Kiếm tiền tỷ từ xơ mướp

Xơ mướp là thứ tưởng chừng chỉ bỏ đi nhưng đã được chế biến thành những sản phẩm 'xanh' giá trị cao như khăn tắm, túi xách, thiết bị nhà bếp, đồ trang trí… Nhờ vậy, doanh nhân trẻ Đỗ Đăng Khoa thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.

Tạo sinh kế cho người dân

Có cơ duyên biết đến sản phẩm của Mr. Mướp nhờ một hội chợ quốc tế tại Nhật Bản, ông Yoshie Jiang, một đối tác Nhật Bản cho biết, ông bất ngờ khi nhìn thấy những chiếc khăn tắm đẹp mắt được làm từ xơ mướp kết hợp với một phần vải cotton.

Doanh nhân Đỗ Đăng Khoa bên sạp hàng đồ trang trí được làm từ xơ mướp.

Doanh nhân Đỗ Đăng Khoa bên sạp hàng đồ trang trí được làm từ xơ mướp.

Nhận thấy sản phẩm này vừa đảm bảo được tính thẩm mỹ, thân thiện với môi trường, lại bền, ông đã quyết định mua hết lô hàng hơn 100 chiếc tại cửa hàng Mr. Mướp khi biết giá chỉ ngang bằng một chiếc khăn cotton trên thị trường.

Cũng từ đó, ông là khách hàng trung thành của Mr. Mướp suốt 5 năm nay, không chỉ với sản phẩm khăn mà còn là các sản phẩm khác như túi xách, bông tắm, chùi rửa nhà bếp, vật dụng trang trí.

"Người Nhật rất ưa chuộng sản phẩm sáng tạo từ thiên nhiên, có tính thẩm mỹ cao, Mr. Mướp đã làm được điều đó", ông Yoshie Jiang cho hay.

Dự án "kết nối con người với tự nhiên" từ xơ mướp của doanh nhân trẻ Đỗ Đăng Khoa, Giám đốc Green Is Gold đã đoạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp Xanh năm 2023.

Dự án này ra đời từ năm 2017 với mong muốn tạo ra những sản phẩm mới từ những nguyên liệu thiên nhiên, thân thiện môi trường.

Trung bình mỗi năm, thương hiệu Mr Mướp của doanh nhân Đỗ Đăng Khoa cần tới 200.000 - 300.000 trái mướp nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Để đảm bảo nguồn cung, đơn vị đã liên kết với bà con nông dân ở Đồng Tháp, An Giang, Bình Phước, Đồng Nai... để canh tác, với tổng diện tích vùng trồng khoảng 30ha.

Đơn vị này ký hợp đồng bao tiêu với các hộ nông dân trồng mướp lấy xơ. Nhờ đó, người dân có thêm thu nhập ổn định.

Xúc động nhìn mảnh đất hơn 1.000m2 bỏ hoang của gia đình mấy năm nay đã được phủ xanh bởi cây mướp nhờ dự án Mr Mướp, bà Ngoan, một hộ dân ở Đồng Nai cho biết, doanh thu gần 100 triệu đồng mỗi năm là số tiền không nhỏ với những người nông dân như bà.

90% phục vụ xuất khẩu

Hiện mỗi tháng Mr Mướp cung cấp ra thị trường khoảng 30.000-40.000 sản phẩm được sản xuất từ xơ mướp, trong đó 90% phục vụ xuất khẩu.

Kể về hành trình khởi nghiệp, CEO Đăng Khoa cho hay, nhiều năm trước đây, xơ mướp chỉ được mọi người dùng để rửa bát đĩa, xoong nồi. Đã từ lâu lắm, xơ mướp chỉ là thứ bỏ đi. Trong khi đó, người nước ngoài lại có thói quen ưu tiên sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên.

"Xơ mướp vốn dĩ có tính bền, khô nhanh nhờ sợi màng lưới, vì thế tôi đã nảy ra ý tưởng biến chúng thành một sản phẩm tiện lợi", anh kể và cho biết, bản thân thừa hưởng truyền thống của gia đình với nghề làm hoa khô và chế tác các sản phẩm độc bản. Chính điều đó thôi thúc ý chí khởi nghiệp của anh.

Thời điểm đó, anh cũng nhận thấy trong cuộc sống hiện đại, nhiều sản phẩm sử dụng trong nhà bếp, nhà tắm được làm từ nhựa PP, nhựa PE, gây tác động không nhỏ đến môi trường. Trong khi, xơ mướp rất phù hợp làm nguyên liệu cho các sản phẩm dùng trong nhà bếp, nhà tắm, rất thân thiện.

Sau khi tìm hiểu thị trường Nhật Bản, EU, Mỹ, Hàn Quốc… anh bắt đầu nghiên cứu để sản xuất các sản phẩm từ xơ mướp có tính ứng dụng cao như miếng lót giày, miếng rửa mặt, chà lưng, túi xách, đèn trang trí.

Sản phẩm từ xơ mướp được làm với khá nhiều công đoạn thủ công, mỗi sản phẩm đều có màu sắc và tính độc đáo riêng. Xơ mướp sau khi vệ sinh sạch và phơi khô sẽ được đưa vào máy cán để định hình trước khi đưa vào dập khuôn theo từng mẫu khác nhau.

Tùy vào từng sản phẩm, xơ mướp được tán dày hay mỏng, phương pháp này làm cho mật độ liên kết của xơ mướp dày hơn, dẻo dai và mịn màng hơn.

Để đưa sản phẩm ra thị trường, anh Khoa tích cực tham gia hội chợ quốc tế, cũng như tham gia các chương trình xúc tiến thương mại về ngành hàng quà tặng, quà lưu niệm.

Từ đó, Mr Mướp nhanh chóng có các đơn hàng từ các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, đồng thời thu hút sự quan tâm của nhiều nhà bán lẻ trong nước.

Riêng ở Nhật, sản phẩm của Mr Mướp đã lên kệ của hệ thống siêu thị AEON Nhật Bản, đồng thời có thị trường xuất khẩu ổn định từ các đối tác Nhật và Hàn Quốc với bộ sản phẩm đồ chơi cho thú cưng, chùi rửa nhà bếp, bông tắm.

Ở trong nước, sản phẩm cũng đã đạt được chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao năm 2022.

Mở rộng sản xuất, thị trường

Hiện tại với doanh thu mỗi năm khoảng vài tỷ đồng, anh Khoa cho rằng, mình đã tiếp cận thị trường dễ dàng nhờ đặc tính thân thiện vốn có của xơ mướp, cũng như may mắn thừa hưởng kỹ năng từ nghề truyền thống của gia đình.

Sản phẩm của Mr Mướp hiện đã lên kệ của hệ thống siêu thị AEON Nhật Bản.

Sản phẩm của Mr Mướp hiện đã lên kệ của hệ thống siêu thị AEON Nhật Bản.

"Tuy nhiên, đây chỉ ở giai đoạn đầu, sắp tới sẽ là cơ hội lớn bứt tốc của sản phẩm này", vị doanh nhân quả quyết.

Theo anh, công ty đã ký kết hợp tác, tiếp nhận đầu tư từ một số đơn vị trong và ngoài nước, mở rộng nhà máy, nâng công suất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại… để đưa các sản phẩm từ xơ mướp vươn xa đến nhiều thị trường hơn nữa. Công ty cũng đang triển khai kế hoạch mở bán trên sàn thương mại điện tử Amazon.

Tới đây, Mr Mướp sẽ đẩy mạnh sản xuất dòng sản phẩm đồ chơi gặm nhấm dành cho thú cưng. Qua thử nghiệm cho thấy thị trường đánh giá cao sản phẩm này.

Với một miếng xơ mướp chỉ bằng nửa bàn tay, sau một số công đoạn đã biến thành sản phẩm đồ chơi dành cho chó, mèo với tổng giá thành khoảng 6.000-7.000 đồng. Khi xuất bán ở thị trường Nhật Bản, mỗi sản phẩm có giá hơn 100 yên (khoảng 20.000 đồng.

CEO Đỗ Đăng Khoa cho hay, công ty đang trong quá trình ứng dụng công nghệ để ép hạt mướp lấy dầu. Dự kiến đầu năm 2025, các sản phẩm từ dầu mướp sẽ được đưa ra thị trường và thực hiện khảo sát với người tiêu dùng.

Ngoài ra, Green Is Gold đang nghiên cứu phát triển miếng xốp thấm dầu và vi nhựa nhằm ứng dụng vào ngành công nghiệp xử lý nước thải. Công trình nghiên cứu này đã được gửi đi đăng ký sở hữu trí tuệ.

Ngọc Diệp

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/kiem-tien-ty-tu-xo-muop-192241226214642225.htm
Zalo