Kiểm toán Nhà nước phối hợp Hà Nội kiểm toán 12 dự án đất đai trọng điểm năm 2025

Năm 2025, Kiểm toán Nhà nước khu vực I quyết định tập trung kiểm toán 12 dự án tại 5 quận, huyện trọng điểm về bất động sản gồm Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh và Gia Lâm.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN), ngày 25/3, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị công bố quyết định và triển khai kế hoạch kiểm toán chuyên đề việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai.

 Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung phát biểu tại Hội nghị

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung phát biểu tại Hội nghị

Theo Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Ngô Minh Kiểm, năm 2024, KTNN nhận được đề nghị từ UBND thành phố Hà Nội về việc kiểm toán 27 dự án liên quan đến quản lý, sử dụng đất. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế, sau khi nghiên cứu và xin ý kiến lãnh đạo KTNN, năm 2025, KTNN khu vực I quyết định tập trung kiểm toán 12 dự án tại 5 quận, huyện trọng điểm về bất động sản gồm Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh và Gia Lâm.

Theo ông Ngô Minh Kiểm, mục tiêu kiểm toán là đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng đất; kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách còn bất cập; phát hiện kịp thời các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Nội dung kiểm toán gồm, việc ban hành văn bản quản lý, hướng dẫn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; việc quản lý, sử dụng đất; việc quản lý quy hoạch xây dựng; việc quản lý tiền thu sử dụng đất, thuê đất; việc tuân thủ trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn, chuẩn mực trong xác định giá đất. Phạm vi kiểm toán là giai đoạn 2021-2024 và các thời kỳ trước, sau có liên quan của các đơn vị được kiểm toán.

Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I chia sẻ, kỳ vọng của thành phố Hà Nội đối với chuyên đề kiểm toán này không chỉ là đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng đất mà còn giúp Thành phố xác định giá đất, tính đúng, tính đủ việc thu tiền sử dụng đất. Căn cứ trên các đề xuất của Thành phố và thực tiễn triển khai kiểm toán, Đoàn kiểm toán sẽ đánh giá tính tuân thủ, hiệu lực, hiệu quả đối với các dự án lớn, các khu đất lấn chiếm, đất chậm đưa vào sử dụng.

Từ đó, xây dựng bức tranh tổng thể, đánh giá thực trạng lãng phí và chỉ ra nguyên nhân. Ngoài ra, khi kiểm toán tại cơ quan thuế, Đoàn kiểm toán sẽ xem xét hồ sơ, các khoản thu liên quan đến đất và chỉ ra những điểm còn vướng mắc.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho biết, đây là lần đầu tiên thành phố đề xuất KTNN kiểm toán chuyên đề đất đai với khối lượng công việc lớn. Trong bối cảnh tinh gọn bộ máy, thông tin từ KTNN sẽ là cơ sở quan trọng để rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý. Các sở, ngành, quận, huyện cam kết phối hợp chặt chẽ, cung cấp tài liệu đầy đủ, đảm bảo tiến độ và hiệu quả kiểm toán.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh, trong bối cảnh Thành phố đang thực hiện tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại các đơn vị hành chính, thông tin của KTNN là cơ sở để Thành phố, đặc biệt là các quận, huyện rà soát, hoàn thiện các thủ tục, nhìn nhận lại công tác quản lý, điều hành.

Cũng theo ông Đông, đối với riêng cuộc kiểm toán việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất, Thành phố đã đề xuất kiểm toán 27 dự án nhằm đánh giá quy trình, thủ tục, tính đúng, tính đủ tiền sử dụng đất, đặc biệt là các dự án như Dự án Thành phố thông minh, Dự án Khu đô thị mới (huyện Đông Anh)… Đây là các dự án quy mô lớn, là động lực phát triển của Thành phố và khu vực phía Bắc, vì vậy rất cần thông tin của KTNN để Thành phố đánh giá lại các nguồn lực, kịp thời khắc phục thiếu sót, tháo gỡ, giải quyết tồn đọng các dự án chậm triển khai và tránh lãng phí nguồn lực đất đai.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, KTNN đặt mục tiêu hoàn thành kiểm toán vào tháng 6/2025, cung cấp dữ liệu kịp thời trước khi Hà Nội triển khai bộ máy hành chính mới. Bà Dung đề nghị các đoàn kiểm toán và đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ thành phố giải quyết các vấn đề tồn tại từ trước, đồng thời xây dựng kế hoạch kiểm toán dài hạn và thực hiện nghiêm túc các kiến nghị, tránh để kéo dài hoặc chậm trễ.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kiem-toan-nha-nuoc-phoi-hop-ha-noi-kiem-toan-12-du-an-dat-dai-trong-diem-nam-2025-post340084.html
Zalo