Kiểm soát giá thuốc điều trị cúm mùa

Cục Quản lý Dược đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc về việc đảm bảo cung ứng và kiểm soát giá thuốc điều trị cúm.

Theo Cục Quản lý Dược, gần đây, một số tỉnh thành ghi nhận số ca mắc cúm mùa, đặc biệt là cúm A, có xu hướng gia tăng. Để đảm bảo việc cung ứng và kiểm soát giá thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt là thuốc điều trị cúm A (Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất oseltamivir).

Trước thực tế đó, Cục này yêu cầu các đơn vị, trong đó có Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khẩn trương triển khai thực hiện các Công văn số 3847/QLD-KD ngày 02/12/2024 và Công văn số 414/QLD-KD ngày 07/02/2025 của Cục về việc bảo đảm cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh, thuốc điều trị cúm.

Cục cũng yêu cầu tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho người dân về việc không tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị cúm A khi không có chỉ định của bác sỹ.

Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong việc kinh doanh các thuốc kháng virus dùng trong điều trị cúm mùa, đặc biệt là các vi phạm về quản lý giá thuốc (khai giá không đúng quy định, không niêm yết giá thuốc, bán cao hơn giá niêm yết,...), các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, bán thuốc kê đơn mà không có đơn của bác sỹ, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.

Đối với các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế, cần chủ động bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt là thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh tại đơn vị; thực hiện đúng các quy định về mua bán thuốc và quản lý giá thuốc tại cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh.

Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc điều trị cúm mùa, trong đó có thuốc điều trị cúm A, khẩn trương lập kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thuốc để bảo đảm nguồn cung ứng phục vụ công tác điều trị và thực hiện các hợp đồng cung ứng thuốc với các cơ sở khám chữa bệnh theo kết quả trúng thầu đã ký kết.

Các cơ sở bán lẻ thuốc phải tuân thủ đúng quy định về bán thuốc theo đơn, có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sỹ và hướng dẫn sử dụng thuốc để bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Các cơ sở bán thuốc không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc lên cao nhằm trục lợi.

Trước đó, một số người dân đã đổ xô đi mua thuốc Tamiflu (chứa hoạt chất oseltamivir) - thuốc kháng virus cúm A - để dự trữ do lo ngại giá thuốc sẽ tăng hoặc tình trạng khan hiếm thuốc khi dịch bùng phát. Trên các trang mạng xã hội, nhiều tài khoản và cửa hàng thuốc còn khuyến cáo người dân nên dự trữ 1-2 vỉ thuốc Tamiflu để phòng tránh khi mắc cúm A.

Đại diện Cục Quản lý Dược cho biết nguồn cung thuốc chứa hoạt chất oseltamivir vẫn đảm bảo. Theo thông tin từ công ty nhập khẩu, hiện tại tồn kho thuốc Tamiflu là hơn 10.000 hộp, công ty đã xuất bán cho công ty phân phối hơn 30.000 hộp, và sắp tới sẽ nhập thêm khoảng 50.000 hộp. Trong nước cũng sản xuất và cung ứng thuốc chứa oseltamivir, hiện có trên 300.000 viên. Giá bán buôn vẫn giữ nguyên.

Cục Quản lý Dược cảnh báo rằng các hành vi lợi dụng, tăng giá thuốc nhằm trục lợi sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 15 Nghị định 87/2024/NĐ-CP ngày 12/7/2024, với mức phạt từ 50 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với cá nhân.

Đối với tổ chức, mức phạt sẽ gấp đôi mức phạt đối với cá nhân. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị buộc phải khắc phục hậu quả, trả lại số tiền đã thu lợi từ hành vi vi phạm.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng 80-90% các trường hợp mắc cúm là thể nhẹ và có thể tự khỏi. Chỉ những trường hợp sốt cao kéo dài, tổn thương phổi mới cần nhập viện điều trị. Do đó, không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng cần dùng thuốc Tamiflu. Những trường hợp mắc cúm nhẹ không cần thiết phải uống Tamiflu vì bệnh sẽ tự khỏi.

Với tình hình dịch cúm mùa, người dân cần hiểu đúng về thuốc Tamiflu để tránh tâm lý hoang mang và mua thuốc tích trữ không cần thiết.

Cúm mùa mặc dù thường tiến triển lành tính và tự khỏi sau thời gian ngắn, nhưng nếu không được điều trị kịp thời hoặc có yếu tố nguy cơ, có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm phế quản cấp và viêm cơ tim.

Viêm phổi là biến chứng nguy hiểm nhất, có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong, đặc biệt ở người già, trẻ em và những người có hệ miễn dịch yếu. Cúm mùa cũng có thể dẫn đến suy đa tạng ở những bệnh nhân mắc bệnh lý nền như bệnh tim mạch, tiểu đường hoặc các vấn đề về thận.

Bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải, Hệ thống Tiêm chủng Safpo/Potec, khuyến cáo việc tiêm vắc-xin cúm hàng năm là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất.

Vắc-xin cúm tứ giá bảo vệ chống lại bốn chủng virus cúm phổ biến. WHO đã thiết lập các trạm quan trắc vi rút cúm mùa trên toàn thế giới, giúp xác định và dự đoán các chủng vi rút cúm sẽ xuất hiện trong mùa đông xuân khu vực Bắc bán cầu và Nam bán cầu. Điều này cho phép WHO đưa ra các hướng dẫn về sản xuất vắc-xin phòng cúm mùa cho các nhà sản xuất.

Việc tiêm vắc-xin cúm mỗi năm giúp bảo vệ người dân khỏi bệnh cúm, đặc biệt là trong mùa cúm từ mùa thu đến mùa xuân. Cả trẻ nhỏ và người trưởng thành đều cần tiêm vắc-xin cúm mùa để bảo vệ sức khỏe.

Ngoài ra, người dân cần thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân tốt, giữ gìn sức khỏe, nghỉ ngơi đầy đủ và uống nhiều nước để tăng cường hệ miễn dịch và phòng ngừa cúm.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/kiem-soat-gia-thuoc-dieu-tri-cum-mua-d246018.html
Zalo