Kiểm soát chặt từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ

Bên cạnh đảm bảo an toàn thực phẩm, điểm nổi bật trong triển khai chương trình bình ổn thị trường năm 2024 - Tết năm 2025 là giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho người dân.

Ông Lê Minh Hải, Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết TP.HCM đã phối hợp với Sở NN&PTNT của 15 tỉnh ký kết phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm.

Mục đích ký kết nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giai đoạn 2021-2025; xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giữa TP.HCM và các tỉnh.

Liên kết tỉnh đảm bảo thực phẩm an toàn

“Chúng tôi phối hợp kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm từ khâu sản xuất ban đầu đến cơ sở sơ chế/giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản. Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hợp tác, kết nối sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ” - ông Hải nói.

Ngoài ra, Sở An toàn thực phẩm đã xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Năm 2024, Ban quản lý đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” đã cấp 243 giấy chứng nhận cho 210 cơ sở kinh doanh, 3 cơ sở sơ chế, 3 cơ sở giết mổ và 3 cơ sở sản xuất, 24 cơ sở chăn nuôi với sản lượng rau củ hơn 2.000 tấn/năm, thịt gà hơn 35.000 tấn/năm.

Từ khi triển khai đề án đến nay, Ban quản lý đề án đã cấp giấy chứng nhận cho 354 trang trại, cơ sở sản xuất, chăn nuôi và nuôi trồng đạt chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn.

Ông Hải cho biết thêm bên cạnh đảm bảo nguồn hàng, kiểm soát giá cả, năm nay là năm đầu tiên TP triển khai chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa (Tick xanh trách nhiệm) với mục tiêu định hướng sản xuất thông qua tín hiệu thị trường trên nguyên tắc tự nguyện, minh bạch và trung thực.

 Đoàn kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm dịp Tết tại Công ty TNHH MM Mega Market (TP Thủ Đức) vào ngày 20-1. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Đoàn kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm dịp Tết tại Công ty TNHH MM Mega Market (TP Thủ Đức) vào ngày 20-1. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Chương trình nhận được sự đồng thuận và được dẫn dắt bởi tám tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam, mở ra cơ hội phát triển thị trường cho sản phẩm có quy trình sản xuất minh bạch, an toàn; đồng thời góp phần ngăn chặn sản phẩm bẩn, sản phẩm kém chất lượng đến người tiêu dùng TP.

“Điểm nổi bật trong triển khai chương trình bình ổn thị trường năm 2024 - Tết năm 2025 là chương trình tiếp tục đeo bám mục tiêu giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp” - ông Hải chia sẻ.

Nguồn hàng Tết dồi dào, tránh tâm lý tích trữ

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết trước tình hình hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài và hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc thâm nhập thị trường, nhất là các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán như vật dụng trang trí, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo... Sở Công Thương TP.HCM đã triển khai các đơn vị tập trung nhiều giải pháp.

Cụ thể, sở đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ sức khỏe từ việc tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh, không kiểm chứng chất lượng; hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm an toàn, nhận biết các dấu hiệu hàng giả, hàng nhái, hàng hết hạn sử dụng.

Sở Công Thương khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên mua sắm hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm của các doanh nghiệp uy tín trong nước. Các hệ thống phân phối sẽ tăng tần suất hoạt động vào những ngày cận Tết. Đa số sẽ mở cửa trở lại từ mùng 2 Tết, một số hệ thống sẽ hoạt động xuyên Tết. Nguồn hàng bình ổn thị trường được đảm bảo liên tục, ổn định. Vì vậy, sở này khuyến khích người dân chi tiêu hợp lý, tránh tâm lý tích trữ hoặc mua sắm vượt mức cần thiết.

Ngoài ra, Sở Công Thương phối hợp để cảnh báo người dân về các hành vi tung tin đồn thất thiệt, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; các hình thức lừa đảo phổ biến trong dịp Tết, mạo danh khuyến mãi...; khuyến khích người dân kịp thời thông tin, phản ánh các hành vi vi phạm như buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng...

Sở Công Thương cũng phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức để tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường, phòng chống tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý...

“Sở Công Thương đẩy mạnh triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa; kịp thời chia sẻ thông tin nhà cung cấp vi phạm chất lượng; đồng thời đẩy mạnh truyền thông tại điểm bán, hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt, ưu tiên mua sắm sản phẩm Tick xanh trách nhiệm. Giải pháp này không chỉ phục vụ mùa Tết, mà còn là giải pháp dài hạn, xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, bền vững bằng cam kết trách nhiệm của từng khâu, từng cơ sở trong chuỗi cung ứng” - ông Phương nhấn mạnh.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/kiem-soat-chat-tu-khau-san-xuat-den-che-bien-tieu-thu-post831353.html
Zalo