Kiểm soát chặt chẽ việc mua, bán thuốc qua thương mại điện tử
Thực hiện kế hoạch tuyên truyền, góp ý xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật Nhà nước trong thời gian tới, ngày 15/11, tại Hà Nội, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức Tọa đàm Đối thoại Chính sách với chủ đề: 'Mua bán thuốc trực tuyến - Nên hay không?'.
Tọa đàm được tổ chức trong thời điểm dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dược dự kiến sắp được Quốc hội thông qua và quy định về cho phép bán thuốc trực tuyến là một điểm mới đáng chú ý.
Theo các chuyên gia, hiện việc mua bán thuốc trực tuyến đã và đang diễn ra phổ biến nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để đưa hoạt động này vào khuôn khổ pháp luật để quản lý hiệu quả. Ước tính thị trường thuốc trực tuyến Việt Nam tới năm 2024 đang đạt khoảng 5-8% thị phần bán thuốc và đang tăng trưởng không ngừng.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đều cho rằng, việc mua thuốc kê đơn qua mạng mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng, nhất là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, nơi các hiệu thuốc không phải lúc nào cũng có sẵn thuốc. Thay vì phải đến tận nơi khám bệnh và mua thuốc, người bệnh có thể đặt hàng trực tuyến một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và công sức. Khi người dân có thể mua thuốc kê đơn qua mạng, số lượng bệnh nhân đến trực tiếp các bệnh viện và phòng khám có thể giảm bớt, góp phần giảm tải cho hệ thống y tế và tránh lây nhiễm chéo.
Điều này đặc biệt quan trọng trong các trường hợp bệnh lý mãn tính, khi bệnh nhân chỉ cần tái khám để lấy thuốc, không cần phải khám lại. Bên cạnh đó, việc mua thuốc trực tuyến có thể giúp người dân tiết kiệm chi phí vận chuyển và chi phí khám bệnh. Các cửa hàng thuốc trực tuyến thường có giá cả cạnh tranh hơn do giảm thiểu chi phí thuê mặt bằng, nhân viên và các chi phí phụ trợ khác.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trần Thị Nhị Hà cho biết: Kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử là xu hướng tất yếu. Việc mua bán thuốc trên các sàn đã diễn ra phổ biến. Với góc độ quản lý nhà nước, các Sở Y tế đang hỗ trợ cùng các sàn để kiểm soát việc mua bán thuốc trực tuyến. Thực tế có nhiều thuốc phải kê đơn nhưng vẫn được mua bán trực tuyến hoặc có những nguyên liệu kháng sinh làm thuốc được mua bán. Vì vậy, việc bán thuốc kê đơn qua mạng cần được quản lý chặt chẽ, giúp người tiêu dùng tiếp cận các loại thuốc chất lượng từ các nguồn đáng tin cậy, dễ dàng tra cứu thông tin về thuốc và các đánh giá của người dùng khác trước khi quyết định mua.
Còn theo Trưởng Phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số-Bộ Công thương) Lê Thị Hà, thương mại điện tử thành phương thức phổ biến. Thực tế cho thấy, khi dịch Covid-19 xuất hiện, người dân bị hạn chế đi lại, rất khó tiếp xúc mặt hàng thuốc, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, việc mua bán thuốc trực tuyến thể hiện văn minh trong hạ tầng quản lý, sẽ lưu vết giao dịch trên thương mại điện tử nên quản lý được sát sao hơn là mua tại các nhà thuốc trực tiếp, nhất là các cửa hàng trong ngõ, hẻm.
Về vấn đề này, Giám đốc Vận hành eDoctor, Thành viên Nhóm Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (Worldbank) về Ứng dụng Khám chữa bệnh từ xa (telemedicine) Vũ Thái Hà chia sẻ: Với mong muốn đưa công nghệ vào cho người dân tốt hơn, đây là nhu cầu lớn và sẽ tăng hơn nữa. Chúng ta không thể đi ngược lại xu hướng, đồng nghĩa với việc nếu không tạo hành lang hoạt động, vận hành thì tạo ra hàng loạt rủi ro khác.
Đề cập đến những nền tảng xuyên biên giới, thời gian gần đây, những nền tảng xuyên biên giới có động thái gia nhập thị trường. Với lĩnh vực nhạy cảm như thuốc, tất cả các sản phẩm thuốc được bán trên các nền tảng phải được cấp phép. Tuy nhiên, với nền tảng xuyên biên giới cần bảo đảm ai là người hướng dẫn sử dụng; kiểm soát chất lượng khi qua cửa khẩu? Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trần Thị Nhị Hà cho biết: Thuốc là mặt hàng đặc biệt, phải có tư vấn sử dụng thuốc, không thể vận chuyển thuốc theo giao hàng nhanh, tiết kiệm mà phải vận chuyển theo tiêu chuẩn Bộ Y tế ban hành. Vì vậy, cần phải quy định xử lý vi phạm chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn và sự vào cuộc của liên ngành như: Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Công an... tạo điều kiện cho người dân cũng như quản lý các nền tảng xuyên biên giới.
Tại tọa đàm, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, việc bán thuốc trực tuyến cần mở rộng theo hướng, cho phép bán lẻ thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn trên hệ thống kê đơn thuốc điện tử quốc gia của Bộ Y tế. Hệ thống này có đầy đủ mã cơ sở khám chữa bệnh, mã bác sĩ, mã đơn thuốc, được liên thông, có thể triển khai việc mua bán thuốc trên sàn thương mại điện tử một cách hợp lệ.
Ngoài ra, các đại biểu cũng nhấn mạnh cần phải giám sát chặt chẽ việc mua bán thuốc theo hình thức thương mại điện tử, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về việc mua thuốc theo đơn của bác sĩ. Trong thời gian tới, Chính phủ cần ban hành hoặc sửa đổi bổ sung các chế tài xử phạt đủ để cơ sở khám, chữa bệnh và bán thuốc phải thực hiện theo quy định.