Kiểm soát tài sản, thu nhập: Nhiều vấn đề còn chưa sát
Sau năm năm tổ chức thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, công tác kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn còn có mặt hạn chế.
Công tác phòng, chống tham nhũng những năm qua đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, sau năm năm tổ chức thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, công tác kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) vẫn còn có mặt hạn chế.
Chẳng hạn, ở TP.HCM, quá trình xác minh TSTN với 528 trường hợp lựa chọn ngẫu nhiên đã bộc lộ không ít khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục. Việc đánh giá một người là trung thực hay không nhiều khi khó lượng định vì quy định, biểu mẫu còn khó hiểu, chưa thuận lợi cho việc kê khai.
Quá trình xác minh cũng không dễ dàng khi cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm soát STN phải gửi công văn tới nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng, rồi cơ quan quản lý đất đai, cơ quan quản lý phương tiện giao thông của nhiều địa phương… mà không chắc nhận được phản hồi.
Bản thân Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trong hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành và các bộ, ngành ngày 24-12, cũng thừa nhận ông cũng lúng túng khi vừa từ Nam Định lên nhận nhiệm vụ tổng thanh tra và thực hiện nghĩa vụ kê khai TSTN ở chức vụ mới.
Còn ở vai trò cơ quan kiểm soát TSTN, chính Thanh tra Chính phủ khi triển khai các cuộc xác minh TSTN mấy năm qua cũng gặp lúng túng.
Trong khi việc phối hợp của ngành ngân hàng trước các đề nghị rà soát tài khoản của người được xác minh là khá nhịp nhàng thì việc tìm hiểu tài sản là nhà đất hiện được quản lý rải rác, chia cắt ở cơ quan địa chính 63 tỉnh là không dễ dàng. Vậy nên đến như Thanh tra Chính phủ cũng chỉ tập trung xác minh nhà đất của người kê khai ở các TP lớn, các tỉnh mà ở đó giao dịch bất động sản sôi động.
Cũng như vậy, việc xác minh tài sản là ô tô, xe máy cũng chỉ dựa vào số liệu của công an địa phương nơi người được xác minh cư trú.
Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế trên thì nhiều nhưng trước mắt có phần do các quy định hiện hành về kiểm soát TSTN còn chưa sát, cần sửa đổi.
Chẳng hạn, cần bổ sung về loại tài sản có nghĩa vụ kê khai hình thành do vay nợ, tài sản hình thành trong tương lai. Cân nhắc thu hẹp diện người có nghĩa vụ phải kê khai để việc kiểm soát trọng tâm, đỡ dàn trải, sẽ đi vào thực chất hơn. Mẫu kê khai TSTN cần đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. Tiến tới cần có giải pháp kê khai điện tử, thay vì biểu mẫu giấy truyền thống.
Quyền tài sản, quyền sở hữu cần được bảo vệ nhưng cùng với đó là trách nhiệm kê khai, trung thực khi tham gia công vụ. Vậy nên cần có quy trình kiểm tra, xác minh TSTN khoa học, khả thi. Cùng với đó phải quy định nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức nắm thông tin về TSTN trong phối hợp với các cơ quan kiểm soát TSTN. Có vậy việc kiểm soát TSTN mới phát huy hiệu quả phòng, chống tham nhũng.