Kiểm toán chỉ rõ nhiều bộ, ngành, địa phương thực hiện chưa đúng quy định về nguồn cải cách tiền lương

Trong báo cáo Kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023 vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) gửi tới các đại biểu Quốc hội, nhiều vấn đề liên quan đến chính sách cải cách tiền lương, quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách (TCNNS) do Trung ương quản lý… đã bộc lộ bất cập cần sớm được khắc phục.

Trích lập chưa đảm bảo tỷ lệ, chưa đúng quy định

Báo cáo kiểm toán nêu, nguồn thực hiện chính sách tiền lương năm 2023 chuyển sang năm 2024 là 536.394 tỷ đồng, bao gồm ngân sách địa phương là 387.186 tỷ đồng, ngân sách trung ương 149.207,9 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán cho thấy, tại nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn chưa thực hiện đúng theo quy định.

Một số đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, cơ quan trung ương chưa trích lập, trích lập nguồn cải cách tiền lương chưa đảm bảo tỷ lệ, trong đó tại nhiều bộ, con số thực hiện chưa đúng lên tới hàng chục tỷ đồng.

Quỹ Phát triển khoa học công nghệ, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ quốc gia về việc làm... đều có nội dung chi tương đồng với ngân sách Nhà nước. Ảnh: minh họa.

Quỹ Phát triển khoa học công nghệ, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ quốc gia về việc làm... đều có nội dung chi tương đồng với ngân sách Nhà nước. Ảnh: minh họa.

Bất cập đáng chú ý nữa, một số bộ, cơ quan trung ương chưa quyết định tỷ lệ nguồn thu phải trích lập để tạo nguồn cải cách tiền lương.

Tại các địa phương, một số nơi chưa rà soát hết nguồn lực khi xác định nhu cầu, dẫn đến trong năm ngân sách trung ương bổ sung song cuối năm vẫn còn dư nguồn cải cách tiền lương.

Một số nơi chưa trích lập đủ hoặc xác định nguồn cải cách tiền lương chưa phù hợp 3.528,72 tỷ đồng, vì vậy, KTNN đã kiến nghị phải giảm dự toán năm sau hoặc nộp trả ngân sách nhà nước (NSNN) tại 17/56 địa phương 959 tỷ đồng, 18/56 địa phương trích bổ sung 1.361,635 tỷ đồng, 13/56 địa phương kiến nghị theo dõi nguồn 1.208,06 tỷ đồng). Cùng với đó, 11/56 địa phương theo dõi, quản lý nguồn cải cách tiền lương chưa phù hợp 3.715,52 tỷ đồng; 18/56 địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương chi đầu tư, chi thường xuyên hoặc các nhiệm vụ khác không đúng quy định 1.389,679 tỷ đồng...

Theo Điều 4 Thông tư số 88/2024/TT-BTC ngày 24/12/2024 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán NSNN 2025, việc tạo lập nguồn cải cách tiền lương từ: 70% tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán; 50% tăng thu ngân sách địa phương dự toán năm hiện hành so với dự toán năm trước liền kề; 40% thu sự nghiệp, 35% thu viện phí; 10% tiết kiệm tăng thêm chi thường xuyên…

Qua thực tiễn kiểm toán, KTNN đánh giá, việc phải sử dụng 70% từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán để tạo nguồn cải cách tiền lương song dự toán thu lại có xu hướng lập không sát khả năng thực tế, dẫn tới số tăng thu cao, nhưng chủ yếu lại sử dụng cho cải cách tiền lương, trong khi nhiều nhiệm vụ chi cần thiết, cấp bách khác, như: chi đầu tư phát triển, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo..., lại thiếu nguồn để chi.

Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị cần nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội xem xét quyết định điều chỉnh giảm tỷ lệ trích tạo nguồn cải cách tiền lương từ số tăng thu NSNN (hiện nay là 70% số tăng thu so với dự toán trừ các nguồn thu sử dụng đất, xổ số kiến thiết, thu bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước…) để tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, khoa học công nghệ, chuyển đổi số và các nhiệm vụ cần thiết khác.

Đề xuất sắp xếp quỹ tài chính ngoài ngân sách

Không chỉ là câu chuyện quỹ tiền lương, theo báo cáo từ KTNN, không ít quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách (TCNNS) do Trung ương quản lý đã bộc lộ hạn chế trong vận hành, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, nhiệm vụ trùng lặp với ngân sách Nhà nước (NSNN) và Ngân hàng Chính sách xã hội.

Trước thực trạng này, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khuyến nghị sắp xếp lại đối với các Quỹ TCNNS do Trung ương quản lý. Theo Báo cáo số 609/BC-CP của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024 và dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính ngoài ngân sách do Trung ương quản lý, hiện tại, có 22 Quỹ do các bộ, cơ quan Trung ương quản lý.

Ước tính đến cuối năm 2024, số dư nguồn các quỹ tương đối lớn, tăng 3,97% so với năm 2023. Riêng 3 quỹ công do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý chiếm 91,4% tổng số dư các quỹ; có 4 quỹ có số dư dưới 100 tỷ; 8 quỹ có số dư từ 100 tỷ đến 1.000 tỷ; 8 quỹ có số dư trên 1.000 tỷ. Về cơ bản các quỹ này đã sử dụng tài chính theo các quy định của Nhà nước và quy chế chi tiêu nội bộ; phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ được giao...

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý giai đoạn 2020-2023 cho thấy hoạt động của các quỹ này còn nhiều bất cập, hạn chế. Hiện nay, các quy định pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của các quỹ được thiết kế theo 3 nhóm: Quy định tại luật và nghị định, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, theo Quyết định của cơ quan Trung ương. Trên thực tế, các quỹ được tổ chức theo 4 phương thức chính: Mô hình chuyên biệt, mô hình đơn vị sự nghiệp công lập, mô hình công ty TNHH một thành viên và các mô hình chưa được quy định cụ thể.

Hơn nữa, bộ máy quản lý giữa các quỹ cũng thiếu đồng bộ. Một số quỹ do cán bộ kiêm nhiệm của các bộ, ngành quản lý nên không phát sinh chi phí; trong khi không ít quỹ khác xây dựng tổ chức riêng, gồm: hội đồng quản lý, ban kiểm soát và ban quản lý quỹ, dẫn đến tăng biên chế và chi phí...

Bên cạnh đó, mặc dù phần lớn các quỹ hoạt động theo mô hình và cơ chế quản lý tương đồng, song lại áp dụng các cơ chế lương thưởng khác nhau, thậm chí chưa tuân thủ đúng quy định hiện hành. Đơn cử, tại Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, việc chi trả lương theo kết quả công việc chưa phản ánh đúng hiệu quả lao động của từng cá nhân khi tất cả người lao động đều được áp dụng mức đơn giá như nhau, bỏ qua đánh giá mức độ hoàn thành công việc…

Một trong những bất cập lớn của hệ thống quỹ tài chính ngoài ngân sách hiện nay là sự trùng lặp về nhiệm vụ chi với NSNN và Ngân hàng Chính sách xã hội. Ví dụ, Quỹ Phát triển khoa học công nghệ, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ quốc gia về việc làm hay Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đều có nội dung chi tương đồng với NSNN.

Từ những đánh giá về các quỹ tài chính ngoài ngân sách Trung ương được kiểm toán, KTNN đưa ra một số khuyến nghị sau: Nghiên cứu cơ chế quản lý đối với các quỹ TCNNS do Trung ương quản lý tổ chức theo hướng phân biệt giữa các quỹ công hoạt động theo điều lệ quỹ và các luật chuyên ngành.

Hay như một số quỹ có thể không nhất thiết tổ chức bộ máy riêng mà chỉ cần bộ, ngành xác định tiêu chuẩn, tiêu chí được hưởng ưu đãi từ quỹ và ủy thác các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách cho doanh nghiệp vay và hưởng ưu đãi theo sứ mệnh của quỹ. Có thể tổ chức hoạt động theo hướng cử các cán bộ chuyên quản và thực hiện ủy thác hoạt động cho vay cho các ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng thương mại.

Về chế độ tiền lương, nghiên cứu rà soát các quy định về chi lương đối với các quỹ tài chính ngoài ngân sách Trung ương để đảm bảo tính đồng bộ, công bằng so với các cơ quan khác thuộc bộ máy nhà nước và tương xứng với việc thực hiện nhiệm vụ được giao, thực hiện đánh giá hoạt động của các quỹ, tránh trường hợp quỹ chủ yếu dùng nguồn vốn để gửi ngân hàng nhưng vẫn được nhận thu nhập cao theo mức thu nhập đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Phạm Huyền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/kiem-toan-chi-ro-nhieu-bo-nganh-dia-phuong-thuc-hien-chua-dung-quy-dinh-ve-nguon-cai-cach-tien-luong-i768700/
Zalo