Kiểm tra, giám sát chặt chẽ khai thác cát phục vụ thi công cao tốc qua Sóc Trăng
Việc kiểm tra, giám sát quá trình khai thác cát luôn được lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đặc biệt quan tâm. Điều này, thể hiện rõ quan điểm của lãnh đạo tỉnh là cát khai thác từ các mỏ cát đã cấp phép phải được sử dụng đúng mục đích.
Dự án thành phần 4 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 (đoạn qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng) có tổng chiều dài tuyến khoảng 58,37km. Tổng mức đầu tư theo báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt trên 11.960 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng hơn 8.551 tỷ đồng, còn lại là các chi phí khác. Thời gian thực hiện dự án cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến trong năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Theo đơn vị chủ đầu tư, nhu cầu sử dụng cát của dự án khoảng 6,6 triệu m3, phải thực hiện đắp gia tải hoàn thiện từ nay đến hết tháng 6/2025 mới đảm bảo cơ bản hoàn thành dự án trong năm 2026, tương ứng trung bình mỗi ngày dự án phải huy động 22.000m3 cát. Hiện nay, UBND tỉnh đã giao 5 mỏ cát sông cho dự án để lập thủ tục theo cơ chế đặc thù. Hiện có 2/5 mỏ đã được khởi công khai thác. Mới đây, để xem việc khai thác, vận chuyển cát đến công trình như thế nào, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có chuyến khảo sát tại các mỏ cát MS03 thuộc xã Nhơn Mỹ (huyện Kế Sách), đây là mỏ cát được UBND tỉnh cấp bản xác nhận khai thác để làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, do Tổng Công ty Xây dựng số 1 - CTCP làm chủ đầu tư khai thác theo cơ chế đặc thù để sử dụng cho Gói thầu số 12.
Theo báo cáo, mỏ cát MS03 có diện tích khoảng 53,9ha, trữ lượng được phép khai thác là 466.268m3 trong thời gian 7 tháng (trung bình khoảng 2.695m3/ngày). Hiện nay, đơn vị khai thác đạt sản lượng khoảng 1.200m3/ngày, đạt 40% công suất được cấp phép trong ngày. Với thực trạng khai thác nêu trên, đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, đơn vị nhà thầu khai thác mỏ cát này còn thiếu thiết bị khai thác, thiếu phương tiện vận chuyển cát, dẫn đến sản lượng cát phục vụ cao tốc tại tỉnh Sóc Trăng đạt khá thấp so với sản lượng được cấp phép. Do đó, đề nghị đơn vị khai thác mỏ cát MS03 tăng cường các phương tiện hút cát và tàu vận chuyển cát đến cao tốc; đồng thời, các phương tiện tham gia khai thác, vận chuyển cát phải có đăng ký, đăng kiểm và thiết bị giám sát đầy đủ, cố gắng đưa cát nhanh và đầy đủ về cao tốc.
Cũng tại huyện Kế Sách, lãnh đạo tỉnh cùng các đơn vị có liên quan đã đến kiểm tra tình hình khai thác cát tại mỏ cát MS01 thuộc các xã: Phong Nẫm, An Lạc Tây. Theo đó, mỏ cát này có diện tích khoảng 34ha, trữ lượng cát được phép khai thác khoảng 1,18 triệu m3 (khai thác đến năm 2028). Công suất khai thác tối đa là 1.093m3/ngày. Hiện nay, nhà thầu đã bố trí các tàu vận chuyển với công suất vận chuyển tối đa 1.600m3/ngày. Đảm bảo đủ tàu để vận chuyển toàn bộ cát khai thác được từ mỏ MS01 về công trình. Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu ghi nhận và đánh giá cao đơn vị khai thác đã trang bị đầy đủ các phương tiện khai thác và vận chuyển nên sản lượng cát khai thác đảm bảo đúng trữ lượng được cấp phép. Đồng thời yêu cầu đơn vị tiếp tục duy trì việc khai thác sản lượng đã được cấp phép để dự án cao tốc đi qua địa bàn tỉnh được đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu sở, ban ngành cần quan tâm tăng cường kiểm tra, giám sát chủ đầu tư thực hiện khai thác cát phải tuân thủ đúng theo những quy định của pháp luật. Trong quá trình khai thác, cần quan tâm đến việc sạt lở bờ sông, tránh ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng cùng các sở, ngành chức năng có liên quan đã tăng cường công tác kiểm tra khai thác, vận chuyển nhằm đảm bảo lượng cát cung cấp cho dự án cao tốc không bị thất thoát. Đồng chí Ngô Thái Chân - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết: “Mục tiêu lớn nhất của các đợt kiểm tra là nhằm xem việc khai thác cát của nhà thầu có đảm bảo thông suốt hay không; cát có đủ nguồn cung cấp cho cao tốc hay không. Qua đó, ngành chức năng có liên quan kiểm tra công tác vận chuyển của các đơn vị khai thác, trên đường vận chuyển cát có đến được công trình hay không, có bị thất thoát hay không; không để tiêu cực trong việc khai thác, vận chuyển cát xảy ra, để đảm bảo nguồn cát cung ứng đủ cho các dự án trọng điểm quốc gia”.
Cũng theo đồng chí Ngô Thái Chân, hiện nay, mặc dù địa phương đang rất cần nguồn cát phục vụ dự án cao tốc, nhưng tỉnh cũng chỉ quy hoạch những nơi khai thác không nằm trong các vùng sạt lở; không nằm trong vùng mà tỉnh công bố sạt lở; những mỏ ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao thì cũng đã có quyết định đóng cửa mỏ, không thực hiện khai thác.
Song song đó, việc giám sát cộng đồng tại mỏ khai thác cát ở huyện Kế Sách được thực hiện rất tốt. Tại mỗi mỏ cát đều được bố trí 1 người dân hằng ngày cùng đơn vị khai thác kiểm tra việc khai thác cát, số lượng khai thác để công bố cho người dân nắm và số liệu đó được công bố hằng ngày, mỗi ngày khai thác bao nhiêu, không được khai thác vượt mức. Về chế độ cho người dân giám sát việc khai thác cát, địa phương tận dụng các nguồn kinh phí xã hội hóa. Mỗi ngày, người dân tham gia giám sát việc khai thác cát được hỗ trợ tương đương ngày công lao động đối với người dân ở trên bờ… Cách làm này đã tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của bà con địa phương.
Ông Đoàn Văn Thoại, ấp Phong Hòa, xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách cho biết: “Trong thời gian ra xà lan xem đơn vị khai thác cát, tôi nhận thấy đơn vị chủ đầu tư khai thác cát đúng theo quy định, trữ lượng được khai thác trong ngày và sau mỗi chuyến ra giám sát về tôi đều thông tin đến người dân trong khu vực nên họ rất an tâm”.
Ngoài nguồn tài nguyên cát sông, trên địa bàn tỉnh còn có nguồn tài nguyên cát biển rất phong phú và tỉnh đã cấp bản xác nhận cho nhà thầu tiến hành khai thác. Trong chương trình khảo sát tình hình khai thác, vận chuyển cát vào những ngày thượng tuần tháng 9/2024 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu cùng lãnh đạo các sở, ngành và các địa phương có liên quan đã đến kiểm tra khu vực chuyển tải và sang mạn cát biển thuộc địa bàn xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung.
Ông Lưu Quang Trường - Cán bộ quản lý khai thác Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C, đại diện chủ mỏ khai thác mỏ Cát biển B1 thuộc Tiểu khu B1.1 và B1.2 của tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Hiện đơn vị đang huy động 17 thiết bị khai thác tại khu mỏ, tổng công suất là 25.000m3 đối với những ngày thời tiết tốt. Công ty đã huy động được 140 phương tiện vận chuyển cát về các dự án đảm bảo chu trình vận chuyển và khai thác đảm bảo việc luân chuyển hằng ngày để đảm bảo cát về công trường. Tất cả các thiết bị trước khi khai thác, vận chuyển đều lắp đặt định vị để theo dõi đúng quy trình, đúng luồng tuyến đi, đúng thời gian khai thác; riêng các tàu hút thì được trang bị thêm camera giám sát để có thể trích xuất dữ liệu bất kỳ lúc nào nhằm xem việc khai thác cát có đúng tọa độ, đúng thời gian quy định từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều hằng ngày hay không. Bên cạnh đó, mỗi tàu vận chuyển cát trước khi đến công trường dự án sẽ phải qua các lần kiểm tra độ mặn và kết quả đều được báo cáo đến ngành chức năng của các địa phương. Hiện đơn vị đã huy động thêm phương tiện, thiết bị khai thác để kịp cho nhu cầu về cát san lấp của các dự án cao tốc”.
Thời gian gần đây, sau khi đưa vào khai thác một số mỏ cát sông, cát biển, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt trong kiểm tra, giám sát khai thác cát. Tỉnh lập 2 tổ giám sát khai thác nguồn cát sông và cát biển để tránh thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản, làm sao nguồn cát trên địa bàn tỉnh phải được sử dụng đúng mục đích phục vụ các công trình trọng điểm và dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh và trong khu vực. Qua các chuyến khảo sát, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu đề nghị các đơn vị khai thác mỏ cát trên sông phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tăng cường các phương tiện hút cát và tàu vận chuyển cát đến cao tốc. Đồng thời, các phương tiện tham gia khai thác, vận chuyển cát sông cũng như cát biển phải có đăng ký, đăng kiểm, có thiết bị giám sát đầy đủ, nhằm góp phần đảm bảo việc khai thác cát đúng theo trữ lượng giấy phép đã được cấp. Tàu vận chuyển và tàu hút cát biển phải lắp định vị để tổ công tác liên ngành về khai thác cát biển của tỉnh theo dõi được hành trình quản lý hoạt động khai thác cát biển và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, đơn vị khai thác cát biển phải có trách nhiệm thông tin kịp thời về tình hình độ mặn của cát biển khi đến công trình để làm cơ sở kiến nghị đến Chính phủ cho khai thác cát biển phục vụ các dự án tại các nơi có độ mặn tương đồng.