Kiểm soát chặt mặt hàng thuốc lá nhập lậu
Thuốc lá là một trong số các mặt hàng được lực lượng chức năng tập trung kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
Năm 2024, nhiều vụ vận chuyển, buôn lậu thuốc lá số lượng lớn đã bị phát hiện, xử lý. Song công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá chưa bao giờ hạ nhiệt, bởi các đối tượng luôn tìm mọi phương thức, thủ đoạn để đưa thuốc lá lậu vào thị trường nội địa do lợi nhuận cao.
Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, tỷ trọng các vụ việc vi phạm đối với thuốc lá điếu giảm so với vi phạm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với các hành vi vi phạm chủ yếu như nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng. Các tỉnh, thành phố đang là điểm nóng về vi phạm đối với mặt hàng này như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Long An, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh… Thay vì trước đây các đối tượng tự vận chuyển, thuê người vận chuyển thì nay thuốc lá được "trà trộn" trong các kiện hàng và gửi qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán nên rất khó phát hiện. Trong 11 tháng năm 2024, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tập trung giám sát, kiểm tra lĩnh vực này và phát hiện nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước.
Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Quang Huy cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra và xử lý 65 vụ vi phạm liên quan đến kinh doanh thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu và hoạt động kinh doanh không đăng ký theo quy định. Qua các đợt kiểm tra, cơ quan chức năng đã tạm giữ 16.185 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử và phụ kiện, với tổng giá trị hơn 4,9 tỷ đồng. Đến nay, các quyết định xử phạt hành chính đã được ban hành, với số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng. Để ngăn chặn hành vi kinh doanh trái phép thuốc lá, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra, xử lý có trọng tâm, trọng điểm đối với mặt hàng thuốc lá điện tử.
Tại Hà Nội, Cục QLTT Hà Nội tiếp tục tăng cường kiểm tra đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt chú trọng kiểm tra các mặt hàng cấm như thuốc lá điếu nhập lậu. Từ đầu tháng 11 đến nay, chỉ riêng Đội QLTT số 17 cùng Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 BCĐ 389 thành phố Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 7 vụ thuốc lá điện tử, phạt hành chính 112.500.000 đồng, buộc tiêu hủy 606 sản phẩm thuốc lá điện tử dùng 1 lần, phụ kiện hút thuốc lá điện tử, tinh dầu thuốc lá điện tử, trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy trên 166 triệu đồng.
Trên thực tế, thuốc lá điếu nhập lậu dù không còn bày bán công khai nhưng các đối tượng buôn bán mặt hàng này đã chuyển sang môi trường thương mại điện tử. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương cho rằng, bên cạnh hoạt động kinh doanh mua bán truyền thống, theo xu thế hiện nay, hoạt động mua bán, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chia sẻ thông tin, mua bán, trao đổi về các loại thuốc lá diễn ra mang tính công khai trên các tài khoản cá nhân, các hội, nhóm; có rất nhiều thành viên tham gia trên các mạng xã hội, internet và một số website thương mại điện tử kinh doanh các sản phẩm này. Việc này gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường trong việc tìm hiểu, thu thập thông tin, kiểm tra, xử lý do trong nhiều trường hợp không xác định được không gian cụ thể về địa điểm bán hàng, địa điểm chứa trữ hàng hóa của các đối tượng kinh doanh, vận chuyển.
Hiện lực lượng chức năng đã và đang tăng cường công tác quản lý thông tin địa bàn; triển khai các biện pháp nghiệp vụ thu thập thông tin, giám sát, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các tổ chức/cá nhân có hành vi kinh doanh chào bán các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được phép lưu hành ở Việt Nam, đặc biệt là các tổ chức/cá nhân kinh doanh trên mạng thương mại điện tử, mạng xã hội, ứng dụng di động. Đồng thời, lực lượng QLTT phối hợp với Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam dán áp phích phổ biến, tuyên truyền chống tác hại của thuốc lá nói chung và các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nói riêng.
Về giải pháp để hạn chế hiện tượng buôn lậu thuốc lá trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đã cận kề, ông Nguyễn Đức Lê cho biết, Tổng cục QLTT đã ban hành kế hoạch thực hiện việc cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, trong đó mặt hàng thuốc lá là một trong số các mặt hàng được tập trung kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Lực lượng QLTT tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng. Đồng thời xác định rõ bên cạnh thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu thì mặt hàng "thuốc lá thế hệ mới" là cũng là một mặt hàng trọng điểm của công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường do những tác động tiêu cực của nó mang đến, cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả.