Kiểm tra đột xuất, ngăn thực phẩm bẩn dịp cận Tết
Khi tết Nguyên đán cận kề, nạn thực phẩm bẩn càng thêm nhức nhối, đòi hỏi lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Nguy cơ mất an toàn thực phẩm
Ngày 7/1, lực lượng liên ngành phát hiện tại cơ sở sơ chế, kinh doanh thực phẩm đông lạnh Minh Quý (thôn Làng Kim 1, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) có hàng loạt vi phạm như: Bảo quản kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng; sơ chế, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với hoạt động sơ chế đóng gói thực phẩm; khu vực sản xuất có động vật, côn trùng...
Tổng khối lượng hàng hóa vi phạm khoảng 3,27 tấn gồm: Nầm, tràng, chân gà, thịt, đuôi trâu bò các loại với trị giá hơn 162,7 triệu đồng.
Chiều 9/1, cơ quan chức năng cũng thu giữ trên 10 tấn nội tạng động vật đông lạnh gồm: Sách bò, dạ dày bò, dạ dày lợn, trứng gà non không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Khu công nghiệp Quang Minh và 1 cơ sở kinh doanh tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đáng nói, nhiều sản phẩm đã xuất hiện dấu hiệu phân hủy, biến đổi màu sắc và bốc mùi hôi thối.
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội), thành viên Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm TP Hà Nội nhận định, thường thời điểm giáp Tết, thị trường thực phẩm lại sôi động, kéo theo nhiều nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Cùng đó, hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Trong đó, đáng lo ngại là mặt hàng thực phẩm tươi sống, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia không rõ nguồn gốc được tiêu thụ nhiều trong dịp này.
Kiểm soát từ cơ sở
Ông Đặng Thanh Phong cho biết, trong dịp Tết năm 2025, UBND TP Hà Nội đã có quyết định thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm. Theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm phải được công khai, nghiêm túc, không bao che, không sợ dư luận, không sợ làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
Ông Phong cho biết thêm, Hà Nội luôn chỉ đạo kiên quyết xử lý vi phạm ở mức cao nhất có thể vận dụng, áp dụng nhiều biện pháp như phạt tiền, tạm dừng hoạt động sản xuất đến khi nào cơ sở đó khắc phục được sai phạm.
Khi phát hiện cơ sở vi phạm, cơ quan chức năng yêu cầu chính quyền địa phương phải xử lý nghiêm, giám sát việc khắc phục và thẩm định đến khi nào đạt yêu cầu mới cho hoạt động trở lại.
"Đặc biệt, thành phố sẽ tái kiểm tra đột xuất để xác định chính quyền địa phương giám sát, xử lý vi phạm đến đâu và các cơ sở khắc phục ra sao.
Để công tác quản lý an toàn thực phẩm tiếp tục phát huy hiệu quả, ngay từ chính quyền cơ sở cần phải tăng cường kiểm tra thực tế và kiên quyết xử lý vi phạm, thay vì chỉ đôn đốc, nhắc nhở. Đồng thời, công khai cơ sở vi phạm để người dân biết, không sử dụng sản phẩm của những cơ sở này", ông Phong nói.
Bên cạnh việc kiểm soát từ lực lượng chức năng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra cảnh báo, tất cả thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản và chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đều có thể gây ngộ độc cho người sử dụng.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết, việc quan trọng nhất là người dân cần chủ động lựa chọn mua được thực phẩm an toàn, có xuất xứ, nhãn mác.
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ngộ độc thực phẩm thường đến từ 3 nguyên nhân chính là thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, virus) hoặc độc tố của vi sinh vật (độc tố vi khuẩn); thực phẩm bị nhiễm hóa chất; bản thân thực phẩm có độc (như cá nóc, gan cóc, trứng cóc, vỏ sắn, nấm độc, lá ngón…).
"Do tác nhân gây độc rất đa dạng, triệu chứng của ngộ độc thực phẩm cũng khá phong phú. Tùy vào loại nguyên nhân gây độc, triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện sớm sau vài giờ hoặc muộn trong một vài ngày.
Hầu hết triệu chứng của ngộ độc thực phẩm thường bắt đầu từ đường tiêu hóa như: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng quằn quại... xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí một ngày sau khi ăn.
Trong trường hợp diễn biến nặng, người bệnh có thể có biểu hiện bệnh phức tạp ngoài ở đường tiêu hóa như thần kinh, tim mạch, hô hấp... cần đến cơ sở y tế gần nhất. Đồng thời, lưu ý nên giữ lại thực phẩm nghi ngờ, bao gồm nhãn mác, thậm chí chất nôn của người bệnh để giúp việc xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm", BS Nguyên cho biết.