Kiểm soát thuốc lá mới để ngăn buôn lậu và bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Tình trạng buôn lậu thuốc lá, bao gồm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN), đang đặt ra yêu cầu cấp thiết có khung pháp lý với các mặt hàng này.

Hiện các quyết sách liên quan đến thuốc lá, từ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá điếu, đến kiểm soát theo hướng cấm hay quản đối với TLNN, TLĐT đang được xem xét toàn diện, đa chiều nhằm tránh các hệ lụy lớn hơn có thể xảy ra nếu giải pháp không phù hợp.

Toàn cảnh tọa đàm “Phòng chống buôn lậu các sản phẩm thuốc lá: Giải pháp chính sách phù hợp”.

Toàn cảnh tọa đàm “Phòng chống buôn lậu các sản phẩm thuốc lá: Giải pháp chính sách phù hợp”.

1/4 thị phần và hàng nghìn tỷ đồng “chảy” về thị trường lậu

Theo thống kê của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, hiện 25% thị phần thuốc lá lưu thông trên thị trường là hàng nhập lậu, tương đương với việc thất thoát hơn 200 triệu đô la và hàng nghìn tỷ đồng thuế.

Không chỉ thuốc lá điếu, TLĐT, TLNN đều là những mục tiêu mới, làm cho thị trường chợ đen thêm phong phú, khi nhu cầu về các sản phẩm này ngày càng tăng nhưng vẫn chưa được cung cấp hợp pháp gần 10 năm nay.

Tại tọa đàm “Phòng chống buôn lậu các sản phẩm thuốc lá: Giải pháp chính sách phù hợp” được tổ chức hôm 16/10, ông Thân Đức Công, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng Cục quản lý Thị trường (TCQLTT), Bộ Công Thương cho hay: “Với thuốc lá mới, chưa nói đến những chính sách về thuế bởi chưa có điều chỉnh cụ thể, nhưng chỉ tính riêng cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý tang vật tịch thu, tiêu hủy thì trong 4 năm qua, với hàng trăm vụ và hàng trăm nghìn sản phẩm, chi phí cũng lên tới nhiều tỷ đồng".

Ông Thân Đức Công.

Ông Thân Đức Công.

Cụ thể, giai đoạn năm 2020 đến quý I/2024, cơ quan chức năng đã xử lý hơn 700 vụ buôn lậu TLĐT, TLNN, với giá trị hàng hóa bị tiêu hủy lên đến 10.000 tỷ đồng. Dù chỉ chiếm 10% tổng số vụ liên quan đến thuốc lá nói chung, nhưng giá trị hàng hóa của TLĐT, TLNN chiếm trên 80%.

Không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế và ngân sách quốc gia, thuốc lá lậu còn trực tiếp để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng lên sức khỏe người dùng và gây ra nỗi lo cho xã hội. Thuốc lá vốn đã có hại, thuốc lá lậu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường và biến tướng dưới nhiều hình thức nguy hiểm khác nhau. Các báo cáo phản ánh tình trạng trộn ma túy, chất cấm vào TLĐT ngày càng tăng, cho thấy mối liên đới nghiêm trọng của nạn buôn lậu với các khía cạnh xã hội khác.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lợi nhuận từ hoạt động buôn lậu thường được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động phi pháp như buôn bán ma túy, mại dâm, rửa tiền… gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự xã hội.

Cần giảm đồng thời tỷ lệ buôn lậu và sử dụng thuốc lá

Tại cuộc họp tháng 9/2024 về dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), ĐBQH Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nêu quan điểm:“Thuốc lá không phải là sản phẩm cấm nên cần ứng xử mềm dẻo”.Có thể hiểu, việc đưa ra chính sách cho thuốc lá cần dựa trên chuyển động của thị trường và cung cầu, nhằm giảm thiểu nguy cơ khi chính sách có thể trở thành rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp và sự vận động xã hội.

ĐBQH Hoàng Văn Cường.

ĐBQH Hoàng Văn Cường.

Thực tế đã chứng minh, các chính sách tăng thuế chỉ đang nhắm vào các công ty chính ngạch đang đóng thuế cho Nhà nước. Trong khi đó, hệ lụy từ thị trường chợ đen về chi phí y tế, sức khỏe, tệ nạn xã hội, sau cùng vẫn do Nhà nước gánh chịu. Như vậy, vấn đề đặt ra là việc tăng thuế này sẽ mang lợi cho ai? Tương tự, các đề xuất cấm TLNN, thuốc lá mới sẽ có cùng kịch bản, khi có “cầu” nhưng không có “cung” hợp pháp. Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp khẳng định: “Nếu không có nhu cầu thì chẳng ai buôn lậu làm gì”.

Từ đó, nhiều đại biểu cho rằng, việc quản lý TLNN, TLĐT đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện, cân bằng, thay vì chỉ nhìn ở góc độ “gây hại” của thuốc lá. Đến nay, hướng tiếp cận của Chính phủ đối với ngành hàng này là “quản lý để phòng chống tác hại”, hay cấm bằng cách kiểm soát. Theo đó, không chỉ kiểm soát tác hại thuốc lá mà còn kiểm soát tác hại của thị trường chợ đen.

Ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng thường trực, Ban Chỉ đạo Quốc gia 389 về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng nhấn mạnh, khi có cơ sở pháp lý rõ ràng, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát và ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến mặt hàng này.

Để sớm thực thi quản lý, các đại biểu đề xuất cần lấy Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá làm cơ sở để thẩm định tính tương thích của các loại thuốc lá mới hiện nay để sàng lọc. Loại thuốc lá mới nào phù hợp với định nghĩa của luật, cần sớm điều chỉnh để đưa vào phòng và chống tác hại tương tự như đang áp dụng cho thuốc lá điếu.

Theo nhận định của ông Lê Đại Hải, trong số các loại thuốc lá mới, TLNN dễ nhận diện là sản phẩm thuốc lá, do được sản xuất từ nguyên liệu thuốc lá tương tự như thuốc lá điếu. Do đó, ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, “chỉ nên cấm TLNN nếu cấm cả thuốc lá truyền thống”.

Tại kỳ họp Quốc hội ngày 5/6/2024, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nếu Bộ Y tế dựa trên đánh giá khoa học chính thức về tác hại của TLNN, TLĐT để khẳng định loại thuốc lá mới nào có hại cho sức khỏe tới mức phải cấm, thì cần sửa đổi quy định pháp luật liên quan.

Theo đó, các nghiên cứu cần dựa trên các tổ chức uy tín, độc lập như Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, Cơ quan Y tế Công cộng Anh, Bộ Y tế Nhật Bản, Viện Đánh giá Rủi ro Liên bang Đức cũng như sự cần thiết của các nghiên cứu trong nước từ Bộ Khoa học Công nghệ. Đồng thời, cũng cần đánh giá thận trọng các nghiên cứu được thực hiện hoặc tài trợ bởi các tổ chức chống thuốc lá cực đoan nhầm tránh thiên kiến, thiếu đầy đủ, không toàn diện.

Ở góc độ tổng quan, TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khuyến nghị, nếu chỉ cấm sẽ rất khó thực hiện. Do vậy, việc quản lý thuốc lá mới cần có cái nhìn khách quan và các biện pháp xử lý hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Dưới góc độ quản lý Nhà nước, TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội cho rằng, việc đưa ra hành lang pháp lý cho một sản phẩm tiêu dùng đã xuất hiện phổ biến trên thị trường như thuốc lá mới sẽ khẳng định tầm nhìn, năng lực, trách nhiệm, khả năng quản lý hiệu quả của Nhà nước.

Hoàng Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/kiem-soat-thuoc-la-moi-de-ngan-buon-lau-va-bao-ve-suc-khoe-cong-dong-10294313.html
Zalo