Kiểm toán Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV): Nhiều tồn tại quản lý đầu tư xây dựng

Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều tồn tại cần khắc phục trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2023 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Kiểm toán Nhà nước cho biết vừa công bố kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2023 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam năm 2023.

Báo cáo cho thấy, nhìn chung TKV và các đơn vị thành viên được kiểm toán hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) theo Luật Doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung điều chỉnh phạm vi hoạt động của doanh nghiệp; thực hiện quản lý tài chính và sản xuất kinh doanh theo Điều lệ tổ chức và hoạt động, Quy chế tài chính của TKV và các quy chế, quy trình, quy định nội bộ.

Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục.

Kê khai thuế chưa đầy đủ

Trong đó, đối với quản lý nợ phải thu, phải trả, TKV vẫn còn tình trạng nợ phải thu khó đòi, phải trích lập dự phòng tại 31/12/2023; một số trường hợp đối chiếu nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ; còn trường hợp chưa tuân thủ quy định nội bộ trong việc cho khách hàng nợ không có bảo lãnh ngân hàng; có đơn vị chưa ban hành quy chế quản lý nợ phải thu...

Về hàng tồn kho, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra vẫn còn có trường hợp tồn kho lâu ngày chưa sử dụng hết, tồn kho cao hơn so với quy định nội bộ; chưa tiêu thụ và thu hồi được vốn đối với hàng tồn kho đã kiến nghị từ các năm trước; kiểm kê kho than tồn kho nhưng không đồng thời lấy mẫu xác định chất lượng than tồn kho theo từng chủng loại.

Về chi phí, giá thành sản xuất kinh doanh, TKV cũng chưa ban hành đầy đủ các định mức kinh tế - kỹ thuật; chưa xây dựng, ban hành tỷ lệ hao hụt đối với công đoạn vận chuyển than theo từng loại phương tiện, độ ẩm thực tế áp dụng...

Về các khoản nộp ngân sách Nhà nước (NSNN), có đơn vị chưa kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng quà tặng; tính thiếu thuế thu nhập cá nhân; thiếu phí bảo vệ môi trường; chưa loại trừ một số khoản chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; tính thiếu thuế tài nguyên hoặc chưa kê khai quyết toán thuế tài nguyên theo quy định đối với một số loại khoáng sản...

Qua kiểm toán đã tăng thu ngân sách Nhà nước gần 119 tỷ đồng, giảm thuế GTGT được khấu trừ 33 triệu đồng, giảm giá trị thanh, quyết toán các dự án được kiểm toán hơn 2 tỷ đồng đồng và xử lý khác các dự án được kiểm toán gần 6 tỷ đồng…

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều tồn tại trong quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều tồn tại trong quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

Kết luận kiểm toán cũng chỉ rõ, về các khoản đầu tư tài chính dài hạn, Công ty mẹ TKV còn một số khoản đầu tư tài chính chưa và không hiệu quả (như khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa, Công ty liên doanh Alumina Campuchia - Việt Nam, Công ty TNHH Vinacomin Lào, Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê, Công ty LD Khoáng sản Steung Treng...). Tổng công ty Khoáng sản TKV - CTCP còn một số khoản đầu tư tài chính chưa chia cổ tức năm 2023 do lợi nhuận sau khi phân phối không đủ để chia cổ tức hoặc có lãi nhưng còn lỗ lũy kế.

Nhiều tồn tại quản lý đầu tư xây dựng

Về khai thác tài nguyên khoáng sản, vẫn còn trường hợp trữ lượng thực tế khai thác chênh lệch tăng so với trữ lượng thiết kế bản vẽ thi công hoặc chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản và nộp tiền cấp quyền đối với phần tài nguyên đã nâng cấp trữ lượng...

Việc tuân thủ pháp luật, chính sách, chế độ trong quản lý đầu tư xây dựng đối với 10 dự án xây dựng cơ bản được kiểm toán cũng cho thấy còn nhiều tồn tại.

Như về công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương, dự án đầu tư: Một số nội dung chưa thống nhất giữa thuyết minh Báo cáo nghiên cứu khả thi với quyết định phê duyệt dự án đầu tư; Dự án Khoang số 04 lập, phê duyệt tổng mức đầu tư chưa chính xác và sử dụng báo giá hết hiệu lực; dự án Khai thác mỏ Nhân Cơ chưa tiến hành lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn về thiết kế cơ sở.

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán: Dự án Khoang số 04 không có tài liệu khoan khảo sát địa chất bổ sung làm cơ sở cho việc xác định các mặt cắt địa chất của khu vực đào đá; một số gói thầu tính dự toán chưa phù hợp do chưa cập nhật giá gói thầu trong thời hạn 28 ngày trước thời điểm mở thầu (Công ty than Hạ Long), khối lượng chưa phù hợp so với bản vẽ thiết kế và điều chỉnh lại mã định mức cho đúng thuyết minh thiết kế bản vẽ thiết kế thi công (Công ty tuyển than Cửa Ông).

Trong công tác lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng, vẫn còn có gói thầu có thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu chậm so với yêu cầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt.

Về quản lý tiến độ, một số dự án được kiểm toán đều thực hiện chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu dẫn đến phải điều chỉnh tiến độ thực hiện.

Công tác chấp hành chế độ quản lý tài chính, kế toán cũng vẫn tồn tại một số bất cập như: Dự án Đầu tư thiết bị phục vụ sản xuất năm 2022 của Công ty than Cao Sơn chưa thực hiện đánh giá, xác định giá trị phế liệu có thể thu hồi là các thùng xe của các xe cải hoán sau khi tháo dỡ; Dự án Khoang số 04 kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường chưa bao gồm hệ số tính chi phí theo phương pháp khai thác; thực hiện lập, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành chậm (dự án Khoang số 04 và dự án Khai thác mỏ Nhân Cơ)...

Nhật Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/kiem-toan-tap-doan-cong-nghiep-than-khoang-san-viet-nam-tkv-nhieu-ton-tai-quan-ly-dau-tu-xay-dung-post588034.antd
Zalo