài ghi ngắn (ghi N10).
Từ ngày 28/7 đến nay, tuyến đường sắt qua địa bàn huyện Phú Lộc đã xảy ra 6 sự cố tàu bị trật bánh, trong đó có 4 vụ toa xe bị trật bánh và 2 vụ trật bánh đầu máy tàu hàng.
Theo Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế, các sự cố trên chưa gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng chắc chắn phải có nguyên nhân cụ thể.
Do đó, Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam quan tâm, xem xét chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm giải quyết vấn đề trên nhằm đảm bảo ATGT đường sắt.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã xác định nguyên nhân vụ tai nạn tàu trật bánh toa xe được xác định do cộng hưởng các yếu tố bất lợi của chủng loại toa xe giá chuyển hướng lò xo không khí có cự ly trục bánh xe lớn (2.200mm), khi đoàn tàu chạy qua ghi có tang lớn (Tg 0,15, là loại ghi cũ lạc hậu) ở tốc độ thấp, thời gian lực dẫn hướng tăng kéo dài dẫn đến bánh xe dẫn hướng bám má bánh xe tác dụng leo ray gây trật bánh.
Để nâng cao công tác đảm bảo an toàn, Tổng công ty ĐSVN đã yêu cầu Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên cũng như các công ty cổ phần đường sắt chủ trì phối hợp với các chi nhánh khai thác đường sắt tổ chức rà soát các bộ ghi có yếu tố bất lợi (tang ghi lớn), đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét sớm cải tạo, thay thế.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan cũng triển khai nhiều giải pháp để ngăn ngừa tàu trật bánh, trước mắt cho tàu chạy chậm tại những đoạn đường sắt đang sửa chữa; đồng thời kiểm tra những vị trí xung yếu, trường hợp có phát sinh bất thường sẽ tổ chức sửa chữa kịp thời.
Bên cạnh đó, các chi nhánh khai thác đường sắt căn cứ kết quả rà soát, phối hợp, thống nhất với các công ty cổ phần đường sắt để xây dựng các biện pháp đảm bảo an toàn chạy tàu, hạn chế tối đa việc tổ chức đón gửi, dồn tàu khách có toa xe sử dụng giá chuyển hướng lò xo không khí qua hướng rẽ các bộ ghi có thông số kỹ thuật như trên…