Kiểm soát chặt dòng vốn 2,5 triệu tỷ đồng chảy vào bất động sản

Ngành Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, tương đương với 2,5 triệu tỷ đồng sẽ được bơm vào nền kinh tế để tạo động lực phát triển kinh tế, đạt tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần phải xác định rõ lĩnh vực ưu tiên để tránh xảy ra nguy cơ bong bóng tài chính, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.

Với một lượng tiền rất lớn được bơm ra, nếu không được phân bổ hợp lý, đặc biệt là khu vực ưu tiên trong lĩnh vực sản xuất, thì sẽ tái lập tình trạng lạm phát, bong bóng tài sản và nợ xấu tăng cao...

Thị trường bất động sản cần kiểm soát chặt chẽ mối quan hệ giữa ngân hàng và nhà đầu cơ.

Thị trường bất động sản cần kiểm soát chặt chẽ mối quan hệ giữa ngân hàng và nhà đầu cơ.

Thị trường bất động sản là lĩnh vực nhạy cảm đối với chính sách tiền tệ, chính sách lãi suất và chính sách dòng tiền trong nền kinh tế. Hiện nay, tổng dư nợ tín dụng bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Trong bối cảnh giá trị sở hữu bất động sản tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang đạt ngưỡng cao, vượt xa khả năng chi trả của đa số người có nhu cầu sở nhà ở tại các thành phố lớn. Thì việc dịch chuyển dòng tiền cần phải được phân bổ và kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng để xảy ra khi dòng tiền chảy vào những nơi có tính đầu cơ cao. Bài học rất nhiều chu kỳ đã gây ra tình trạng bong bóng lớn, theo các chuyên gia thì đây là việc tăng trưởng tín dụng một cách quá dễ dãi khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao.

TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhận định, tăng trưởng kinh tế năm nay phụ thuộc lớn vào dòng vốn tín dụng. Lượng vốn khổng lồ 2,5 triệu tỷ đồng nếu được "bơm" vào nền kinh tế sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho tổng cầu. Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo: "Nếu một phần đáng kể lượng vốn nói trên không chảy vào sản xuất - kinh doanh mà đổ vào chứng khoán hay bất động sản thì nguy cơ bong bóng tài chính như trước đó từng xảy ra là rất cao".

Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, sự phát triển của thị trường bất động sản là yếu tố cần thiết cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tình trạng vốn chảy vào bất động sản đầu cơ đang có nguy cơ đi lệch hướng, trái với mục tiêu hỗ trợ người dân mua nhà ở.

Để điều này không xảy ra, các chuyên gia cho rằng cần có những biện pháp quyết liệt để tái cấu trúc thị trường bất động sản. Cụ thể, các chính sách cần tập trung vào việc phát triển các sản phẩm bất động sản dành cho nhu cầu ở thực, thay vì những sản phẩm phục vụ cho các giao dịch đầu cơ.

Việc tín dụng ngân hàng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế, nhưng đi kèm với đó là những cảnh báo về nguy cơ bong bóng tài chính, đặc biệt là khi nguồn vốn này đổ vào bất động sản. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp để hướng dòng tín dụng vào các dự án nhà ở thực, phục vụ nhu cầu thực sự của người dân, tránh để thị trường bất động sản rơi vào tình trạng đầu cơ, làm ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế.

Ở góc độ cơ quan quản lý, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin, để tín dụng ngân hàng hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, ngành ngân hàng sẽ tập trung vốn vào lĩnh vực ưu tiên, đầu tư, sản xuất kinh doanh, xuất khẩu… Đặc biệt, ngân hàng sẽ tập trung cho tín dụng tiêu dùng như mua nhà ở xã hội.

Nguyễn Linh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/kiem-soat-chat-dong-von-25-trieu-ty-dong-chay-vao-bat-dong-san-397289.html
Zalo