Kiểm soát nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh sởi tại các bệnh viện
Từ đầu năm đến nay, dịch sởi diễn biến phức tạp trên cả nước. Trước tình hình này, nhiều biện pháp ứng phó với dịch bệnh đã được triển khai, trong đó kiểm soát lây nhiễm chéo tại bệnh viện là yếu tố then chốt.

Chăm sóc bệnh nhi mắc sởi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC
Theo số liệu của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 42.000 ca nghi mắc sởi tại 63 tỉnh, thành, trong đó ít nhất 6 ca tử vong. Phần lớn bệnh nhân là trẻ 9 tháng đến dưới 15 tuổi, nhiều trẻ chưa tiêm chủng đầy đủ.
Ghi nhận tại một số bệnh viện nhi cho thấy, số ca mắc sởi đang gia tăng. Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, năm 2024 tiếp nhận khoảng 800 ca, nhưng chỉ trong 3 tháng đầu năm 2025, con số này đã tăng lên 1.500, gần gấp đôi so với cả năm trước. Trong đó, 50% ca nhiễm sởi phải nhập viện điều trị với nhiều biến chứng nặng, mới nhất ghi nhận 1 ca tử vong là bệnh nhi 44 tháng tuổi, chưa được tiêm vaccine sởi.
TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết, sau 5 tháng (từ tháng 10/2024), bệnh viện đã ghi nhận gần 300 ca mắc sởi, trong đó gần 200 ca phải nhập viện điều trị. BS Thúy cho hay, bệnh sởi là bệnh hay diễn biến thành các đợt dịch theo chu kỳ từ 3 - 5 năm. “Yếu tố miễn dịch trong cộng đồng có liên quan trực tiếp tới tính chu kỳ của các đợt dịch sởi. Thực tế, sởi là một trong những bệnh dễ lây nhiễm nhất thế giới. Để ngăn ngừa dịch bệnh nay, tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu nhất. Các quốc gia trên thế giới đều yêu cầu duy trì tỷ lệ bao phủ vaccine sởi trên 95%, và tỷ lệ tiêm chủng này phải được duy trì ổn định để đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19 nên việc cung ứng, tổ chức tiêm các loại vaccine, trong đó có vaccine phòng sởi ở nước ta bị ảnh hưởng. Do vậy tỷ lệ bao phủ vaccine sởi trong cộng đồng hạ thấp, khi số người chưa tiêm vaccine sởi tích lũy đến một mức độ nhất định thì dịch bệnh sẽ bùng phát” - TS. BS Nga phân tích.
Ngay từ năm 2024, Việt Nam đã được cảnh báo có nguy cơ bùng phát sởi theo chu kỳ dịch mỗi 5 năm 1 lần. Trong 2 chu kỳ bùng phát dịch sởi gần nhất là 2014 và 2019, nước ta ghi nhận số ca mắc sởi tăng cao. Cụ thể, năm 2014, ước ta có hơn 35.000 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 6.000 ca sởi, 147 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. Còn năm 2019, cả nước ghi nhận 40.000 ca sởi, với 4 ca tử vong.
Tại những đợt bùng phát dịch nói trên, dịch sởi năm 2014 được đánh giá là một bài học rất có giá trị trong phòng, chống dịch bệnh bởi lẽ nguyên nhân chính được chỉ ra do lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế. Từ đó cho thấy, việc kiểm soát, phòng nghừa nguy cơ lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế hiện nay là vô cùng cấp thiết.
TS.BS Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho rằng: “Dịch sởi thường có chu kỳ vào tháng 4 - 5 hàng năm, nhưng năm 2024 lại diễn biến bất thường, diễn khi bùng phát vào tháng 11 - 12 và kéo dài cho đến năm 2025. Thống kê cho thấy, chỉ riêng tháng 11 -12/2024, Hà Nội đã ghi nhận 573 ca sởi, trong đó 157 ca lây nhiễm chéo. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2025, số ca mắc đã tăng lên 1.270 ca, trong đó có 1 ca tử vong và 92 ca lây nhiễm chéo tại bệnh viện. Những con số này phản ánh sự nghiêm trọng của dịch sởi hiện nay và đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc kiểm soát, phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả hơn”.
Còn TS Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng nhấn mạnh, nguy cơ lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế sẽ giảm nhiều nếu các bệnh viện tuân thủ việc phân loại, hướng dẫn thu dung, điều trị, cách ly và phương pháp điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. “Lây nhiễm chéo trong bệnh viện sẽ được khuyến cáo rất cao để các cơ sở y tế nhận diện vấn đề và chủ động áp dụng nghiêm túc các hướng dẫn của Bộ Y tế, làm sao để giảm tối đa số ca lây nhiễm chéo trong bệnh viện” – TS Đức khẳng định.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc gửi các bệnh viện, Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố liên quan đến công tác phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi trong cơ sở khám, chữa bệnh.
Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu xây dựng, rà soát, cập nhật kế hoạch phòng, chống bệnh sởi trong cơ sở khám chữa bệnh, trong đó chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị trong tình huống gia tăng các trường hợp người nghi mắc sởi, người bệnh sởi đến khám, bệnh và nhập viện, gia tăng các ca bệnh nặng, nguy kịch.
Tổ chức phân luồng và bố trí khu khám riêng trong khoa khám bệnh cho người nghi mắc sởi và người bệnh sởi; bố trí khu vực thu dung điều trị bệnh sởi cách ly tại khu vực cách ly của các khoa lâm sàng. Đối với các ca bệnh sởi nặng cần phải điều trị hồi sức tích cực, bệnh viện bố trí khu vực điều trị và phải bảo đảm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo. Đặc biệt, Bộ Y tế yêu cầu hạn chế số lượng người thăm bệnh để phòng lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh và cộng đồng; sẵn sàng kế hoạch ứng phó theo diễn biến tình hình bệnh sởi, phối hợp chặt chẽ giữa công tác khám, chữa bệnh và dự phòng…