Kiểm soát chất lượng nông, thủy sản

An toàn thực phẩm là chủ đề chưa bao giờ cũ trong đời sống hiện tại. Bởi điều này liên quan đến từng bữa ăn, tác động lớn đến sức khỏe của mỗi người. Một trong những lĩnh vực mà thời gian qua được các cơ quan chuyên môn và người tiêu dùng hết sức quan tâm, đó là việc bảo đảm an toàn thực phẩm nông sản, thủy sản… trước khi đến bàn ăn của mỗi gia đình.

Một vùng trồng rau ăn lá của tỉnh. Ảnh minh họa

Một vùng trồng rau ăn lá của tỉnh. Ảnh minh họa

1. Như bao người nội trợ khác, chị Trần Thị Hương ở phường Phú Thủy, tỉnh Lâm Đồng luôn chú trọng đến chất lượng từng bữa ăn và hướng đến các sản phẩm sạch, có nguồn gốc. Tuy nhiên, do sinh sống trong khu vực đô thị, diện tích đất nhỏ nên hầu như toàn bộ thực phẩm từ rau, củ và các loại thực phẩm như cá, thịt chị đều phải mua ở khu chợ gần nhà. Sự bất an trong chị dâng lên, khi gần đây các phương tiện truyền thông đưa tin liên tiếp các vụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý, trong đó có mặt hàng nông sản. Chị Hương cho biết, để đảm bảo chất lượng bữa ăn, gia đình chị một phần tự trồng rau trong thùng xốp, phần khác chuyển qua mua thực phẩm tại những điểm bán hàng uy tín, sản phẩm được chứng nhận OCOP, có nguồn gốc xuất xứ.

Nỗi lo của chị Hương và nhiều người nội trợ khác không thừa, khi thực tế hiện nay, vì lợi ích kinh tế, một số nhà vườn còn sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không đúng quy định để phun rau, quả, đặc biệt là rau ăn sống, dẫn đến để lại dư lượng thuốc.

Cơ quan chuyên môn lấy mẫu kiểm tra chất lượng nông, thủy sản định kỳ

Cơ quan chuyên môn lấy mẫu kiểm tra chất lượng nông, thủy sản định kỳ

2. Theo ngành nông nghiệp tỉnh, trong 5 năm trở lại đây, công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông, thủy sản được ngành thực hiện tương đối đầy đủ các giải pháp. Trong đó, việc lấy mẫu giám sát chất lượng được tăng cường trên các sản phẩm có nguy cơ cao như rau, thịt, nguyên liệu thủy sản, thủy sản chế biến. Đồng thời, tập trung xây dựng, phát triển nhiều mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất đem lại hiệu quả cao…

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh cũng nhìn nhận tồn tại, hiện nay quy mô vùng sản xuất, cơ sở sơ chế biến sản phẩm nông, thủy sản ở khu vực phía Đông Nam tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ. Mặt khác, thói quen lạm dụng thuốc BVTV, tình trạng sử dụng thuốc BVTV không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn còn; một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thực phẩm ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm chưa cao, còn chạy theo lợi nhuận…

Do đó, để đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh, rất cần chế tài xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến trong sơ chế, chế biến thực phẩm không đúng quy định. Trong đó có các loại thuốc kháng sinh, thuốc thú y, hóa chất BVTV ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ… để tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm. Bên cạnh, đẩy mạnh trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn đạt tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm… Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về an toàn thực phẩm trong thực hành sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản, thủy sản. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi đối với sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực của tỉnh và sản phẩm lợi thế từng địa phương. Mục tiêu là kiểm soát chất lượng nông, thủy sản, góp phần đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

KIỀU HẰNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kiem-soat-chat-luong-nong-thuy-san-382547.html
Zalo