Kiểm soát, quản lý thuốc bảo vệ thực vật
Là tỉnh nông nghiệp với đa dạng cây trồng, lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng mỗi năm trên địa bàn tỉnh rất lớn. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là biện pháp cần thiết để bảo vệ sản xuất, tuy nhiên đây là loại hàng hóa đặc thù, kinh doanh có điều kiện do vậy công tác quản lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật luôn phải được quản lý chặt chẽ.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 500 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và phân bón được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán theo quy định. Các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lưu thông trên địa bàn tỉnh đa dạng về chủng loại, mẫu mã với hơn 90 tên thương phẩm phân bón và hơn 330 tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, riêng thuốc trừ cỏ có khoảng 95 tên thương phẩm (chiếm 28,8%).
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, việc có quá nhiều danh mục thuốc với nhiều tên thương mại như hiện nay khiến việc kiểm soát các loại thuốc gặp nhiều khó khăn. Để ngăn chặn hàng giả, kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các ngành chức năng trong tỉnh đã tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý kịp thời những cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Từ năm 2021 đến nay các đơn vị chức năng đã phối hợp kiểm tra đối với 343 cá nhân; lấy mẫu kiểm tra chất lượng đối với 25 mẫu thuốc bảo vệ thực vật và 15 mẫu phân bón. Kết quả, có 2 mẫu chất lượng không phù hợp với quy chuẩn đã công bố áp dụng. Quá trình kiểm tra phát hiện, ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 18 cá nhân, đồng thời yêu cầu các cơ sở vi phạm thu hồi đối với các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, trả lại nhà sản xuất để tái chế hoặc tiêu hủy theo quy định.
Thực tế cho thấy, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng và sức khỏe của người sử dụng. Thế nhưng, phần lớn nông dân khi mua các sản phẩm này đều chưa nhận biết được đâu là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng. Vì vậy, lựa chọn mua sản phẩm đều phụ thuộc vào cảm tính và lời giới thiệu của các cơ sở kinh doanh, nên chứa đựng nhiều rủi ro.
Nằm trải dài hơn 20km trên các xã vùng lòng chảo Điện Biên, cánh đồng Mường Thanh có diện tích sản xuất lúa khoảng 4.000ha. Để cây lúa sinh trưởng và phát triển ổn định, kể từ khi làm đất, gieo cấy đến khi thu hoạch, người nông dân thường phun từ 5 - 7 lần thuốc bảo vệ thực vật khác nhau. Nếu sâu bệnh hại lúa phát triển, số lần sử dụng cũng tăng lên.
Anh Nguyễn Văn Chinh, thôn Hoàng Yên, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên cho biết: “Chỉ một loại sâu bệnh có đến vài loại thuốc phòng trừ. Chúng tôi đến mua thuốc cũng không biết loại nào với loại nào. Vì vậy, khi mua các sản phẩm, tôi thường đến cửa hàng quen và chọn mua những sản phẩm có thương hiệu".
Theo bà Phạm Thị Ánh, thôn Tân Biên, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, khi mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hầu hết người dân đều không phân biệt được đâu là hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng. Tất cả phụ thuộc vào tư vấn của người bán. Khi có nhu cầu, chỉ cần kể triệu chứng sâu, bệnh chủ cửa hàng sẽ tư vấn dùng loại nào, nhưng có lần mua thuốc về phun cũng không trừ được sâu, bệnh. “Vụ mùa 2024 vừa qua, thời điểm cuối vụ, gần 700m2 lúa của gia đình tôi có biểu hiện vàng lá, rồi lá lúa dần khô héo lại. Tôi đã mua thuốc về phun theo tư vấn của người bán nhưng thấy tình trạng vàng lá không giảm nên lại mua thuốc về phun tiếp. Chỉ trong vòng 3 tuần tôi đã phun 3 lần thuốc nhưng không hiệu quả. Cuối cùng vụ lúa vừa qua vẫn bị thất thu mà vừa tốn tiền mua thuốc phun” - bà Ánh cho hay.
Ngoài tác dụng diệt dịch bệnh, các loại cỏ và sâu bệnh, nếu không được sử dụng đúng cách, dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước. Tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, nguồn nước người dân sử dụng chủ yếu lấy trực tiếp từ các mó nước đầu nguồn chưa qua xử lý. Chính vì vậy, khi thuốc bảo vệ thực vật không được sử dụng đúng cách ngấm vào đất, nước sẽ gây ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Đơn cử, vào tháng 8/2023, hàng chục người dân ở bản Co Pục, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên đã phải nhập viện cấp cứu do sử dụng nguồn nước nhiễm thuốc diệt cỏ, cụ thể là hoạt chất diquat có trong thuốc diệt cỏ nhãn hiệu COCHAY 200 - Cháy 24h. Nguyên nhân là do trước đó một nhân viên của Nhà máy thủy điện Nậm Khẩu Hu đã phun thuốc diệt cỏ gần khu vực nguồn nước sinh hoạt của người dân bản Co Pục, dẫn tới nguồn nước bị nhiễm độc. Sau khi sử dụng nguồn nước này, mọi người đều có cùng biểu hiện đau đầu, đau họng và nôn.
Trước những tiềm ẩn từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng cách và kém chất lượng, từ năm 2023 đến nay ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp tổ chức 42 lớp tập huấn cho 1.250 lượt người dân và 6 lớp cho 252 cá nhân kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và phân bón trên địa bàn tỉnh tham gia. Qua đó, bổ sung kiến thức cho hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng” nhằm đạt hiệu quả phòng trừ cao, an toàn đối với người, vật nuôi và môi trường.
Thời điểm này, nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung làm đất chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân sắp tới nên nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao. Ngoài tăng cường kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật của các cơ quan chức năng, để việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, phát huy hiệu quả, mỗi nông dân nên chuyển đổi dần phương thức canh tác, thay thế các hóa chất bảo vệ thực vật bằng chế phẩm sinh học an toàn, thân thiện với môi trường và con người.