Kiểm toán môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững:Bài cuối: Kiểm toán nhà nước Việt Nam - Kiên định mục tiêu kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững

Biến đổi khí hậu là vấn đề mới nhưng mang tính chất phức tạp, có sự ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của các quốc gia. Với 'tuổi đời' còn non trẻ so với các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trên thế giới, Kiểm toán nhà nước Việt Nam (KTNN) đã gặp rất nhiều thách thức trong việc triển khai thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, với quyết tâm của toàn Ngành, KTNN đang từng bước tháo gỡ khó khăn để kiên định mục tiêu kiểm toán môi trường (KTMT) vì sự phát triển bền vững.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn (thứ 3 từ phải sang) tham dự Cuộc họp toàn cầu về “Sự tham gia của các SAI trong việc đánh giá các hành động quốc gia về khí hậu” tại Hoa Kỳ (tháng 3/2024). Ảnh: TL

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn (thứ 3 từ phải sang) tham dự Cuộc họp toàn cầu về “Sự tham gia của các SAI trong việc đánh giá các hành động quốc gia về khí hậu” tại Hoa Kỳ (tháng 3/2024). Ảnh: TL

Việc lựa chọn các nội dung để thực hiện KTMT thời gian qua của KTNN là phù hợp với định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, cũng như phù hợp với điều kiện nguồn lực của KTNN. Sự tham gia tích cực của KTNN khẳng định sự tin tưởng của Quốc hội, Chính phủ và người dân đối với KTNN, đồng thời thể hiện tầm ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đối với công tác bảo vệ môi trường.

PGS,TS. Đinh Thế Hùng
Viện Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Nhiều rào cản làm hạn chế hoạt động kiểm toán môi trường

Thời gian qua, KTNN đã chú trọng và triển khai thực hiện nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, KTMT được xã hội quan tâm hoặc lồng ghép nội dung kiểm toán liên quan đến công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong các cuộc kiểm toán thường niên, qua đó góp phần làm minh bạch nguồn kinh phí sử dụng cho công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực tiễn kiểm toán cho thấy, vẫn còn rất nhiều khó khăn, rào cản KTNN phải đối mặt trong quá trình thực hiện KTMT.

Theo đại diện của Vụ Tổng hợp, việc lựa chọn chủ đề kiểm toán đánh giá hành động quốc gia về khí hậu cho kế hoạch kiểm toán chiến lược và hằng năm còn hạn chế, nguyên nhân lớn đến từ việc các hành động quốc gia về khí hậu của Chính phủ chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án… và liên tục điều chỉnh phù hợp với bối cảnh quốc gia và cam kết quốc tế. Bên cạnh đó, cuộc kiểm toán chuyên đề biến đổi khí hậu phần lớn được thực hiện lồng ghép với nội dung kiểm toán ngân sách hoặc chuyên đề khác, thời gian mỗi cuộc kiểm toán tối đa 60 ngày; nội dung kiểm toán liên quan và được lựa chọn kiểm toán tại nhiều Bộ, ngành, đơn vị, chủ đề kiểm toán rộng phần nào dẫn đến áp lực về khối lượng và tiến độ công việc cho Đoàn kiểm toán.

Cùng chung quan điểm, bà Trần Thị Minh Hà - Nhóm công tác về kiểm toán các lĩnh vực mới (trong đó có kiểm toán môi trường) - cho rằng, KTNN chưa có quy trình và tổ chức hướng dẫn cụ thể về công tác lựa chọn chủ đề kiểm toán hoạt động và kiểm toán chuyên đề, trong khi kinh nghiệm của các đơn vị trong Ngành còn hạn chế, nên công tác lựa chọn chủ đề chưa được thực hiện bài bản, khoa học...

Chia sẻ thêm về những khó khăn trong quá trình thực hiện KTMT, bà Minh Hà cho biết, mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có lĩnh vực về môi trường bao gồm nhiều nội dung đòi hỏi chuyên môn sâu, phạm vi rộng liên quan đến nhiều lĩnh vực nên một số kiểm toán viên còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm, lựa chọn được chuyên gia có năng lực chuyên môn và đảm bảo tính độc lập với đơn vị được kiểm toán vẫn còn khó khăn. “Nhiều vấn đề có tính chuyên sâu nhưng chưa có các tài liệu quy định, hướng dẫn cụ thể nên vẫn phải dựa vào ý kiến chuyên gia, có thể mang tính chủ quan, dẫn đến tình huống không đạt được sự đồng thuận cao của đơn vị được kiểm toán” - bà Minh Hà nhấn mạnh.

Không chỉ có vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, sự thiếu đồng bộ, không chặt chẽ trong quy định của pháp luật liên quan đến KTMT cũng là một trong những rào cản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện kiểm toán. Năm 2020, lần đầu tiên, trách nhiệm KTMT của KTNN được quy định tại khoản 5 Điều 160 của Luật Bảo vệ môi trường. Trong khi đó, Luật KTNN hiện nay chủ yếu tiếp cận KTMT như với kiểm toán tài sản công, chưa coi đây là một lĩnh vực kiểm toán đặc thù, dẫn đến khó khăn trong xác định tiêu chí kiểm toán, nắm bắt bằng chứng kiểm toán.

Ngoài ra, với quy định đối tượng kiểm toán của KTNN là các đơn vị quản lý, sử dụng tài chính công sẽ dẫn đến việc không giám sát được toàn diện đối với các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân, bởi đây không thuộc đối tượng kiểm toán. Điều này sẽ làm giảm hiệu quả trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường.

Kiểm toán môi trường là một nội dung trọng tâm của Kiểm toán nhà nước

Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) và Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á, đồng thời thực hiện cam kết tại Tuyên bố Hà Nội với trọng tâm “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”, KTNN đặc biệt chú trọng đến các hành động quốc gia về khí hậu, tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chia sẻ với Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã khẳng định: KTMT và ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nội dung chủ đạo, được KTNN tập trung phát triển, tăng cường cả về chất lượng và số lượng cuộc kiểm toán.

Do vậy, dù gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện KTMT, song, với sự nỗ lực, đồng lòng của toàn Ngành, KTNN đã và đang từng bước tháo gỡ những rào cản, đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng KTMT.

Từ khi chính thức trở thành thành viên Nhóm công tác về KTMT của ASOSAI năm 2008, thành viên Nhóm công tác về kiểm toán môi trường INTOSAI WGEA năm 2021, KTNN luôn nỗ lực tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm quốc tế vào hoạt động kiểm toán thông qua việc cử nhiều lượt cán bộ, công chức tham gia các khóa đào tạo, hội thảo, hội nghị về KTMT trên thế giới; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu cho phát triển KTMT; tham gia các cuộc kiểm toán hợp tác quốc tế, nhóm đề án nghiên cứu; tăng cường hoạt động hợp tác song phương với nhiều SAI trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ quá trình thực hiện KTMT.

Hiện, KTNN đang triển khai xây dựng Lộ trình phát triển KTMT đến năm 2030 bám sát các quan điểm, mục tiêu và trụ cột phát triển đã được phê duyệt theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030. Dự kiến, Lộ trình phát triển KTMT của KTNN sẽ được ban hành trong quý I/2025.

Theo bà Hoàng Thị Vinh Thúy - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III, lộ trình sẽ cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung phát triển KTMT của KTNN bám sát Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030. Trong đó, hoàn thiện hệ thống các quy định về tổ chức thực hiện KTMT của KTNN trên cơ sở cụ thể hóa Hiến pháp, Luật KTNN và phù hợp với các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng đội ngũ kiểm toán viên đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho kiểm toán viên thực hiện KTMT; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lĩnh vực KTMT; ứng dụng công nghệ thông tin và các phương pháp kiểm toán hiệu quả...

Việc ban hành Lộ trình phát triển KTMT đến năm 2030 của KTNN Việt Nam sẽ đảm bảo phát triển KTMT phù hợp với xu thế của hoạt động kiểm toán quốc tế cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu, gắn liền với các mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai và bối cảnh Việt Nam./.

THÚY LY

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/kiem-toan-moi-truong-vi-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-bai-cuoi-kiem-toan-nha-nuoc-viet-nam-kien-dinh-muc-tieu-kiem-toan-moi-truong-vi-su-phat-trien-ben-vung-37200.html
Zalo