Kiểm soát chặt nguồn thải, chủ động phòng ngừa ô nhiễm
Trong tiến trình phát triển công nghiệp và dịch vụ, tỉnh Long An luôn kiên định với quan điểm phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Điều này thể hiện rõ trong việc tăng cường kiểm soát các nguồn thải, nhất là từ những ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Qua đó, từng bước hình thành nền kinh tế xanh, hài hòa giữa lợi ích kinh tế và trách nhiệm môi trường.

Khu xử lý nước thải tập trung của doanh nghiệp
Chủ động giám sát những ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm cao
Hiện nay, toàn tỉnh có 157 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc 14/17 loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, theo Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Nghị định số 05/2025/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là những loại hình bắt buộc phải thực hiện các biện pháp quản lý môi trường nghiêm ngặt do đặc thù sản xuất dễ phát sinh chất thải rắn, nước thải và khí thải độc hại.
Cụ thể, ngành dệt nhuộm có đến 42 cơ sở đang hoạt động, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhóm nguy cơ ô nhiễm. Tiếp đến là ngành tái chế chất thải với 29 cơ sở, xi mạ (26 cơ sở), hóa chất (10 cơ sở) và sản xuất linh kiện điện tử (10 cơ sở). Ngoài ra, còn có các cơ sở sản xuất giấy từ nguyên liệu tái chế, sản xuất xi măng, chế biến thực phẩm, giết mổ và chăn nuôi quy mô công nghiệp,...
Các loại hình này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao mà còn phát sinh lượng chất thải lớn, liên tục. Vì vậy, việc giám sát, kiểm tra và buộc tuân thủ các quy chuẩn môi trường là nhiệm vụ then chốt của ngành chức năng. Nhằm tăng cường kiểm soát, tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp (DN) có lưu lượng nước thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục và kết nối dữ liệu trực tiếp về Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều DN lớn như Công ty TNHH Formosa Taffeta Việt Nam, Shundao, S&S Fabrics, ChanCo, Dệt Kim Đông Phương, Sapporo Việt Nam, Đồ hộp Việt Cường, LeLong Việt Nam,... đã hoàn tất lắp đặt hệ thống giám sát nước thải.
Trong lĩnh vực khí thải, toàn tỉnh có 9 đơn vị thuộc nhóm ngành có nguy cơ cao phải lắp đặt hệ thống quan trắc bụi và khí thải tự động. Đến nay, đã có 8/9 DN hoàn thành truyền dữ liệu về cơ quan chức năng. Riêng 1 cơ sở còn lại đang trong quá trình lắp đặt hệ thống.
Phần lớn các DN vận hành tốt hệ thống xử lý nước thải, khí thải. Chất lượng chất thải sau xử lý đa phần đều đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Tuy nhiên, vẫn ghi nhận một số thời điểm DN xả thải vượt ngưỡng cho phép. Khi phát hiện vi phạm qua dữ liệu quan trắc, Sở sẽ lập tức gửi văn bản cảnh báo và yêu cầu DN khắc phục theo quy định.
Trong năm 2023, có 4 DN bị phát hiện xả thải vượt quy chuẩn và bị yêu cầu khắc phục. Con số này tăng lên 6 DN trong năm 2024. Đáng ghi nhận, các đơn vị vi phạm đều đã nghiêm túc tiếp thu, nhanh chóng khắc phục và báo cáo lại kết quả xử lý. Không chỉ kiểm soát qua hệ thống giám sát tự động, tỉnh còn thực hiện nhiều đợt thanh, kiểm tra trực tiếp tại các cơ sở sản xuất. Đặc biệt là những ngành nhạy cảm như dệt nhuộm, xi mạ, xử lý chất thải.
Năm 2024, tỉnh đã tiến hành thanh, kiểm tra đối với 70 tổ chức và 1 cá nhân. Qua đó, phát hiện 44 tổ chức và 1 cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Trong số các cơ sở vi phạm, phần lớn thuộc nhóm ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Cơ quan chức năng đã ban hành 44 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 4,941 tỉ đồng; đồng thời, yêu cầu các đơn vị vi phạm có biện pháp khắc phục triệt để, không để tái diễn tình trạng gây ô nhiễm kéo dài.
Chuyển biến tích cực trong phát triển xanh
Những nỗ lực trên đã mang lại kết quả đáng ghi nhận. Thời gian qua, tỉnh không xảy ra những “điểm nóng” xung đột về môi trường và gây mất an ninh, trật tự. Nổi bật, Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023, Long An có sự đột phá khi tăng đến 16 bậc so với năm 2022 và đứng vị trí thứ 12 trong năm 2023.
Chưa dừng lại ở đó, tỉnh tiếp tục ghi nhận một bước tiến vượt bậc trong nỗ lực phát triển xanh và bền vững khi Chỉ số Xanh cấp tỉnh năm 2024 được xếp hạng ở vị trí thứ 6 cả nước với tổng số 27,56 điểm (tăng 6 bậc và tăng 4,49 điểm so với năm 2023).
Đánh giá Chỉ số Xanh cấp tỉnh góp phần hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố đánh giá, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản trị môi trường tại các địa phương. PGI bao gồm 4 chỉ số thành phần: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; Vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành Xanh; Chính sách và dịch vụ hỗ trợ DN trong bảo vệ môi trường. Sự tăng hạng mạnh mẽ này cho thấy những nỗ lực không ngừng của chính quyền, DN và người dân tỉnh trong việc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường - Võ Minh Thành, việc quản lý, giám sát các nguồn thải có nguy cơ ô nhiễm cao tiếp tục là trọng tâm trong thời gian tới. Tỉnh sẽ tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quan trắc, giám sát tự động; đồng thời, nâng cao năng lực thanh tra, xử lý để bảo đảm tính răn đe và hiệu quả quản lý. Với quan điểm xuyên suốt và nhất quán phương châm phát triển phải bền vững, nhất quyết không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường.
Tỉnh cũng yêu cầu các DN nâng cao trách nhiệm xã hội, đầu tư đầy đủ hệ thống xử lý môi trường trước khi mở rộng quy mô sản xuất. Việc kiểm soát ô nhiễm không chỉ giúp DN phát triển bền vững mà còn bảo vệ môi trường sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn, bảo đảm an ninh, trật tự địa bàn.
Thực hiện Kế hoạch số 135/KH-BCA, ngày 01/3/2025 của Bộ Công an về “Tổng rà soát, đấu tranh xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật và tham mưu giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm, khu vực, địa điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”, gần đây, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tăng cường phòng ngừa, phát hiện, xử lý, giải quyết các cơ sở, khu vực, địa điểm ô nhiễm môi trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm giao Công an tỉnh chủ trì triển khai hiệu quả Kế hoạch số 135/KH-BCA theo chức năng, nhiệm vụ, gắn với thực tiễn tình hình vi phạm trên địa bàn. Trong khi đó, các cấp, các ngành được giao nhiệm vụ phối hợp Công an tỉnh rà soát, chia sẻ, cung cấp thông tin, danh sách các cơ sở gây ô nhiễm, khu vực, địa điểm ô nhiễm môi trường và các dữ liệu quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường.
Theo Đại tá Lâm Minh Hồng - Giám đốc Công an tỉnh, thực hiện theo chỉ đạo, Công an tỉnh xây dựng chương trình tổng thể, đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, rà soát, xử lý nghiêm các “điểm nóng” ô nhiễm; đồng thời, kiên quyết chuyển xử lý hình sự đối với hành vi có dấu hiệu tội phạm với phương châm “Không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường”.
Quan điểm xuyên suốt là “Xử lý một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”, “Không áp dụng các biện pháp hành chính thay thế cho xử lý hình sự”. Kiên quyết không để hình thành các “điểm nóng, phức tạp” về ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người./.
Giám sát các nguồn thải có nguy cơ ô nhiễm cao tiếp tục là trọng tâm trong thời gian tới trong công tác bảo vệ môi trường của các ngành chuyên môn. Tỉnh sẽ tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quan trắc, giám sát tự động; đồng thời, nâng cao năng lực thanh tra, xử lý để bảo đảm tính răn đe và hiệu quả quản lý. Với quan điểm xuyên suốt và nhất quán phương châm phát triển phải bền vững, nhất quyết không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường - Võ Minh Thành